Multimedia Đọc Báo in

Bộ đội Biên phòng tỉnh bảo đảm hậu cần mùa dịch

06:27, 03/03/2021

Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, thời gian qua, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã chủ động xây dựng các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện mọi nhiệm vụ trên biên giới.

Trong đó, giải pháp “4 tại chỗ” được quan tâm chú trọng và hậu cần tại chỗ là một trong những công tác quan trọng được ưu tiên đi trước một bước.

Đại tá Đào Viết Hùng, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh cho biết: Hiện nay, trên đoạn biên giới dài hơn 73 km tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri (Vương quốc Campuchia), BĐBP tỉnh đang triển khai 6 chốt cố định, 2 chốt cơ động, 18 tổ tuần tra với hàng trăm cán bộ, chiến sĩ ngày đêm thực hiện nhiệm vụ tuần tra, mật phục trên biên giới. Đồng thời, sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh về tái khởi động các chốt kiểm soát trên Quốc lộ 14C, BĐBP tỉnh đã tham gia chủ trì một chốt liên ngành tiếp giáp giữa tỉnh Đắk Lắk với tỉnh Đắk Nông và tham gia lực lượng tại chốt liên ngành tiếp giáp giữa tỉnh Đắk Lắk với tỉnh Gia Lai. Kiểm soát phòng chống dịch được xác định là nhiệm vụ quan trọng đặt lên hàng đầu, tập trung mọi nguồn lực từ lực lượng đến phương tiện. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, hậu cần phải đi trước một bước; trong đó, đảm bảo lương thực thực phẩm tại chỗ là khâu quan trọng. Trong điều kiện khí hậu biên giới khắc nghiệt, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình “Tiểu trang trại cấp đồn biên phòng” đẩy mạnh tăng gia tại các chốt kiểm soát phòng, chống dịch và tại các đơn vị.

Chăn nuôi bò theo mô hình  “Tiểu trang trại cấp đồn biên phòng”  của Đồn Biên phòng Yok Đôn.
Chăn nuôi bò theo mô hình “Tiểu trang trại cấp đồn biên phòng” của Đồn Biên phòng Yok Đôn.

Hiện nay hầu hết các đồn biên phòng trên tuyến biên giới tỉnh đều đã xây dựng mô hình “Tiểu trang trại cấp đồn biên phòng”. Ưu điểm của mô hình này chính là tận dụng những vị trí có diện tích rộng, thuận lợi về đất đai, nguồn nước, thổ nhưỡng, phòng chống được các dịch bệnh trong chăn nuôi và trồng trọt; kết hợp được nhiều hình thức chăn nuôi như vườn - ao - chuồng mang lại năng suất và chất lượng cao. Điển hình như: Mô hình tiểu trang trại các Đồn Biên phòng Yok Đôn, Bo Heng, Sêrêpốk và Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đắk Ruê.

Phụ trách tiểu trang trại này là những cán bộ giàu kinh nghiệm về chăn nuôi và trồng trọt. Việc bố trí các phân khu tăng gia rõ ràng, hợp lý như: khu tăng gia rau xanh được bố trí gần các nguồn nước sông, suối để thuận lợi tưới tiêu; khu chăn nuôi được bố trí tại các vị trí cao ráo, thoáng mát. Thượng úy Y Sơ Nét Nia Hra, Phó đội trưởng đội Kiểm soát hành chính, phụ trách khu tiểu trang trại của Đồn Biên phòng Yok Đôn cho hay: Ngay từ đầu năm, đơn vị đã lên kế hoạch tăng gia, xây dựng thời gian biểu theo mùa, đa dạng về cây trồng; căn cứ thời gian biểu của từng loại cây để trồng những cây tiếp theo. Những loại rau như rau cải, rau muống thời gian trồng đến khi thu hoạch là 35 - 40 ngày, sau khi những cây này xuống giống được hơn 20 ngày, tại các luống khác bộ đội sẽ xuống giống lần tiếp theo. Bộ đội còn lựa chọn những cây giống phù hợp với điều kiện thời tiết từng mùa như: rau ngót, rau muống trồng vào mùa khô; cải củ, đậu bắp trồng mùa mưa… Ngoài ra, tận dụng các khu đất rộng, đơn vị trồng thêm lúa và ngô nhằm đảm bảo lương thực cho bộ đội cũng như tạo nguồn thức ăn từ các phế phẩm cho chăn nuôi trâu, bò, heo, gà…

Cán bộ, chiến sĩ tăng gia rau xanh tại chốt phòng chống dịch Covid-19 của Đồn Biên phòng Sêrêpốk.
Cán bộ, chiến sĩ tăng gia rau xanh tại chốt phòng chống dịch Covid-19 của Đồn Biên phòng Sêrêpốk.

Các đồn biên phòng trên tuyến biên giới cũng đã xây dựng hệ thống mái che trong tăng gia sản xuất tại đơn vị nhằm khắc phục những khó khăn về thời tiết, giảm nhân lực trong tăng gia. Cụ thể, hệ thống mái che khép kín này đảm bảo lượng ánh sáng cho cây trồng, có hệ thống tưới tiêu tự động, phòng sâu bệnh gây hại, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… 

Song song với đó, tại các chốt phòng chống dịch Covid-19 cán bộ, chiến sĩ cũng đẩy mạnh tăng gia sản xuất. Mặc dù vị trí đặt các chốt rất hiểm trở, đất đai cằn cỗi, cán bộ, chiến sĩ tại đây đã cải tạo đất thành công bằng cách thay thế đất cằn cỗi bằng đất giàu dinh dưỡng, bổ sung dinh dưỡng cho đất bằng phân hữu cơ, lựa chọn với những loại cây phù hợp với điều kiện khí hậu trong rừng, sử dụng các giàn che để trồng cây thân leo như mướp, bầu phía trên để che phủ tránh nắng, mưa cho rau xanh trồng phía dưới…

Với cách làm phù hợp, cùng sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, không riêng trong mùa dịch Covid-19, nhiều năm qua BĐBP tỉnh luôn bảo đảm tốt hậu cần. Tính riêng năm 2020, các đồn biên phòng đã đảm bảo trên 95% lượng lương thực, thực phẩm tại chỗ; đưa vào giá trị  ăn thêm hằng ngày bình quân cho bộ đội 2.600 đồng/người/ngày.

Ngọc Lân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.