Multimedia Đọc Báo in

Hình thành các tiểu vùng vệ tinh gắn phát triển kinh tế với quốc phòng

06:58, 11/10/2020

Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 về định hướng phát triển của tỉnh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: “Xây dựng tỉnh Đắk Lắk thực sự là trung tâm vùng Tây Nguyên, sinh thái, thông minh, bản sắc; là trung tâm dịch vụ, tài chính, công nghiệp chế biến, năng lượng sạch, công nghiệp phần mềm, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thành phố Buôn Ma Thuột trở thành thành phố đáng sống trong khu vực, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của Nhân dân, đạt mức khá của cả nước”.

Với một nhiệm vụ bao trùm cùng những nhóm giải pháp, trong đó ở góc độ vĩ mô, Dự thảo Báo cáo chính trị đã nêu khá rõ về việc hình thành các tiểu vùng như Buôn Hồ, Ea Kar và các tiểu vùng khác. Tuy nhiên, thiết nghĩ ở tầm vi mô, cần cụ thể chức năng, nhiệm vụ để mỗi tiểu vùng thực sự là một vệ tinh, làm động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của cả tỉnh. Khi đã xác định được chức năng, nhiệm vụ và lợi thế của mỗi tiểu vùng, trong lãnh đạo, chỉ đạo tỉnh sẽ có những cơ chế khơi thông sức dân, huy động sự đầu tư của toàn xã hội có trọng tâm, trọng điểm, tránh được đầu tư dàn trải, kém hiệu quả.

Hồ chứa nước đội 4 (xã Ia R'vê, huyện Ea Súp) do Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 737 làm chủ đầu tư xây dựng  đã góp phần bảo đảm tưới tiêu, cải tạo môi trường sinh thái vùng biên.    Ảnh: Quỳnh Anh
Hồ chứa nước đội 4 (xã Ia R'vê, huyện Ea Súp) do Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 737 làm chủ đầu tư xây dựng đã góp phần bảo đảm tưới tiêu, cải tạo môi trường sinh thái vùng biên. Ảnh: Quỳnh Anh

Xin được góp thêm một số giải pháp về hình thành các tiểu vùng vệ tinh gắn phát triển kinh tế với quốc phòng như sau:

Ở phía nam: Nên xây dựng tiểu vùng vệ tinh với “mô hình hoàn toàn phụ thuộc”, chọn huyện Krông Bông làm trung tâm của tiểu vùng. Nếu so với các huyện Cư Kuin và Lắk thì Krông Bông cách xa trung tâm Buôn Ma Thuột hơn 50 km, nhưng trong những năm kháng chiến các tuyến hành lang nối liền Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn đều đi qua đây và trở thành "tam giác sắt" Đắk Lắk, Khánh Hòa và Lâm Đồng. Hơn nữa, theo dự án của tỉnh, sau khi hoàn thành tuyến đường cao tốc Đắk Lắk – Khánh Hòa và thi công quốc lộ nối liền Yang Mao (Krông Bông) với Lâm Đồng thì việc phối hợp giữa ba tỉnh trong chiến lược quốc phòng và liên kết phát triển kinh tế ở khu vực phía Nam đối với Buôn Ma Thuột và đồng bằng sẽ thuận lợi hơn. Đối với liên kết vùng thì sau khi hoàn thành cầu Cư Păm nối Tỉnh lộ 9 Krông Bông với Krông Pắc, cầu Hòa Phong đi Vụ Bổn sẽ thông suốt ra Quốc lộ 26 nối Krông Bông với Ea Kar. Nếu nơi đây trở thành tiểu vùng vệ tinh sẽ thu hút sự đầu tư của Nhà nước và các doanh nghiệp, tạo bước đột phá không chỉ sớm đưa Krông Bông thoát khỏi huyện nghèo mà khi kinh tế phát triển, đời sống người dân vùng căn cứ được cải thiện, tạo niềm tin giữa nhân dân với Đảng, xây dựng thế trận lòng dân sẵn sàng đập tan âm mưu phá hoại nhiều mặt của kẻ thù.

Cần cụ thể chức năng, nhiệm vụ để mỗi tiểu vùng thực sự là một vệ tinh, làm động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của cả tỉnh. Trên cơ sở đó, trong lãnh đạo, chỉ đạo tỉnh sẽ có những cơ chế huy động sự đầu tư của toàn xã hội có trọng tâm, trọng điểm.

Ở phía tây: Tỉnh nên định hướng xây dựng tiểu vùng vệ tinh “mô hình hoàn toàn phụ thuộc” ở huyện Buôn Đôn, bởi lẽ huyện Ea Súp tuy có chung đường biên giới với nước bạn, nhưng mật độ dân số thấp (với diện tích 1.765,43 km2, huyện Ea Súp chỉ có 67.120 người); hơn nữa khoảng cách giữa Buôn Đôn với TP. Buôn Ma Thuột và huyện Cư M’gar gần hơn, trong đó Cư M’gar hiện tại là vùng năng động, sự kết nối giữa các huyện biên giới với các huyện, thành phố sẽ tạo điều kiện cho Ea Súp và Buôn Đôn phát triển nhanh.

Để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng đi trước một bước, tỉnh nên đề xuất với Bộ Quốc phòng điều động những đơn vị quân đội làm kinh tế về đứng chân ở trung tâm các tiểu vùng phía nam và phía tây. Kết hợp hài hòa nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ cùng với nguồn kinh phí của các doanh nghiệp ưu tiên xây dựng các nhà máy sản xuất, chế biến nông sản, định hướng phát triển các cây, con phù hợp điều kiện của từng vùng, có dư địa chí cụ thể, tạo nên thương hiệu riêng “mỗi địa phương, một sản phẩm” theo chủ trương của Chính phủ.

Tỉnh cần thành lập Tổng đội Thanh niên xung phong, từng bước có cơ chế khuyến khích các cặp vợ chồng trẻ đến xây dựng kinh tế ở các tiểu vùng trọng điểm huyện biên giới, huyện căn cứ (trước đây tỉnh ta cũng đã tổ chức làng Thanh niên lập nghiệp ở các huyện biên giới đã thu được những kết quả nhất định, nhưng do vướng mắc về cơ chế nên chưa nhân rộng được). Điều này có tính khả thi cao, bởi lẽ những năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh như Quyết định 290, Quyết định 142, Quyết định 62, Quyết định 49…, đặc biệt là Quyết định 40 giải quyết chế độ đối với thanh niên xung phong đã có tác động tích cực đến tâm tư tình cảm của các đối tượng và người dân.

Tóm lại, việc xây dựng các tiểu vùng trở thành những vệ tinh và phát triển vùng năng động sẽ hỗ trợ cho vùng trung tâm chuyển dịch những khu công nghiệp, khu chế xuất ra ngoài vành đai, góp phần giải quyết bài toán về môi trường, cũng như sức ép gia tăng dân số, qua đó phát triển đồng đều sẽ hạn chế tốc độ phân hóa giàu nghèo; quốc phòng - an ninh được giữ vững ổn định.

 

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.