Multimedia Đọc Báo in

Hãy sống như mình là cỏ...

04:48, 03/04/2012

Ghé thăm chị trong một lần chở khách đi tham quan Buôn Đôn, căn nhà gỗ ọp ẹp của chị cố ngoi lên giữa bạt ngàn cây trái, mít tố nữ, xoài cát, chôm chôm, sầu riêng Thái Lan cơm vàng hạt lép… Một mình chị một nhà, một vườn, chiếc máy tính xách tay là tài sản giá trị nhất trong căn gác gỗ cơ man sách báo biếu. Bao năm vất vả với bảy sào rẫy, lúc đầu là cà phê, rồi do giá cà phê thất thường, điều kiện canh tác lại không thuận tiện nên chị bỏ cà phê và trồng một vườn cây ăn quả nhiều loại. Ngày ngày chị cày cuốc, chăm tưới.

Nghiệp văn thơ có trong chị từ những mơ ước thuở thiếu thời, không ngờ trong lao động lại phát tiết, đâm chồi nảy lộc. Những nhát cuốc, mỗi vần thơ, những câu chuyện thấm đẫm mồ hôi sinh ra giữa những giờ giải lao, giữa những cọ quẹt trêu đùa của cỏ cây hoa lá, giữa tiếng côn trùng nỉ non, giữa tiếng ve ngân, tiếng quạ ác và lũ ong mật cần mẫn kéo nhau về đây xây tổ… Trăng đêm - thơ đăng trên Tuyển tập Áo Trắng, Nụ hôn muộn - truyện ngắn đăng trên Tuyển tập Thời Văn là những tác phẩm đầu tay xuất hiện vào năm 1993, bắt đầu cho một chặng đường đi tìm mơ ước. Chị kể chuyện về cảm giác những lần đầu tiên ấy “tim như vỡ ra… con người mình như quả bóng bơm căng chực nổ bùng, muốn hét vang lên khắp muôn xa, muốn bay vút lên tận trời cao, muốn hòa tan cùng nắng, muốn thông thênh cùng gió…”, nhưng cái cảm giác sung sướng ấy lại không dám thổ lộ cùng ai, “chỉ bật lên khi đã vào đêm trùm kín trong chăn”. Sáu đầu sách của người phụ nữ học hết lớp chín này đều được các nhà xuất bản… đóng gói gửi về theo xe khách. Chúng tôi đến đúng lúc tập sách mới nhất Miên man miền tao ngộ (tản mạn – ký) được chị tất tưởi thuê xe ôm chở về tới nhà vẫn còn nguyên trong bao nóng hổi. Chúng tôi được tặng sách, được thưởng thức các sản phẩm cây nhà lá vườn, được nghe chị kể chuyện… Căn phòng đầy ắp tiếng cười.

Tôi quen chị trên blog http://damlan.vnweblogs.com với cái tít khá lãng mạn: mênh mông chiều vàng… chưa đầy 3 năm. Nhớ lần mời chị uống cà phê giữa ngã sáu TP. Buôn Ma Thuột, hồi hộp với cảm giác lần đầu tiên gặp, tôi cứ tưởng tượng chị sẽ to, cao nhưng trái ngược hoàn toàn: một người phụ nữ với đôi chân tật nguyền xuất hiện. Tôi hối hận vì đã chọn lầu 2 để rộng tầm quan sát, lao đến đỡ khi chị với đôi tay khỏe mạnh leo lên cầu thang. Chị xua tay, miệng cười tươi bảo để chị tự vận động… Say sưa nghe chuyện chị, rồi tò mò theo chị về nhà ở xã Ea Nuôl (Buôn Đôn) cách TP.Buôn Ma Thuột 15 km. Chị chạy được xe máy, chiếc Cúb cối 81, chị bảo nó phù hợp với đôi chân của chị, vừa cà tàng, vừa thấp, vừa rẻ, vừa tiện khi cần thì hất nó ngã qua một bên để không bao giờ nó đè lên mình. Ngay sau lần đầu tiên chứng kiến cuộc sống một lều, một vườn, đơn thân độc mã giữa vườn cây trái ấy của chị, tôi về mất ngủ viết bài thơ:

Người đàn bà không cô đơn

(kính tặng chị ĐL)

Người đàn bà giấu cô đơn trên căn gác hẹp

Như giấu báu vật mà không phải ai cũng có được...

