Lính trẻ "bày binh" diệt chuột
Chuột là loài vật đứng đầu trong 12 con giáp, tượng trưng cho sự thông minh, nhanh nhẹn và tài lộc, song ở Đại đội 2 (Ban Chỉ huy Quân sự huyện Ea Súp), chúng lại là “kẻ thù không đội trời chung” của bộ đội. Các cán bộ, chiến sĩ nơi đây đã sáng tạo ra nhiều cách săn tìm và diệt chuột.
Khu doanh trại của Đại đội 2 nằm cạnh bìa rừng, được xây dựng rất khang trang, đồng bộ. Theo Đại úy Y Long Knul, Phó Đại đội trưởng Quân sự, ba năm trước, khi đơn vị mới chuyển về đây đóng quân, suốt mấy tháng trời cán bộ, chiến sĩ từng mất ăn mất ngủ bởi lũ chuột ngang nhiên hoành hành.
Quanh đơn vị cây cối rậm rạp, hoang vu nên chuột cống, chuột chù, chuột nhắt, chuột rừng… loại nào cũng có và còn rất nhiều. Ngày chúng “rút” lên rừng ẩn nấp, đợi khi đêm xuống mới mò vào nhà ăn, nhà bếp ăn vụng, rồi vào cả phòng ngủ cắn xé ba lô, quân trang của bộ đội. Đàn gà giống gần 200 con bộ đội kỳ công chăm bẵm để chuẩn bị Tết, chỉ sau một đêm đã bị lũ chuột cắn chết sạch.
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, khi về đơn vị nhận công tác, Thượng sĩ Ma Văn Linh, Trung đội phó Trung đội 3 được chỉ huy và đồng đội tặng cho 5 cặp thỏ và 25 cặp gà để chăn nuôi, tạo vốn khởi nghiệp khi ra quân. Vậy mà khi lứa thỏ con vừa đẻ, lũ chuột quái ác vào tha đi cả.
Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Lê Đức Hùng, nhân viên quản lý “kể tội”: “Ngoài khả năng gặm nhấm vô địch, chuột còn có nhiều “chiêu thức” ăn trộm cực kỳ ma mãnh, xảo quyệt. Đã không ít lần tôi thấy chúng vào chuồng gà ăn cắp trứng. Vì quả trứng nặng gần gấp đôi trọng lượng cơ thể nên chúng đã nghĩ ra cách cho một con nằm ngửa, dùng chân ôm quả trứng, còn con khác gặm đuôi nó lôi về hang. Đồ ăn thức uống trong bếp, rau, củ, quả ngoài vườn, một khi đã bị chuột cắn nham nhở là phải đem đổ bỏ, rất lãng phí. Để chống chuột, trong nhà kho, tất cả hàng hóa phải kê cao, kích bổng, kiểm tra, quét dọn thường xuyên, các ô thông gió đều có lưới sắt bảo vệ”.
Chiến sĩ trẻ Đại đội 2 dùng chó Phú Quốc và lồng bẫy để diệt chuột. |
Mỗi lần gặp chuột, bộ đội lại hò nhau triển khai đội hình vây bắt cho bằng được. Các chiến sĩ còn làm hàng trăm cái bẫy, nướng mồi thật thơm, giăng kín các khu vực để diệt chuột. Sau 2 đêm đầu thành công mĩ mãn, từ đêm thứ ba, lũ chuột tinh khôn đã biết tìm đường tránh bẫy. Ngoài phát hoang, hun khói, lấp hang, bẫy lồng, bẫy sập, dính kéo, đặt thuốc, bộ đội còn sử dụng chó, mèo để tìm và diệt chuột, không cho chúng có cơ hội sinh sôi, nảy nở. Là người có khả năng bắt chước tiếng chim, tiếng thú và rất giỏi thuần hóa động vật, Thượng úy Trần Cao Bằng, nhân viên quân khí được Ban Chỉ huy Đại đội giao nhiệm vụ huấn luyện đàn chó Phú Quốc và gần chục con mèo ta của đơn vị thành những thợ săn chuột. Với hai con chuột đồ chơi chạy bằng pin, chỉ sau ít ngày làm quen, “biệt đội săn chuột bốn chân” do anh Bằng đào tạo đã chính thức... “tốt nghiệp ra trường”. Mỗi đêm, đội quân này bắt sống và tiêu diệt được hàng chục con chuột các loại nhờ khả năng nhìn đêm, đánh hơi siêu phàm, tốc độ di chuyển nhanh và hai hàm răng sắc lẹm. Bây giờ, chỉ cần nghe tiếng chó sủa, mèo kêu là lũ chuột đã rủ nhau bỏ chạy thật xa.
Nhắc lại chiến công của “biệt đội săn chuột” đặc biệt, Thượng úy Lê Đức Hùng cười vui: “Có hôm tôi vừa ngủ dậy thì anh Bằng điện thoại, nói cậu xuống bếp gặp tớ ngay. Tưởng có chuyện gì gấp gáp, hóa ra anh khoe đêm qua “nhóm thợ săn” do anh chỉ huy bắt được 32 con chuột, đòi tôi khao. Là người quản lý tay hòm chìa khóa của cả đơn vị, không còn chuột, đêm được ngủ ngon, khao gì tôi cũng sẵn sàng”.
Đến Đại đội 2 bây giờ, nhìn hệ thống vườn giàn xanh tốt, gà lợn đầy chuồng, ít ai biết, để có thành công đó, bộ đội phải vất vả "bày binh" diệt chuột thế nào.
An Khang
Ý kiến bạn đọc