Multimedia Đọc Báo in

Trận chiến chốt điểm Buôn Tring của Tiểu đoàn 301

17:14, 25/11/2018

Trải qua 29 ngày đêm chiến đấu kiên cường, trận chiến đấu lịch sử Buôn Tring đã viết nên trang sử bất khuất của tập thể cán bộ, chiến sĩ Đại đội 1 Tiểu đoàn 301 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần tạo một bước chuyển biến căn bản trên chiến trường Tây Nguyên nói riêng và chiến trường miền Nam nói chung; tạo đà cho quân ta tiến lên trong những năm 1974 - 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Theo Lịch sử Trận chiến đấu phòng ngự chốt Buôn Tring của Tiểu đoàn 301 Tỉnh Đội Đắk Lắk, từ ngày 27-1 đến ngày 25-2-1973 của Ban Viết lịch sử Đảng (Tỉnh Đội Đắk Lắk), khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, việc cắm cờ, giữ đất, giành dân khu vực Buôn Tring là nhiệm vụ chính trị quan trọng và Tỉnh Đội giao nhiệm vụ này cho Tiểu đoàn 301. Trận chiến đấu mùa xuân năm 1973 là trận đánh có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần cùng với quân dân Buôn Hồ làm nên một chiến thắng lịch sử 12-3-1975 - giải phóng Buôn Hồ.

Dệt thổ cẩm, một trong những nét văn hóa truyền thống được người dân buôn Tring gìn giữ.   Ảnh: H.Nghĩa
Dệt thổ cẩm, một trong những nét văn hóa truyền thống được người dân buôn Tring gìn giữ. Ảnh: H.Nghĩa

Thực hiện mệnh lệnh cấp trên giao, toàn bộ cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 301 phối hợp cùng với các đơn vị trong tỉnh và Trung đoàn 25 chiếm lĩnh các mục tiêu được giao chống địch lấn chiếm cho đến khi có giám sát quốc tế liên hiệp 4 bên đến xác định vùng ta, vùng địch theo ý định của ta. Sau khi đã chiếm lĩnh trận địa, các đơn vị chủ yếu lấy tấn công chính trị-binh vận mang tính pháp lý nhằm buộc địch phải thi hành Hiệp định Paris. Giữ đất giành dân là khâu trung tâm, nếu địch tấn công lấn chiếm, ta tổ chức lực lượng bám trụ đánh trả theo kế hoạch của cấp trên.

Trận chiến đấu chốt điểm Buôn Tring năm 1973 của Tiểu đoàn 301 được khẳng định là một trận đánh điển hình, tiêu biểu cho lực lượng vũ trang tỉnh Đắk Lắk về trình độ giác ngộ chính trị đối với nhiệm vụ cấp trên giao cũng như tinh thần sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, kiên cường bất khuất, dũng cảm của cả một tập thể cán bộ chiến sĩ.

Theo lời kể của đồng chí Dương Thanh Tương, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh - một trong những người trực tiếp tham gia trận đánh ở buôn Tring với vai trò là Tổ trưởng Tổ công tác dân địch vận thuộc Ban binh địch vận Huyện H4, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký chính thức vào lúc 11 giờ (giờ Paris) ngày 27-1-1973. Đây là thông tin thắng lợi quan trọng được bộ đội ta chia sẻ và lấy đó làm động lực để tiếp tục cuộc chiến lâu dài. Từ ngày 28-1-1973, ta tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến trên hệ thống loa phát thanh về đường lối, chính sách hòa giải và hòa hợp dân tộc của Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam. Tình hình diễn biến ngày càng phức tạp và căng thẳng hơn vì phía địch cố tình tìm mọi cách phá hoại Hiệp định Paris. Để củng cố và tăng cường lực lượng đảm bảo yêu cầu trụ bám, chiến đấu lâu dài, cơ quan chỉ huy tiền phương và các đơn vị tác chiến đã thống nhất thay phiên nhau giữ chốt, bám trụ trận địa Buôn Tring. Từ 6-2 đến 25-2-1973 là giai đoạn ác liệt nhất. Dưới sự chi viện không quân, pháo binh bắn xối xả vào trận địa của ta với tính chất hủy diệt, một ngày, chúng bắn hàng nghìn quả pháo, ném hàng trăm quả bom, nhưng với tinh thần quả cảm, bộ đội ta vẫn kiên cường bám trụ, sẵn sàng chịu đựng mọi hy sinh gian khổ, giữ vững trận địa tại đoạn đường huyết mạch này.

Quân ta liên tục chiến đấu chống trả các lực lượng hỗn hợp của địch có xe tăng và pháo binh yểm trợ tối đa, mỗi lần chúng lên đều bị bộ đội ta đánh bật, tuy nhiên đạn dược cũng cạn dần mà địch thì không ngừng tấn công, bao vây trận địa tứ phía gây cho ta nhiều tổn thất, thương vong. Trong ngày 25-2, khi địch chiếm trận địa, các đồng chí của ta đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, chấp nhận hy sinh chứ nhất định không để sa vào tay giặc.

Với 29 ngày đêm chiến đấu kiên cường, bất khuất, Đại đội 1 và Đại đội 3 của Tiểu đoàn 301 thay phiên nhau đánh 21 đợt phản kích, diệt 371 tên, bắn cháy 2 xe M113, phá hủy 5 đại liên, 1 cối 61 ly và nhiều vũ khí, khí tài quân dụng của địch.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.