Thiêng liêng cột mốc chủ quyền (Kỳ 1)
Kỳ 1: Vì một đường biên giới hòa bình
Đường biên giới giữa Việt Nam và Campuchia có tổng chiều dài 1.137 km trên đất liền. Trong đó, đường biên giới đi qua địa phận tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Mundulkiri (Campuchia) có chiều dài hơn 73 km. Trên đoạn biên giới này, ta và bạn đã xác định và cắm xong 7/7 vị trí mốc quốc giới. Thành quả này thấm đẫm mồ hôi, công sức và cả máu của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng.
Dấu mốc khởi đầu
Năm 1985, Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa hai nước Việt Nam – Campuchia (gọi tắt là Hiệp ước) được ký kết, nhưng vì nhiều lý do khách quan, công tác phân giới cắm mốc (PGCM) trên tuyến biên giới Đắk Lắk chưa thể triển khai. Phải đến năm 2005, khi Chính phủ hai nước cùng ký kết Hiệp ước bổ sung Hiệp ước năm 1985 thì công tác PGCM mới thực hiện.
Để thực thi chủ quyền quốc gia, trên tuyến biên giới tỉnh Đắk Lắk, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tích cực, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo PGCM, Đội PGCM số 3 Việt Nam và kế hoạch triển khai PGCM trên tuyến biên giới của tỉnh.
Lãnh đạo hai tỉnh Đắk Lắk và Mundulkiri thực hiện nghi lễ khánh thành cột mốc số 41. |
Cả cuộc đời binh nghiệp gắn bó với biên giới Đắk Lắk, Đại tá Lê Xuân Đáng, nguyên Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh nhớ như in những khởi đầu lịch sử. Cuốn nhật ký PGCM được viết từ năm 2006, đến nay ông vẫn gìn giữ rất cẩn trọng. Đại tá Lê Xuân Đáng kể: các thành viên Đội PGCM của cả ta và bạn bấy giờ đều được lựa chọn rất kỹ càng. Đó là những người có trình độ kỹ thuật cao, được đào tạo chuyên môn bài bản, giàu kinh nghiệm thực tiễn. Đội trưởng Đội PGCM của nước bạn là ông Has Phol Na Rứt, còn đại diện của Việt Nam là Thượng tá Nguyễn Quang Lộc, Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh.
Để Hiệp ước hoạch định trở thành hiện thực là một quá trình. Bởi thực tế, việc cắm được cột mốc trên thực địa phải trải qua rất nhiều bước, từ khảo sát đơn phương, song phương đến hội đàm các cấp nhằm thống nhất ranh giới. Có những cột mốc xác định được vị trí cắm phải mất nhiều năm liền bởi nằm ở địa hình trắc trở, phức tạp, trong khi cả hai bên không muốn sai lệch dù chỉ một centimet.
Chân thành như anh em ruột thịt
Tháng 6-2007, công tác cắm mốc trên tuyến biên giới hai tỉnh được tiến hành. Các cột mốc đầu tiên được cắm là 45, 46 và 47. Để tiện lợi cho việc triển khai nhiệm vụ chính trị quan trọng, Đồn Biên phòng Bo Heng được lựa chọn bảo đảm công tác hậu cần cho các thành viên của hai Đội PGCM. Toàn bộ phương tiện, thiết bị cần thiết cho nhiệm vụ được tập kết về khu vực Đồn.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ea H’leo trang nghiêm chào cột mốc số 41. |
Những ngày đón tiếp đoàn công tác, Đồn Biên phòng Bo Heng chủ động bố trí nơi sinh hoạt thuận lợi nhất cho các Đội PGCM. Do nằm xa khu vực dân cư, giao thông cách trở, nên việc tiếp phẩm của Đồn không hề dễ dàng. Có những thời điểm đường rừng lầy lội, để bảo đảm hậu cần kịp thời cho thêm hàng chục con người, Đồn phải xuất hàng dự trữ sẵn sàng chiến đấu…
“Qua quá trình đàm phán, hai bên thống nhất trên đoạn biên giới hai tỉnh Đắk Lắk – Mundulkiri thực hiện 7 vị trí mốc với tổng số 11 cột mốc. Trong đó có 1 mốc ba, 2 mốc đôi và 4 mốc đơn. Các cột mốc dần được thực hiện với mong muốn chung là xây dựng đường biên giới hòa bình, an ninh, ổn định lâu dài giữa hai nước, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau”.
Đại tá Phạm Quang Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh
|
Khó khăn nhiều vô kể, nhưng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bo Heng luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm. Các anh không nề hà gian khó, luôn mong muốn được góp phần tích cực thúc đẩy việc PGCM hoàn thành, đúng với tinh thần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.
Ngày đầu đón Đoàn PGCM nước bạn, Đại tá Lê Xuân Đáng lúc bấy giờ là Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng tỉnh đã trực tiếp xuống tận nơi, tận tình hướng dẫn cách bố trí vật dụng, sinh hoạt. Dù không cùng ngôn ngữ, nhưng qua thái độ thân thiện, cởi mở của người anh em, bạn bắt đầu có những thiện cảm.
Trong quá trình làm việc cũng có khi nảy sinh những trắc trở, nhưng đều được khắc phục kịp thời. Đại tá Lê Xuân Đáng kể rằng, khi thực hiện việc PGCM tại ngã ba suối Ốp Phlây và Đắk Đam, để xác định điểm giao nhau giữa hai dòng chảy lớn, theo thống nhất hai bên, bộ đội ta đã bơi ra giữa lòng suối hung hãn, dùng cây tre làm cọc tiêu cho lực lượng kỹ thuật trên bờ đo đạc. Nước suối cuồn cuộn chảy, trong khi lòng suối toàn đá bàn làm cây tre lay chuyển liên hồi khiến phía bạn có những hiểu nhầm (về độ chính xác chỉ số đo đạc). Đại tá Lê Xuân Đáng chủ động xuống gặp gỡ trực tiếp Đội PGCM nước bạn, "hóa giải" câu chuyện bằng những lời chân thành: "Thế hệ chúng tôi cảm nhận rất rõ việc quan hệ Việt Nam – Campuchia được vun đắp bằng công sức và xương máu của người dân hai nước. Vẫn còn đó hàng nghìn hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam trong cuộc chiến chống chế độ diệt chủng Pôn Pốt còn nằm lại trên chiến trường nước bạn chưa được tìm thấy. Vậy nên việc cắm mốc không vì lý do gì lại thiếu cẩn trọng…".
Kỳ 2: Những cột mốc chủ quyền đặc biệt
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc