Multimedia Đọc Báo in

Nhớ về một thời "mở cõi"

16:30, 14/02/2018

Vượt lên mọi khó khăn, thiếu thốn, thậm chí cả những hy sinh, mất mát, những người lính Cụ Hồ của Đoàn 333 đã biến vùng Đông Nam tỉnh Đắk Lắk vốn hoang vu, heo hút trở nên trù phú, tươi đẹp như hôm nay.

Từ hoang vu thành trù phú

Đoàn 333 (Quân khu 5) được thành lập ngày 1-10-1976 với nhiệm vụ chính là xây dựng kinh tế và sẵn sàng chiến đấu trên địa bàn vùng Đông Nam tỉnh Đắk Lắk. Cơ quan chỉ huy của Đoàn 333 đóng quân tại buôn Ea Knốp, thuộc xã Krông Zin, huyện M’Đrắk (nay là thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar). Đứng chân trên địa bàn chiến lược quan trọng, giữa núi rừng trùng điệp, dân cư thưa thớt, Đoàn 333 gặp không ít khó khăn, nhưng với phẩm chất và bản lĩnh của bộ đội Cụ Hồ, đơn vị đã hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, làm nên những kỳ tích đáng tự hào.

Ông Đỗ Văn Đệ, nguyên Bí thư Đảng ủy Xí nghiệp Liên hợp 333 - người từng gắn bó với Đoàn 333 từ ngày thành lập kể: khu vực Đoàn 333 đóng quân ngày ấy chủ yếu là rừng rậm, chỉ có những con đường mòn rất nhỏ, thậm chí không có đường nên để xây dựng doanh trại, đơn vị phải dùng sức người, máy móc mở đường chuẩn bị điều kiện cần thiết ban đầu cho cuộc sống trên vùng đất mới. Giữa rừng thiêng, nước độc, điều kiện còn hạn chế nên rất nhiều người đổ bệnh, thậm chí thương vong do sốt rét, rắn độc cắn…

Ông Đỗ Văn Đệ, nguyên Bí thư Đảng ủy Xí nghiệp Liên hợp 333 thông tin về Tượng đài Thành quả tại Hội nghị thống nhất khoanh vùng, bảo vệ di tích.
Ông Đỗ Văn Đệ, nguyên Bí thư Đảng ủy Xí nghiệp Liên hợp 333 thông tin về Tượng đài Thành quả tại Hội nghị thống nhất khoanh vùng, bảo vệ di tích.

Từ buổi ban đầu đầy chông gai, Đoàn 333 đã sớm xác định được hướng sản xuất lâu dài và từng thời kỳ, ra sức lao động sáng tạo, tích cực khai thác tiềm năng đất đai, biến một vùng rừng núi hoang vu thành một vùng sản xuất nông - công - lâm nghiệp liên hoàn, khép kín theo quy mô lớn. Chỉ trong 6 năm (năm 1976 - 1982), cán bộ, chiến sĩ, nhân viên Đoàn 333 đã khai hoang 10.780 ha đất, xây dựng 5 hồ chứa nước và nuôi thả cá, làm 90 km đường cấp phối; xây dựng hàng loạt cơ xưởng, trạm trại, công trình phục vụ công cộng; hình thành các xưởng cơ khí, mộc; chế biến đường, rượu; xí nghiệp dược phẩm… 

Mặc dù hoạt động trên địa bàn rừng núi, việc vận chuyển vô cùng khó khăn, nhưng với sự đồng sức đồng lòng, Đoàn 333 đã sản xuất được hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm, bảo đảm tương đối số lượng, chất lượng bữa ăn cho cán bộ, chiến sĩ và các hộ dân trong vùng; sản xuất hàng triệu dụng cụ lao động, vật liệu xây dựng…, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, sinh hoạt đời sống của đơn vị và người dân địa phương.

Đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 333 còn làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm an toàn cho một vùng đất rộng lớn; phá tan cơ sở của lực lượng phản động Fulrô, góp phần làm tròn nhiệm vụ hậu phương trực tiếp của chiến trường biên giới Tây Nam trong những năm tháng đất nước lại bước vào cuộc chiến đấu mới đánh đuổi kẻ thù xâm lược.

Công trình ghi dấu tích thời “mở cõi”

Nhằm lưu giữ những thành quả mà Đoàn 333 đã đạt được, đồng thời giáo dục thế hệ mai sau luôn ghi nhớ về những hy sinh, cống hiến của Đoàn, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã xây dựng một tượng đài lớn, mang tên “Thành quả”, tọa lạc trong doanh trại cơ quan chỉ huy của Đoàn 333 (nay là Công viên 22-12, thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar).

Tượng đài Thành quả.
Tượng đài Thành quả.

 

Để bảo vệ, trùng tu tôn tạo di tích, tháng 10-2017, Sở Văn hóa  - Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị thống nhất khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích Tượng đài Thành quả, dự kiến gồm hai khu vực với tổng diện tích trên 13.000 m2. 

Là người trực tiếp chỉ đạo thi công công trình này, ông Lê Đăng Đạo, nguyên Giám đốc xí nghiệp 723 (Đoàn 333) rành rọt kể lại: phần tượng đài cao 12 m, được làm hoàn toàn bằng vỏ đạn (chiến lợi phẩm thu được trong chiến tranh), cốt thép nặng 10,5 tấn; tượng mô phỏng hình ảnh người chiến sĩ hiên ngang giữa đất trời, một tay giơ cao súng, một tay cầm nhành hoa cà phê, vai mang balô; chân tượng được bao bọc bởi đài hoa sen. Bể nước quanh tượng được xây dựng như một bánh xe lịch sử, có đầy đủ hệ thống nước, vòi phun… Phía sau phù điêu của bức tượng có khắc một bài thơ của Đại tá Trần Thanh Cương, nguyên Phó Tư lệnh, Giám đốc Xí nghiệp Liên hợp 333 như thay lời thuyết trình về tác phẩm và những chiến công của Đoàn: “Bao năm dạn dày những xông pha/ Một tay cầm súng, một tay hoa/ Nghĩa nặng ơn sâu đời nhớ mãi/ Gương sáng chói ngời chiến sĩ ta/ Cuộc đời lao động thật vinh dự/ Bão táp cuồng phong vẫn vượt qua/ Anh dũng hy sinh vì xã hội/ Non nước giàu đẹp, hạnh phúc nhà”.

Đi qua những năm tháng thăng trầm, Tượng đài Thành quả vẫn đứng sừng sững, hiên ngang như chính khí chất của người lính Đoàn 333 thời “mở cõi”. Những người đã từng gắn bó với Đoàn 333 ngay từ ngày đầu thành lập đều rất vui mừng khi gần đây Tượng đài được chính quyền địa phương, nhân dân quan tâm bảo vệ giữ gìn. 

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.