Phạt 40 triệu đồng nếu quảng cáo thực phẩm chức năng là thuốc
Bắt đầu từ 15-12-2011, Nghị định 93/2011/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuốc, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế với một loạt các mức xử phạt mới sẽ chính thức có hiệu lực.
Nghị định quy định rõ mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính về thuốc, mỹ phẩm và trang thiết bị y tế là 40 triệu đồng đối với các hành vi tẩy xóa hoặc sửa chữa các nội dung về hạn sử dụng, chỉ định, chống chỉ định, liều dùng, tính năng, công dụng trên nhãn thuốc so với hồ sơ đã được phê duyệt. Hành vi bán buôn thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng hoặc thuốc đã hết hạn sử dụng, bán thuốc cao hơn giá niêm yết thì sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng. Đồng thời, phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với cơ sở bán buôn thực hiện hành vi bán thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc không đúng đối tượng sử dụng hoặc cơ sở không có chức năng kinh doanh thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc theo quy định.
Kinh doanh thuốc không có chứng chỉ hành nghề sẽ bị phạt tối đa 10 triệu đồng. Ảnh minh họa |
Với các cơ sở kinh doanh thuốc không có chứng chỉ hành nghề sẽ chịu mức phạt tối đa 10 triệu đồng (đối với cơ sở bán lẻ) và 20 triệu đồng (đối với cơ sở bán buôn). Cơ sở, doanh nghiệp nào sản xuất thuốc không đủ điều kiện vệ sinh theo quy định của Bộ Y tế sẽ bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng. Không thu hồi thuốc kém chất lượng theo yêu cầu bị phạt từ 20 đến 30 triệu đồng… Đặc biệt, các thông tin quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và các sản phẩm không phải là thuốc với nội dung không rõ ràng khiến người tiêu dùng hiểu nhầm đó là thuốc sẽ bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng.
Ngoài ra, các cơ sở, doanh nghiệp bán thuốc vi phạm một trong các hành vi như không niêm yết hoặc niêm yết không đầy đủ giá các mặt hàng thuốc đang bày bán hoặc niêm yết không đúng quy định, bán thuốc cao hơn giá niêm yết, không thông báo cho khách hàng giá thuốc đã kê khai thì sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu. Việc tự ý thay đổi nhãn thuốc hoặc bao bì mà không được Bộ Y tế đồng ý bằng văn bản; kinh doanh thuốc không còn nguyên vẹn bao bì hoặc nhãn thuốc có nội dung và hình thức không như hồ sơ đã được phê duyệt thì sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng…
Được biết, tất cả các mức phạt mới này đều cao hơn so với mức phạt cũ nhiều lần. Theo đánh giá của các cán bộ thanh tra y tế, mức phạt này mới đủ sức để răn đe các cơ sở cố tình vi phạm.
K.O (nguồn Dân trí)
Ý kiến bạn đọc