“Ông Tây Tiến” trở về
Nhà thơ Quang Dũng (1921-1988) là tác giả bài thơ Nhớ Tây Tiến nổi tiếng viết năm 1949. Bài thơ mang đậm nét hào hùng, bi tráng pha chất lãng mạn đã được chọn đưa vào giảng dạy trong giáo trình THPT, và được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành ca khúc Tây Tiến.
Sau này các cựu chiến binh Trung đoàn Tây Tiến (những đồng đội của nhà thơ) đã khắc toàn văn bài thơ “Nhớ Tây Tiến” vào tấm bia tưởng niệm tại nghĩa trang Mai Châu (Hòa Bình). Nơi ấy, trong kháng chiến chống Pháp là địa điểm đóng quân của trạm xá Trung đoàn.
Nhân ngày giỗ lần thứ 10 của nhà thơ Quang Dũng (14-10-1988 – 14-10-1998), Câu lạc bộ thơ Xứ Đoài (Hà Tây cũ) có dựng một pho tượng bán thân nhà thơ. Cùng lúc ấy, quỹ Swedish International De-velopment Agency (Thụy Điển) cũng gửi biếu 2.000 USD để dựng tượng. Nhà điêu khắc Minh Đỉnh đã trúng 12/12 số phiếu của Hội đồng tuyển chọn phác thảo tượng nhà thơ Quang Dũng. Sau khi hoàn thành, bức tượng bán thân nhà thơ Quang Dũng được đặt ở Trường PTCS huyện Đan Phượng, xã Phương Trì (nay thuộc Hà Nội) nơi mà nhà thơ đã từng học ở đây. Không ngờ 60 năm sau, người học sinh năm xưa lại “trở về” trường bằng tượng. Bệ tượng là một phiến đá lấy ở núi Sài Sơn mà lúc sinh thời nhà thơ đã nhắc trong bài thơ “Đôi mắt người Sơn Tây”:
Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng
Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng
Nghệ sĩ điêu khắc Minh Đỉnh thể hiện vẫn giữ nguyên nét phong sương trên nền đá phủ lớp rêu cháy nắng. Bức tượng mô tả Quang Dũng trong chiếc sơ-mi bộ đội, bên ngoài nai nịt chiếc trấn thủ trần ô quả trám. Bằng chất liệu đồng đúc, nghệ sĩ Minh Đỉnh đã tạo được những mảng gồ ghề trên từng ô quả trám in dấu vết những ngày gian khổ trên chặng đường chiến đấu ở miền Tây tổ quốc:
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời…
Chân dung một “Tây Tiến” với đôi mắt mơ mộng đang hướng về:
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Hôm dự lễ nhập tượng, nhà văn Vũ Bão cũng có mặt và ông không giấu được xúc động khi được chiêm ngưỡng bức tượng Quang Dũng: “Ánh nắng chảy tràn trên pho tượng, hòa với màu đồng càng làm cho “Ông Tây Tiến” – một người đã dành cả một đời văn đi tìm cái “đẹp” sáng rực lên như từ cõi cực lạc hiện về, có cảm giác như Quang Dũng sống lại, đang về vui với anh em, bầu bạn, với dân làng và các em học sinh…”.
Nhà văn Vũ Bão nói với mọi người có mặt hôm ấy rằng: “Ông Tây Tiến” trở về mái trường xưa.
Thật vậy, Quang Dũng đã trở về, nhưng không phải làm một cậu học trò xưa, mà là một “Ông Tây Tiến” sừng sững – một thi sĩ – chiến sĩ.
Lê Hồng Bảo Anh
Ý kiến bạn đọc