Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, xây dựng LLVT tỉnh vững mạnh toàn diện trong thời kỳ mới

09:04, 19/12/2019

Đắk Lắk nằm ở trung tâm khu vực Tây Nguyên, là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh (QP-AN); với dân số gần 1,9 triệu người, 49 dân tộc cùng sinh sống; có 19 xã trọng điểm về QP-AN, 4 xã an toàn khu, 609 buôn đồng bào dân tộc tại chỗ, 662 thôn, buôn thuộc vùng đặc biệt khó khăn; hơn 73 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia)...

Quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD) vững mạnh; trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và đạt được những kết quả quan trọng.

Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, quân sự (QP, QS) đã được chú trọng, tạo được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội.

Các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh thường xuyên được kiện toàn tổ chức biên chế (cả lực lượng thường trực, dân quân tự vệ, dự bị động viên) theo đúng quy định, bảo đảm chất lượng cao, số lượng hợp lý. Hằng năm, tổ chức diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã từ 25% đơn vị trở lên, diễn tập khu vực phòng thủ (KVPT) cấp huyện từ 3 đơn vị trở lên, diễn tập KVPT cấp tỉnh tiến hành một lần trong một nhiệm kỳ.

Thông qua các cuộc diễn tập từng bước nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu, khả năng tổ chức chỉ huy, hiệp đồng, bảo đảm tính thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng trong KVPT, nâng cao khả năng vận hành cơ chế của hệ thống chính trị khi chuyển địa phương từ thời bình sang thời chiến; phát huy sức mạnh tổng hợp của quân và dân trong bảo vệ KVPT. Đến nay, toàn tỉnh có 159/184 Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã có trụ sở làm việc (đạt 86,4%); 10 năm qua, tỉnh đã đầu tư ngân sách 46,259 tỷ đồng để xây dựng 25 công trình chiến đấu, tập trung trên những địa bàn trọng yếu, hướng phòng thủ chủ yếu, khu vực biên giới.

Chiến sĩ Tiểu đoàn 303 (Trung đoàn 584, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) duyệt đội ngũ tại Lễ tuyên thệ chiến sĩ mới.  Ảnh: Q.Anh
Chiến sĩ Tiểu đoàn 303 (Trung đoàn 584, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) duyệt đội ngũ tại Lễ tuyên thệ chiến sĩ mới. Ảnh: Q.Anh

Chính sách hậu phương quân đội được quan tâm, cơ bản giải quyết dứt điểm chế độ, chính sách cho quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiến đấu bảo vệ biên giới và làm nghĩa vụ quốc tế theo đúng quy định; công tác đền ơn, đáp nghĩa, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng được triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đúng quy định, chính xác; các đơn vị LLVT thực hiện tốt chương trình quân - dân y kết hợp, phối hợp tham gia các hoạt động khám chữa bệnh cho nhân dân, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Những năm qua, LLVT tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng được 244 nhà Tình nghĩa tặng các đối tượng chính sách với số tiền hơn 10,849 tỷ đồng; xây dựng đập nước, làm đường giãn dân khu vực biên giới với tổng trị giá gần 82 tỷ đồng; xây dựng được 24 công trình dân sinh trên địa bàn trị giá hơn 2,5 tỷ đồng; tổ chức thăm, tặng quà các đối tượng chính sách, gia đình liệt sỹ, Mẹ Việt Nam Anh hùng… trị giá hơn 3,2 tỷ đồng.

Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ QP-AN; mạng lưới giao thông được quan tâm đầu tư xây dựng, mở rộng, quy hoạch theo hướng vừa bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, vừa sẵn sàng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng; hệ thống thông tin liên lạc thông suốt phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời, đáp ứng kịp thời cho công tác lãnh đạo, chỉ huy, điều hành của LLVT khi có tình huống; mạng lưới y tế được củng cố, mở rộng khắp các địa bàn từ tỉnh đến cơ sở, bảo đảm công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và sẵn sàng phục vụ quốc phòng khi có chiến tranh xảy ra.

Công tác đối ngoại QP, QS được đẩy mạnh theo đúng quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Tỉnh thường xuyên trao đổi, hội đàm định kỳ, đột xuất, tuần tra song phương với lực lượng bảo vệ biên giới và nhân dân tỉnh Mondulkiri (Campuchia) nhằm trao đổi thông tin hợp tác về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, ngăn ngừa vượt biên, phòng chống tội phạm xuyên quốc gia và một số vấn đề mà hai bên cùng quan tâm. Thông qua hoạt động đối ngoại QP góp phần tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, cùng nhau xây dựng biên giới hòa bình, ổn định và phát triển…

Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh Bùi Văn Cường phát biểu tại một buổi làm việc.  Ảnh: P.Diệm
Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh Bùi Văn Cường phát biểu tại một buổi làm việc. Ảnh: P.Diệm

Song bên cạnh đó công tác xây dựng nền QPTD vẫn còn một số hạn chế như: Cấp ủy, chính quyền một số đơn vị cơ sở chưa thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với QP-AN, chưa huy động, phát huy hết khả năng và tiềm lực tại chỗ của địa phương; việc xây dựng tiềm lực quân sự ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức; một số cán bộ, đảng viên còn xem nhẹ việc nghiên cứu, học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhận thức của một bộ phận quần chúng nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, dễ bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động; cơ cấu nền kinh tế từng bước chuyển dịch sang công nghiệp, dịch vụ, du lịch nhưng chưa ngang tầm với vị trí, tiềm năng của tỉnh, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đầu tư, bảo đảm trong xây dựng các tiềm lực KVPT tỉnh.

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng nền QPTD trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với công tác QP, QS, xây dựng nền QPTD, thế trận chiến tranh nhân dân, giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với LLVT; tập trung chăm lo xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ở các cấp, lấy địa bàn thôn, buôn làm nền tảng, lấy xây dựng LLVT làm nòng cốt; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ QP, QS; thực hiện nghiêm quy chế dân chủ ở cơ sở, huy động tối đa các nguồn lực, đầu tư kinh phí xây dựng các tiềm lực trong KVPT, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống; thực hiện tốt quan điểm, phương châm coi phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, qua đó xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc làm nền tảng vững chắc để xây dựng nền QPTD và nền an ninh nhân dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển tỉnh trong tình hình mới, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia...

Bùi Văn Cường

Ủy viên Trung ương Đảng,Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.