Multimedia Đọc Báo in

Trung đoàn 66 (Sư đoàn 10, Quân đoàn 3): Giúp chiến sĩ mới hòa nhập nhanh với môi trường quân đội

08:57, 26/04/2018

Năm 2018, Trung đoàn 66 (Sư đoàn 10, Quân đoàn 3) được Bộ Quốc phòng giao huấn luyện chiến sĩ mới với số lượng lớn, tuyển nhận từ các huyện Cư M’gar, Krông Pắc, Ea H’leo, Ea Kar, Cư Kuin, Buôn Đôn và TP. Buôn Ma Thuột; trong đó, có 577 chiến sĩ là người các dân tộc Êđê, J’rai, Mông, Thái, Tày, Mường, Nùng, Thổ, Dao... Qua hơn một tháng vào học tập, huấn luyện tại đơn vị, 100% chiến sĩ mới, nhất là chiến sĩ người dân tộc thiểu số đã hòa nhập nhanh với môi trường quân đội.

Với chiến sĩ mới Y Khan Niê (Trung đội 8, Đại đội 11, Tiểu đoàn 9), những ngày đầu vào đơn vị, điều gì cũng lạ lẫm, bỡ ngỡ: từ việc gấp màn, gấp chăn, tập 4 bài thể dục buổi sáng cho đến tập điều lệnh, đội ngũ. Nhờ sự hướng dẫn tỉ mỉ từng động tác của đội ngũ cán bộ tiểu đội trưởng, trung đội trưởng, Y Khan và các đồng đội quen dần; qua hơn một tháng huấn luyện, tất cả công việc trên đều được các chiến sĩ làm thành thạo. Chiến sĩ Y Hót Byă (Tiểu đội 10, Trung đội 3, Đại đội 9, Tiểu đoàn 9) bộc bạch: “Cán bộ các cấp huấn luyện tỉ mỉ và luôn tận tình hướng dẫn, giải đáp mọi thắc mắc, giúp chúng tôi dễ hiểu, nắm rõ từng bài học, yếu lĩnh động tác hơn. Đến nay, tôi đã nắm thành thạo một số nội dung cơ bản về kỹ thuật bắn AK bài 1, kỹ thuật ném lựu đạn... Trong giờ nghỉ, ngày nghỉ, cán bộ tiểu đội trưởng, trung đội trưởng lại cùng anh em chơi thể thao, hát hò vui vẻ, thân thiết như anh em trong nhà khiến chúng tôi bớt đi nỗi nhớ nhà”. 

 Buổi tập đội ngũ chiến sĩ mới ở  Tiểu đoàn 9.
Buổi tập đội ngũ chiến sĩ mới ở Tiểu đoàn 9.

Theo Trung tá Tống Trần Ninh, Phó Bí thư Đảng ủy, Trung đoàn trưởng, để chiến sĩ hòa nhập với nhanh với môi trường quân đội và yên tâm gắn bó xây dựng đơn vị, Đảng ủy, Chỉ huy Trung đoàn xác định phải thực hiện đồng bộ các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác chuẩn bị mọi mặt cho nhiệm vụ đón nhận và huấn luyện chiến sĩ mới. Trung đoàn cũng tổ chức biên chế chiến sĩ mới cùng ở các thôn, buôn, xã, huyện và cùng dân tộc trong một trung đội, đại đội; phân công cán bộ tiểu đội trưởng, trung đội trưởng là người dân tộc thiểu số có kinh nghiệm để huấn luyện chiến sĩ mới với mục đích là biết được tiếng của nhau để thuận lợi cho việc nắm bắt tư tưởng và quản lý dễ dàng hơn.

Trung đoàn cũng thường xuyên quán triệt, yêu cầu đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ tiểu đội trưởng, trung đội trưởng, cán bộ đại đội phát huy tốt năng lực phẩm chất đạo đức để luôn là tấm gương sáng, mẫu mực cho chiến sĩ mới học tập và làm theo, trong đó phải thực hiện tốt nội dung “3 có”, “3 nên” khi tiếp xúc, quản lý chiến sĩ mới (“3 có”: Có tinh thần trách nhiệm cao; có kỷ luật nghiêm; có tình, có lý trong quản lý, giáo dục bộ đội; “3 nên”: Nên gần gũi, quan tâm, động viên giúp đỡ bộ đội; nên tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu ý kiến; nên cụ thể, tỉ mỉ trong hướng dẫn bộ đội thực sự gần gũi, yêu thương chiến sĩ mới trong từng nhiệm vụ). Đơn vị cũng tích cực, chủ động tu sửa củng cố doanh trại, nơi ăn ở, sinh hoạt, học tập của bộ đội, cắt tỉa chăm sóc bồn hoa, cây cảnh, thảm cỏ, trồng thêm nhiều loại cây, hoa để tạo khuôn viên, cảnh quan cho chiến sĩ mới thấy gần gũi và dễ hòa nhập; tổ chức các hoạt động diễn đàn thanh niên cấp liên chi đoàn với chủ đề “Chiến sĩ cũ trao đổi cùng chiến sĩ mới”, diễn đàn thanh niên cấp chi đoàn với chủ đề “Đơn vị là nhà, đồng chí, đồng đội là anh em” giúp chiến sĩ mới gần gũi, cởi mở tâm sự, hiểu nhau hơn để giúp nhau cùng tiến bộ.

Chiến sĩ mới Tiểu đoàn 9 bảo quản vũ khí.
Chiến sĩ mới Tiểu đoàn 9 bảo quản vũ khí.

Ngoài ra, Trung đoàn còn thường xuyên tổ chức biểu diễn văn hóa, văn nghệ; thể dục, thể thao; giao lưu bóng chuyền, luyện tập múa hát tập thể trong những giờ nghỉ, ngày nghỉ, thu hút mọi cán bộ, chiến sĩ tham gia. Cùng với đó, đơn vị chuẩn bị các loại sách báo tạp chí, các mẩu truyện cười để chiến sĩ đọc, tạo không khí vui vẻ sau những giờ huấn luyện vất vả; duy trì có nền nếp chương trình phát thanh nội bộ bằng tiếng Êđê, Ba Na... góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền để anh em chiến sĩ mới hiểu về truyền thống dân tộc, quân đội, đơn vị; chủ động phối hợp cùng gia đình, động viên giáo dục chiến sĩ yên tâm công tác, gắn bó đơn vị.

Duy Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.