Multimedia Đọc Báo in

Đồn Biên phòng Sêrêpốk học và làm theo lời Bác

06:53, 22/12/2018

Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sêrêpốk luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, xây dựng và củng cố vững chắc thế trận lòng dân; đồng thời luôn quan tâm chăm lo đời sống cho nhân dân khu vực biên giới nơi đơn vị đóng quân.

Đồn Biên phòng Sêrêpốk được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đường biên giới dài gần 14 km, thuộc địa giới hành chính xã Krông Na (huyện Buôn Đôn). Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị đã quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên; tuyên truyền đến cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị ý nghĩa to lớn của việc học tập và làm theo lời Bác dạy và coi đây là việc làm tự giác, thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cấp ủy, chỉ huy đơn vị; đồng thời đưa vào các chương trình, kế hoạch và gắn với các cuộc vận động chuyên ngành, chuyên đề…

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sêrêpốk  tuần tra bảo vệ biên giới.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sêrêpốk tuần tra bảo vệ biên giới.

Trên cơ sở đó, Đảng ủy đã chỉ đạo và hướng dẫn các chi bộ trực thuộc, tổ chức Đoàn và từng cán bộ, đảng viên và chiến sĩ căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và chức trách được giao để xây dựng chương trình hành động cho tổ chức và cá nhân. Xã biên giới Krông Na - nơi đơn vị đóng quân là một xã vùng sâu đặc biệt khó khăn của huyện Buôn Đôn, có gần 1.500 hộ với khoảng 5.400 khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 50%, đặc biệt có buôn Đrang Phốk nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Yok Đôn có trên 80% hộ nghèo. Không những đói nghèo, trẻ em trong độ tuổi đến trường phải bỏ học, lên nương rẫy, phụ giúp gia đình.

Trước thực tế đó, Đồn được giao nhiệm vụ xóa mù chữ cho trẻ em trong buôn. Những người lính quân hàm xanh đã dành nhiều thời gian, công sức, tiến hành khảo sát, lập danh sách các cháu mù chữ, sau đó tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị và cấp ủy, chính quyền địa phương phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Buôn Đôn tổ chức lớp xóa mù chữ. Để động viên các em đi học, các "thầy giáo" biên phòng đã không quản ngày đêm, mưa nắng, đến từng nhà vận động, thậm chí trích tiền lương mua sách vở, bút, kể cả bánh kẹo, tổ chức trò chơi cho các em sau mỗi buổi học. Nhờ đó, đến nay nhiều em mù chữ đã biết đọc, biết viết. Ngoài ra, Đồn còn nhận đỡ đầu cho 16 học sinh theo chương trình “Nâng bước em tới trường”, giúp đỡ các em trên hành trình đi tìm con chữ.

Đồn cũng đã có nhiều biện pháp hữu hiệu giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói - giảm nghèo như: mua tặng 15 con bò giống; vận động các nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí xây tặng cho bà con buôn Đrang Phốk 2 giếng nước khoan trị giá 350 triệu đồng, bảo đảm nguồn nước sạch cho 80% hộ dân; giúp dân ngày công tăng gia sản xuất, tu sửa nhà văn hóa cộng đồng…

Đồn Biên phòng Sêrêpốk được Bộ Tư lệnh Biên phòng tặng danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng” 3 năm liên tiếp (2015-2018); UBND tỉnh tặng Cờ thi đua về công tác hỗ trợ xóa đói - giảm nghèo cho địa phương.

Trước thực tế nơi biên giới xa xôi không có tiệm cắt tóc, ai muốn cắt tóc phải chạy xe máy xuống trung tâm huyện cách đó gần 40 km nên Đồn trích tiền quỹ mua đồ nghề cần thiết để cắt tóc miễn phí cho người dân. Theo đó, đều đặn mỗi tháng 1 lần, các cán bộ, chiến sĩ mang đồ nghề, chạy xe máy tới các buôn trên địa bàn đơn vị đóng quân để cắt tóc miễn phí cho người dân; lồng ghép với hoạt động tuyên truyền vận động quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, kịp thời phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm; tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…

Cán bộ Đồn Biên phòng Sêrêpốk mở điểm cắt tóc miễn phí chọ học sinh và người dân buôn Đrang Phốk.
Cán bộ Đồn Biên phòng Sêrêpốk mở điểm cắt tóc miễn phí chọ học sinh và người dân buôn Đrang Phốk.

Thiếu tá Nguyễn Thanh Hải, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sêrêpốk cho biết: “Bên cạnh hoạt động giúp đỡ người dân nơi biên giới ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, trong quá trình vận động quần chúng, cán bộ, chiến sĩ đơn vị còn nắm được nhiều thông tin hữu ích. Nghe  thông tin một số gia đình sử dụng súng tự chế để săn bắt động vật rừng, đại diện đơn vị đã xuống tận nhà, cùng chuyện trò, chia sẻ, rồi dần dần thuyết phục, vận động người dân giao nộp. Chỉ từ đầu năm 2017 đến nay, đơn vị đã nhận được 12 khẩu súng do nhân dân trên địa bàn tự nguyện giao nộp, trong đó có 2 súng quân dụng, 9 súng cồn tự chế, 1 súng kíp...”.

Đặc biệt, trong mỗi dịp Tết đến Xuân về, đơn vị cử cán bộ, chiến sĩ đến thăm, cùng bà con nơi đơn vị đóng quân chế biến món ăn, trang trí nhà truyền thống, tặng quà cho người nghèo, làm cho không khí đón Tết của buôn làng thêm rộn ràng. Những tình cảm và sự hỗ trợ của bộ đội biên phòng đã kịp thời động viên tinh thần, hỗ trợ vật chất để bà con có cái Tết ấm cúng hơn, tình cảm giữa quân với dân nơi vùng biên ngày càng bền chặt.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.