Sẽ thành lập Quỹ hỗ trợ xuất bản và quảng bá tác phẩm
Trước những áp lực ngày càng gia tăng đối với ngành xuất bản, chiều 2-2 Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì họp với các bộ, ngành về cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với công tác xuất bản.
Nêu rõ những quan điểm của Đảng và Nhà nước về hoạt động xuất bản, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định việc thành lập Quỹ hỗ trợ xuất bản và quảng bá tác phẩm là cần thiết. Đối với các xuất bản phẩm có giá trị về văn hóa, lịch sử thì Nhà nước sẽ là cơ quan đặt hàng các nhà xuất bản (NXB) nhằm khai thác tối đa các ấn phẩm. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ là cơ quan thay mặt nhà nước để thực hiện việc hỗ trợ các ấn phẩm này. Quy chế của Quỹ hỗ trợ phải do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời phải có cơ quan giám sát việc sử dụng Quỹ.
Bên cạnh việc cần thiết xây dựng Quỹ hỗ trợ xuất bản và quảng bá tác phẩm, Phó Thủ tướng đề nghị phải nghiêm túc đánh giá hoạt động của 64 NXB. Theo đó cần rà soát, quy hoạch lại toàn bộ hệ thống các NXB, từ đó có biện pháp sắp xếp lại để các NXB hoạt động không chồng lấn và hiệu quả hơn.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn cho biết, tính đến năm 2012, cả nước có 64 NXB, trong đó có 20 NXB tổ chức hoạt động theo loại hình doanh nghiệp, 44 NXB tổ chức hoạt động theo loại hình sự nghiệp. 70% số NXB tại Việt Nam có vốn chỉ từ 2 tỷ đồng trở xuống, chỉ làm được 20 đầu sách mỗi năm, in khoảng 1.000 bản, với khoảng 300 trang/cuốn. Số lượng đầu sách của toàn ngành xuất bản trong giai đoạn 2007-2009 đang giảm dần qua các năm. Năm 2007 xuất bản 26.609 đầu sách, năm 2008 là 25.120 đầu sách, năm 2009 là 24.589 đầu sách. Cơ cấu đề tài các mảng sách mất cân đối nghiêm trọng, chiếm tỷ trọng cao nhất là sách giáo khoa (30%). Hầu hết các NXB kinh doanh không hiệu quả, 30% NXB bị lỗ hoặc có lãi từ 2 – 100 triệu đồng/năm và chỉ có 5 NXB có lãi từ 1 tỷ đồng trở lên nhưng lại chủ yếu do hoạt động cho thuê trụ sở mang lại. Về nguồn nhân lực, đội ngũ lao động chỉ đáp ứng được yêu cầu hoạt động của các NXB ở mức trung bình. Đội ngũ biên tập còn thiếu và yếu cả chuyên môn và nghiệp vụ, trình độ lý luận và bản lĩnh chính trị, rất ít biên tập viên đầu đàn có thực lực, mặc dù số biên tập viên có trình độ đại học và trên đại học chiếm tỷ lệ khá cao so với thời kỳ cách đây 20 năm.
K.O (nguồn: chinhphu.vn)
Ý kiến bạn đọc