Multimedia Đọc Báo in

Những "cột mốc" kiên cường giữa vùng biên

08:13, 28/02/2019

Giữa mùa Xuân, nhưng cái nắng biên cương như thiêu đốt. Ấy vậy mà khu vực doanh trại Đồn Biên phòng Ea H’leo vẫn ngập tràn màu xanh. Đó là màu của trời, của áo chiến sĩ và đặc biệt là màu của hàng trăm loài cây trồng do chính bàn tay bộ đội chăm bón.

Đồn Biên phòng Ea H’leo được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài 6,5 km, tiếp giáp với huyện Cô Nhéc (tỉnh Mundulkiri, Vương quốc Campuchia). Đây là một trong những đơn vị xây dựng đầu tiên và có bề dày truyền thống trên tuyến biên giới của tỉnh. Để có được hôm nay, mồ hôi, nước mắt, thậm chí là máu của các chiến sĩ Biên phòng đã thấm đẫm trên từng con suối, tấc đất, vạt rừng!

Những ngày đầu thành lập, do chưa có các trục đường giao thông chính nên hằng ngày, cán bộ, chiến sĩ đơn vị phải đi bộ, cắt rừng, lội suối, hoặc theo dấu các đường mòn nhỏ. Sống giữa núi rừng hoang vu, rậm rạp, bộ đội phải thường xuyên đối mặt với bệnh tật, đặc biệt là sốt rét. Có không ít đợt, 6 cán bộ khỏe mạnh của Đồn phải luân phiên nhau cáng võng, vượt quãng đường 50 – 70 km để đưa đồng đội bị sốt rét tới trạm y tế gần nhất… Bền bỉ khắc phục khó khăn, các anh tích cực xây dựng doanh trại, đẩy mạnh tăng gia, sản xuất; bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Nhờ có thầy giáo quân hàm xanh dạy chữ, bà Lê Thị Dung đã có thể đọc, viết thành thạo.
Nhờ có thầy giáo quân hàm xanh dạy chữ, bà Lê Thị Dung đã có thể đọc, viết thành thạo.

Dạo một vòng quanh doanh trại đơn vị dễ dàng thấy cả khu tăng gia, chăn nuôi rộng lớn với đủ loại rau, củ, quả, vật nuôi. Dù là những người lính trẻ nhưng kinh nghiệm tăng gia sản xuất của các anh phải xếp hạng “lão nông”. Biết cách cải tạo đất trồng, lựa chọn giống, lại chịu khó chăm sóc nên các chiến sĩ sớm khắc phục được sự "trái tính trái nết" của khí hậu, thổ nhưỡng. Nhờ đó mà Đồn đã có thể thực túc gần 100% rau xanh bất kể mùa mưa hay nắng.

Duy trì hiệu quả công tác tuần tra, hằng ngày, Đồn đều tổ chức cho các tổ, đội làm nhiệm vụ trên đoạn biên giới được giao quản lý. Có những lúc cao điểm, đơn vị phải cử các tổ, đội bí mật bám rừng nhiều ngày liền, thậm chí cả tháng. Quá quen với việc ở rừng, nên việc cắt rừng, xác định phương hướng, di chuyển giữa rừng rậm… với nhiều chiến sĩ trở thành bài học nằm lòng.

 
“Đã thành truyền thống, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ea H’leo luôn duy trì nghiêm các kíp trực sẵn sàng chiến đấu theo quy định. Anh em đơn vị luôn động viên nhau nỗ lực “vượt nắng thắng mưa”, bảo vệ vững chắc chủ quyền, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được tin tưởng giao phó”.
 
Thiếu tá  Nguyễn Thanh Tùng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ea H’leo

Nhờ những lần bám rừng, đơn vị đã kịp thời phát hiện các đối tượng vượt biên trái phép, vi phạm quy chế biên giới; thu thập nhiều nguồn tin có giá trị phục vụ công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm.

Dù địa bàn quản lý là xã Ia Lốp (huyện Ea Súp) khá rộng với 18 thôn, nhưng Đồn Biên phòng Ea H’leo vẫn nắm tường tận tình hình, hoạt động. Có lên với biên giới, chạm ngõ vùng biên còn lắm khó khăn mới thấu được phần nào tấm chân tình của người lính Biên phòng.

Nặng lòng với công tác xóa mù chữ, năm 2017, đơn vị đã phối hợp mở lớp học, qua đó giúp trên 30 học viên với nhiều lứa tuổi khác nhau được học chữ. Để học viên là những lao động chính trong gia đình được đi học thường xuyên, các anh sẵn sàng xuống tận nhà phụ giúp việc đồng áng, thu hoạch. Nhờ sự kiên nhẫn, chân thành của thầy giáo áo xanh mà nhiều người mù chữ có thể đọc viết thành thạo, làm những phép tính cơ bản. Đơn cử như bà Lê Thị Dung (thôn Chiềng), dù hơn nửa đời người mới biết đọc chữ, nhưng với bà đó là niềm hạnh phúc vô bờ...

Cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp ở Đồn Biên phòng Ea H’leo.
Cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp ở Đồn Biên phòng Ea H’leo.

Sát cánh cùng dân, cán bộ, chiến sĩ đơn vị còn thường xuyên hỗ trợ ngày công lao động, chăm sóc sức khỏe, tặng vật nuôi, thực hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Có không ít người dân khởi nghiệp trên quê hương mới khá chật vật, khó khăn, nhưng nhờ sự giúp đỡ tận tình của các anh, mà cuộc sống đã dần ổn định. Trong đó phải kể đến gia đình ông Nguyễn Văn Bửu (thôn Trung), ông Đặng Hoàng Long (thôn Giồng Trôm)…

Không chỉ tường tận địa bàn quản lý, đơn vị còn giữ vững biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển với lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn Campuchia. Đồn thường xuyên duy trì hoạt động giao ban, gặp gỡ, trao đổi tình hình, tuần tra song phương với đơn vị nước bạn. Với phương châm "giúp bạn là tự giúp mình", nhiều năm qua, Đồn Biên phòng Ea H’leo đã tích cực hỗ trợ bạn lương thực, thực phẩm, vật dụng sinh hoạt, khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí và các nhu yếu phẩm khác…

Nhắc đến người chiến sĩ quân hàm xanh nơi địa đầu, ông Ngô Văn Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Ia Lốp khẳng định: “Tình cảm mà cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ea H’leo dành cho biên giới được nhân dân trân trọng, đánh giá rất cao. Không chỉ vững tay súng bảo vệ chủ quyền, các anh còn sát sao địa bàn, thực sự là điểm tựa của nhân dân trên vùng biên còn nhiều gian khó”.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.