Những vết tích mùa xuân còn đọng lại trên hoa văn những tấm ván tường đen trũi màu thời gian.

Người đàn bà không giấu mình bên những trang đời sách, truyện ngắn...như người tri kỷ.

Con mèo hoa vươn đôi tay vờn chiếc bình hoa như vờn nỗi đau...

Người đàn bà, mở ra những trang viết thấm đẫm tình người.  

Người đàn bà giấm cô đơn trong đôi mắt hay cười

Mái tóc xõa dài hình giọt lệ

Người đàn bà đã đứng lên từ "đôi chân tàn nhưng không phế "

Đối diện với cuộc đời không tính kể thiệt hơn.

Người đàn bà ôm lấy cô đơn 

Như ôm người tình chung thủy

Tất cả những yêu thương có cội nguồn từ suy nghĩ

dành hết cho đời ...

Trên môi người đàn bà luôn nở nụ cười...

Người đàn bà không cô đơn viết sách ấy tên thật là Đàm Thị Tuyết Lan, bút danh Đàm Lan, sinh ngày 22 -5 -1966 trong một gia đình có năm anh chị em. Tác phẩm của chị đã in: Hoàng hôn biển (năm 1998), Mênh mông chiều vàng (2005), Lối nhỏ (2006), Sự nhầm lẫn (2008), Trái tim đàn ông (2010), Miên man miền tao ngộ (2011). Tất cả đều là văn xuôi.

Sau khi biết tôi làm công việc lái xe buýt, chị nhờ tôi bán dùm thơ của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng bị bại liệt ở Quảng Ngãi mà chị tình cờ quen biết qua báo chí. Không ngờ thơ của Nguyễn Ngọc Hưng rất hay, hợp với suy nghĩ của số đông người lao động nên bán chạy như tôm tươi. Những tác phẩm của chị: Nhầm lẫn, Trái tim đàn ông mà tôi mang theo xe buýt để đọc cũng được rất nhiều người tìm mua, nhưng chị chỉ gửi tặng. Nhiều học sinh THPT chuyền tay nhau đọc sách của chị. Có em đọc rồi viết bình luận nhờ tôi chuyển đến tay tác giả. Những tác phẩm của chị mà tôi đã đọc có ngôn ngữ cực kỳ giản dị, mộc mạc như miếng cơm, nước uống hằng ngày. Đó là những chuyện người, chuyện đời, chuyện nhân tình thế thái, chuyện xã hội, những tâm sự, ước mơ, hoài bão, khát vọng sống… được chuyển thể vào trong tác phẩm một cách chọn lọc, ngắn gọn, súc tích, sâu sắc đầy tính nhân văn. Ít ai biết, để có được những tác phẩm,  chị đã từng lăn lê, bò toài viết trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn đủ bề như lời chị kể “những ngày tháng ấy là từ ánh sáng của chiếc đèn pin và trong tư thế nằm sấp, giờ nhớ lại vẫn còn cảm giác tức ngực và tê dại cả hai cánh tay”. Văn chị như con người của chị, vượt lên chính mình, vượt lên hoàn cảnh, vượt lên số phận, vượt qua tất cả những mặc cảm xã hội. Cuộc sống đầy những trải nghiệm, đầy chông gai, thử thách của một người phụ nữ tật nguyền sống giữa trung tâm thành phố hình như chưa đủ liều để thử sự gan góc, kiên cường với ý chí và quyết tâm của chị. Chị mua nhà, mua rẫy tại xã Ea Nuôl sống đúng chất như một nông dân thực thụ, sống đơn giản và thanh thản giữa thiên nhiên, với quan niệm sống như những câu thơ chị đã viết “Hãy sống như mình là cỏ/ sau những bước dẫm của đời … lại lặng lẽ xanh” hay “Thả một chiếc lá trong mông mênh lòng gió/ chiếc lá mang theo lời nhắn gửi … vi vu, vi vu…”

Trương Nhất Vương

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.