Multimedia Đọc Báo in

Biển xuân gọi mãi tên các anh

06:55, 31/01/2021

Trên hành trình chúc Tết Tân Sửu các nhà giàn DK1 phía Nam, tàu Trường Sa 19 của Lữ đoàn 125 Vùng 2 Hải quân dừng lại làm lễ tưởng niệm hai liệt sĩ Phạm Tảo và Lê  Tiến Cường hy sinh tại khu vực nhà giàn Tư chính 1B vào mùa xuân 1991, cách đây đúng 30 năm.

Câu chuyện thuyền phó Phạm Tảo bơi giúp sức đồng đội và bị sóng biển nhấn chìm được kể lại trong lời điếu văn tưởng niệm khiến cả đoàn rưng rưng xúc động. Đoàn trưởng đọc lời tưởng niệm: “Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam, những người lính Vùng 2 Hải quân không bao giờ quên các anh - những người ngã xuống cho sắc xuân nhà giàn ngời mãi. Các anh đã vĩnh viễn nằm lại biển xanh, nhưng ý chí chiến đấu của các anh còn mãi. Đó là đức hy sinh quên mình vì đồng đội, vì chủ quyền biển đảo yên bình trong những ngày Xuân về Tết đến. Nén hương mùa Xuân Tân Sửu hôm nay cuộn gói tấm lòng của chúng tôi - những người đang thay các anh giữ vững chủ quyền biển của Tổ quốc. Tên các anh đã thành bản tình ca. Biển xanh mãi gọi tên các anh - những chiến sĩ nhà giàn bất tử thời bình”.

 Tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trên vùng biển DK1.
Tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trên vùng biển DK1.

Đã 30 mùa xuân trôi qua kể từ ngày liệt sĩ Phạm Tảo và Lê Tiến Cường hy sinh. Nhà giàn Tư chính 1B cũng không còn nữa do lốc tố đánh sập. Nhưng ở tọa độ nơi các anh nằm lại vẫn ghi dấu chiến công của các anh. Và câu chuyện về các liệt sĩ vẫn sống mãi trong lòng các đồng đội… Đại tá Hoàng Văn Tuyên, Phó Tư lệnh Vùng 2 Hải quân chính là người đã chứng kiến sự ra đi của hai đồng đội giữa đại dương bao la đêm 23 Tết mùa xuân năm ấy.

 Tháng Chạp năm 1991, lúc đó ông Tuyên nhận lệnh cho tàu đi trực nhà giàn 1B ở khu vực bãi cạn Tư Chính. Sau hơn hai ngày đêm hải trình, tàu HQ-666 thả neo bên cạnh nhà giàn. Những ngày giáp Tết, gió mùa đông bắc thổi về liên tục làm cho biển mịt mù trắng xóa, con tàu nhỏ bé cứ chồm lên, ngụp xuống trong sóng dữ. Đêm 23 tháng Chạp, cán bộ, chiến sĩ tàu HQ-666 mổ heo đón Tết sớm. Lúc 22 giờ 30, trong khi mọi người bê đồ cúng ông Táo xuống, chiến sĩ quan sát báo cáo, gió thổi mạnh, thời tiết bất thường. Tất cả mọi người ào ra lan can nhìn về phía Bắc. Trời tối đen như mực, sóng gió bất ngờ nổi lên ầm ầm, biển động dữ dội, tàu chao đảo. Những cơn sóng từ lòng biển cuộn lên mỗi lúc một lớn. Thuyền trưởng tuyên lệnh báo động khẩn cấp, tàu cơ động chống sóng, sẵn sàng đối phó với bão tố, đề phòng tình huống xấu nhất xảy ra. Con tàu quá bé nhỏ so với những cột sóng cao hàng chục mét cứ lừng lững liên tiếp đổ ập xuống khoang tàu. Sức mạnh khủng khiếp của sóng đã đánh tan hệ thống tay vịn lan can của tàu quăng xuống biển.

Sau hơn 3 giờ chống chọi, tàu HQ-666 nghiêng lệch một bên, nước bắt đầu tràn vào các khoang giữa. Tình huống vô cùng bất lợi. Thuyền trưởng Tuyên trực tiếp liên lạc với nhà giàn 1B yêu cầu thả dây mồi, lệnh thả phao bè và rời tàu. Sau khi xuống phao bè, các chiến sĩ bằng mọi cách bơi về phía nhà giàn 1B, chờ tàu đến cứu.

Trong sóng to gió lớn, các chiến sĩ lao xuống biển, bám vào phao bè, dùng tay làm mái chèo bơi vào hướng nhà giàn 1B, nhưng sóng lớn, nước chảy xiết, chiếc phao bè nhỏ bé trôi xa dần. “Tình huống nguy kịch, phải nhanh chóng bằng mọi cách vớt được đầu dây mồi thả xuống từ nhà giàn 1B”, nghĩ vậy, thuyền phó quân sự Phạm Tảo đã lao xuống biển bơi nhanh về hướng đầu dây mồi. Để tiếp sức cho đồng đội, máy trưởng Lê Tiến Cường đã lao theo. Khi anh Tảo và anh Cường bơi gần đến đầu dây mồi, một con sóng như quả núi đổ ập xuống, nhấn chìm hai anh xuống biển sâu. Trong sóng dữ, mọi người nhìn đồng đội chới với rồi chìm hẳn mà không làm gì được.

Câu chuyện kể lại sau 30 năm phải dừng lại mấy lần bởi Đại tá Tuyên cố nén những cảm xúc nghèn nghẹn: “Cả cuộc đời tôi không thể quên ngày ấy và mãi không thể quên hai đồng đội thân thương, đó là thuyền phó quân sự Phạm Tảo và Trung úy chuyên nghiệp máy trưởng Lê Tiến Cường”..

Mai Thắng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.