Multimedia Đọc Báo in

Người làm "cầu nối" với thân nhân liệt sỹ

08:45, 17/05/2019

5 năm qua, Thượng úy QNCN Trần Quang Tân (Ban Chính trị, Ban CHQS huyện Cư M’gar) đã tình nguyện, dành thời gian để tìm kiếm, kết nối thông tin về liệt sỹ, mộ liệt sỹ đến với các thân nhân ở mọi miền Tổ quốc.

Công tác tại Ban CHQS huyện Cư M’gar từ năm 2010, Thượng úy QNCN Trần Quang Tân hiện là nhân viên quân sự địa phương (Ban Chính trị). Dù công việc chuyên môn bận rộn, nhưng anh vẫn tranh thủ thời gian, ngày nghỉ để kết nối thông tin về liệt sỹ, mộ liệt sỹ đến với các thân nhân. Bởi với anh, đấy là nghĩa cử nhân văn mà một người lính thời bình phải cố gắng làm nhằm tri ân những người con ưu tú của Tổ quốc đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Cơ duyên của công việc này bắt đầu từ những lần anh cùng đồng đội tham gia viếng Nghĩa trang Liệt sỹ huyện. Nhận thấy nhiều phần mộ dù có tên, tuổi, địa chỉ rõ ràng, nhưng anh linh cảm là thiếu bàn tay chăm sóc của người thân. Đem tâm tư chia sẻ với người quản trang thì anh được biết, có những phần mộ, từ khi an táng đến nay đã hàng chục năm trời, nhưng không thấy thân nhân đến viếng thăm. Thử tìm hiểu các nguyên nhân, anh Tân cho rằng: Có thể trong chiến tranh, khi bộ đội hy sinh, giấy báo tử thường chỉ ghi chung chung nơi mất ở khu vực, hoặc tỉnh, thành, nhằm bảo đảm không bị lộ mật danh đơn vị. Bên cạnh đó, công tác lưu trữ hồ sơ liệt sỹ còn nhiều bất cập; việc thông tin tuyên truyền còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng ít nhiều đến việc kết nối thông tin liệt sỹ đến với thân nhân gia đình…

Thượng úy QNCN Trần Quang Tân.
Thượng úy QNCN Trần Quang Tân.

Canh cánh nỗi lòng với nhiều suy nghĩ, cuối cùng anh quyết định chụp lại toàn bộ các bia mộ, xác minh thêm thông tin ở cơ quan, đơn vị liên quan rồi gửi đến chương trình “Đi tìm đồng đội” của kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam. Tính đến nay, anh đã kết nối đến chương trình 32 trường hợp, trong đó nhờ những thông tin anh cung cấp mà 5 gia đình ở các tỉnh phía Bắc đã tìm được mộ liệt sỹ an táng tại Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Cư M’gar.

Xúc động nhất là trường hợp của gia đình liệt sỹ Trương Ngọc An (hy sinh năm 1969, quê ở huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc). Năm 2015, sau khi thông tin liệt sỹ được phát sóng, đường dây nóng chương trình “Đi tìm đồng đội” đã nhận được điện thoại xác nhận mọi thông tin về liệt sỹ Trương Ngọc An hoàn toàn trùng khớp với hoàn cảnh gia đình. Liệt sỹ Trương Ngọc An nhập ngũ khi vừa cưới vợ chưa đầy 3 tháng với những lần gặp ngắn ngủi. Ngày lên đường, ông động viên người vợ trẻ “Bao giờ đất nước hết chiến tranh anh sẽ về!”. Mòn mỏi ngóng đợi tin chồng và cả sau này khi biết tin ông hy sinh, bà Tạ Thị Hiền vẫn ở vậy thờ chồng cho trọn vẹn tình nghĩa. Nay biết nơi ông an nghỉ, thân nhân đã vượt hành trình hơn 1.000 km vào Đắk Lắk đón liệt sỹ Trương Ngọc An về với quê nhà. Hành trình ấy thấm đẫm nước mắt, đó là những giọt nước mắt chất chứa, nghẹn ngào yêu thương sau hơn 40 năm mỏi mòn đợi chờ để được đoàn tụ…

Thượng úy QNCN Trần Quang Tâm tâm tình: Mỗi thông tin liệt sỹ anh cung cấp được kết nối với thân nhân gia đình là thêm một lần anh được tiếp thêm động lực để cố gắng nhiều hơn cho công việc. Không riêng trên địa bàn huyện, chỉ cần biết hoặc nắm được thông tin, tài liệu về liệt sỹ, dù trong hay ngoài tỉnh, anh cũng sẽ sẵn sàng làm cầu nối để liệt sỹ sớm đoàn tụ với gia đình.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.