Hương Tết ở Trường Sa
Nơi cực Đông xa xôi của Tổ quốc - huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) vẫn còn gặp không ít khó khăn nhưng được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự hỗ trợ hết lòng từ đất liền nên mỗi dịp Tết đến Xuân về, quân và dân nơi đây vẫn có cảm giác ấm áp, sum vầy, hòa chung với không khí Xuân của cả nước…
Mùa Xuân nơi đầu sóng
Năm nào cũng vậy, trước thềm năm mới, những chuyến tàu với hải trình “đặc biệt” lại mang mùa Xuân đến với những người đang sinh sống và làm nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc.
Những món quà cũng đủ đầy, từ nhu yếu phẩm đến lá dong, gạo nếp, thịt lợn, rau xanh, cây cảnh... tất cả đều được chuẩn bị chu đáo, thể hiện sự quan tâm của đồng bào cả nước với quân - dân nơi đảo xa. Khi quà đến cũng là lúc cán bộ, chiến sĩ (CBCS) và nhân dân sinh sống và làm nhiệm vụ ở các đảo tất bật chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc.
Công việc đầu tiên là dọn dẹp cảnh quan, nhà cửa, trang hoàng hội trường, bày biện bàn thờ Tổ quốc tại phòng truyền thống của đơn vị. Công việc này đòi hỏi người thực hiện phải thật khéo léo, có óc thẩm mỹ để hội trường, phòng truyền thống vừa đẹp, tươi vui, vừa ấm cúng, linh thiêng bởi đây là không gian diễn ra các hoạt động vui Xuân, đón Tết.
Bộ đội hải quân đảo Phan Vinh tuần tra bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. |
Cùng với chăm lo cho bộ đội và nhân dân trên đảo ăn Tết được đầy đủ về vật chất, món ăn tinh thần với các hoạt động văn nghệ - thể thao cũng được tổ chức chu đáo trong những ngày Xuân, thu hút sự tham gia nhiệt tình của CBCS và người dân. Ấn tượng nhất đối với bất kỳ ai khi vượt sóng gió đến với Trường Sa có lẽ là được chứng kiến lễ chào cờ Tổ quốc trên đảo vào sáng sớm mùng Một Tết với nghi thức trang nghiêm, hào hùng và xúc động. Những lời thề của quân và dân trên đảo hòa cùng với sóng biển vang vọng như lời khẳng định về chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc…
Chiến sĩ canh giữ tại Đảo Phan Vinh. |
Khác với đất liền, đêm giao thừa trên đảo không có những màn pháo hoa rực rỡ, không có cảnh mọi người chen vai nô nức trẩy hội đón Xuân nhưng không khí cũng rất ấm cúng, thắm tình đồng đội, tình quân - dân. Chiến sĩ Nguyễn Văn Hậu (SN 1989, đảo Cô Lin) tâm sự: “Được đón Tết ở đảo là điều thiêng liêng và kỳ diệu nhất đối với em trong đời quân ngũ. Khi thời khắc giao thừa, giữa mênh mông biển trời Tổ quốc, tự trong huyết quản của những người lính hải quân đều trào dâng niềm tự hào xúc động. Ngày Tết, ai cũng nhớ về đất liền, gia đình nhưng chúng tôi biến nó thành sức mạnh, cùng nhau vững chắc tay súng bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Bánh chưng xanh ở Trường Sa
Cũng như ở đất liền, Tết ở Trường Sa không thể thiếu món ăn truyền thống của người Việt là bánh chưng xanh. Trong không khí se lạnh những ngày giáp Tết, quân và dân lại quây quần bên nhau ngồi gói bánh chưng. Trung tá Đoàn Sơn Nam, Chính trị viên đảo Sinh Tồn cho biết: “Ở nơi đầu sóng ngọn gió, việc tăng gia sản xuất còn gặp khó khăn nhưng được sự hỗ trợ từ đất liền nên nguyên liệu gói bánh chưng cũng khá đầy đủ từ gạo nếp, lá dong, thịt heo, đỗ xanh… Cũng là những nguyên vật liệu đấy, nhưng bánh chưng ở Trường Sa lại có nét khác biệt với trong đất liền vì ngoài gói bằng lá dong thì còn được gói bằng lá bàng vuông”.
Quân – dân đảo Sinh Tồn quây quần gói bánh chưng đón Tết. |
Thượng tá Lê Đình Hải, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 (Bộ Tư lệnh vùng IV Hải quân)
|
Ở quần đảo Trường Sa, bàng vuông là loại cây quen thuộc, cùng với các loài như: phong ba, bão táp, cây tra đều được xem là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của người lính đảo trước muôn trùng sóng gió. Những năm trước đây, do việc vận chuyển hàng hóa từ đất liền ra các đảo gặp nhiều khó khăn, trên đảo không có lá chuối cũng không có lá dong nên bộ đội có sáng kiến gói bánh chưng bằng lá bàng vuông. Giờ đây, Trường Sa không thiếu lá dong, lá chuối từ đất liền gửi ra nhưng mỗi khi Tết đến, quân - dân nơi đây vẫn sử dụng lá bàng vuông gói kèm lá dong nhằm tạo cho bánh chưng có màu xanh và hương vị đặc trưng.
Gói bánh bằng lá bàng vuông rất khác so với lá dong vì lá bàng vuông không được to, mềm và dẻo nên rất dễ rách. Bánh được gói bằng lá bàng vuông cũng có màu xanh như lá dong nhưng có mùi vị rất đặc trưng, có vị mặn mòi của biển cả, vị chát của lá bàng vuông, vị ngọt bùi của đậu xanh, vị béo của mỡ hành… Không những vậy, bánh chưng gói bằng lá bàng vuông còn được xem là biểu tượng cho tình quân - dân gắn kết giữa đất liền và hải đảo, là sức sống mãnh liệt của quân - dân Trường Sa. Trung sĩ Hoàng Liên Sơn (SN 1998, quê Thanh Hóa, công tác ở đảo Đá Lớn A) chia sẻ, lúc còn ở nhà, hình ảnh cả gia đình quây quần bên nồi bánh chưng trong đêm cuối năm luôn gần gũi, gắn bó, nhất là những ngày cận Tết. Năm nay, đón giao thừa ngoài đảo, cũng là Tết đầu tiên xa nhà, nhưng được sự động viên, chia sẻ của đồng đội, cùng nhau gói và luộc bánh chưng, nỗi nhớ nhà nhanh chóng tan biến, nhường chỗ cho bầu không khí đầm ấm, vui vẻ giữa bốn bề sóng gió. Bên bếp lửa hồng, mọi người vừa ngồi canh lửa vừa kể chuyện quê nhà…
Cán bộ, chiến sĩ hải quân đảo Phan Vinh quây quần bên nồi bánh chưng. |
Một mùa Xuân nữa đang về trên khắp biển trời quê hương. Có mùa Xuân nào đẹp bằng mùa Xuân được đổi bằng những thầm lặng hy sinh của người lính đảo đêm ngày bên vọng gác tiền tiêu giữa nghìn trùng sóng gió. Và có niềm vui nào hơn khi Trường Sa thân yêu đang hòa cùng nhịp đập với đất liền, bước vào một mùa Xuân mới trong khí thế rộn ràng với bao niềm tin yêu, hy vọng.
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc