Thăm nhà văn Chăn Thy
Tôi có nhiều người thân đang làm ăn, sinh sống ở thủ đô Viên Chăn (Lào) nên hằng năm tôi vẫn thường sang Viên Chăn một hai lần. Mỗi chuyến đi đều để lại trong tôi những ấn tượng đẹp về đất nước “Triệu Voi”. Trong chuyến đi Viên Chăn vừa qua, ấn tượng sâu sắc nhất là cuộc viếng thăm nhà văn Chăn Thy - nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Lào.
Nơi trang trọng nhất trong phòng khách nhà văn Chăn Thy được treo ảnh Bác Hồ. |
Nghe tiếng nhà văn Chăn Thy đã lâu nhưng phải đến khi đọc bài viết của nhà văn Hoàng Minh Tường thuật lại cuộc du thuyền trên vịnh Hạ Long cùng vợ chồng nhà văn Chăn Thy, tôi mới biết kỹ hơn về ông. Thì ra bố ông là người Việt, tên là Hồ Sĩ Đường, gốc gác họ Hồ ở Quỳnh Đôi nhưng sinh sống ở huyện Tương Dương (Nghệ An). Mẹ ông người Tày ở huyện Con Cuông. Theo lời ông kể thì bố ông đi bộ đội Việt Minh, mẹ ông sang Lào rồi bị bệnh mất; ông được một gia đình giàu có người Mèo nhận làm con nuôi. Năm mười hai tuổi ông trốn nhà đi theo bộ đội Lào, làm giao liên… Năm 1961, ông được cử sang Việt Nam học Trường Báo chí, rồi trở về làm phóng viên Đài phát thanh Lào. Năm 1970, ông lại được cử sang Việt Nam, học ở Trường Viết văn Nguyễn Du. Tác phẩm đầu tay của ông là Người con yêu quý của Tổ quốc (xuất bản năm 1962). Đến năm 1965, ông cho ra mắt tập Ánh sáng của Cách mạng và bắt đầu nổi tiếng từ đó. Việt Nam, Trung Quốc, Liên Xô (cũ), CHDC Đức (cũ) đã dịch tác phẩm này… Ông từng làm Tổng biên tập báo Nhân dân Lào, Tổng thư ký và Chủ tịch Hội Nhà văn Lào, được nhận danh hiệu Nhà văn Ưu tú do Nhà nước Lào phong tặng. Sau chuyến đi dự Hội nghị Quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam về được khoảng vài tháng thì ông bất ngờ bị tai biến mạch máu não, phải nằm bệnh viện điều trị một thời gian khá dài. Hiện sức khỏe của ông đã dần hồi phục nhưng đi lại còn rất khó khăn. Vào dịp tết Lào năm ngoái (giữa tháng 4 dương lịch), tôi cùng các anh chị trong đoàn nhà văn Huế may mắn được dự lễ buộc chỉ tay chúc phúc ông do các bạn Lào tổ chức. Đó là lần đầu tiên tôi được gặp nhà văn Chăn Thy. Đến bây giờ những giọt nước mắt lăn trên gò má ông vẫn còn hiện rõ trước mắt tôi. Bởi vậy nên chuyến sang Viên Chăn vừa rồi, tôi dự định tìm đến thăm ông bằng mọi giá. Các con tôi đang sinh sống, làm ăn tại Viên Chăn có biết tiếng ông nhưng không biết nhà ông ở đâu. Những người bạn Lào của con trai tôi cũng chẳng ai biết. Nhưng tôi vẫn quyết tâm tìm cho bằng được. Và tôi đã gặp may.
Một buổi sáng đẹp trời, đang ngồi uống cà phê ở Sài Gòn quán, tình cờ có người phát hiện ra tôi:
- Thầy là nhà thơ Mai Văn Hoan, em đọc thuộc rất nhiều bài thơ tình của thầy.
Một anh bạn trẻ, nói giọng Huế mừng rỡ đến bắt tay tôi. Thì ra cậu ta nguyên là cựu học sinh Quốc Học, sang Lào làm ăn đã bảy tám năm nay. Câu chuyện thơ phú nhờ đó mà trở nên rôm rả. Có một người đã đứng tuổi, nước da hồng hào, dáng dấp nghệ sĩ, ngồi ở bàn bên cạnh, lắng nghe rất chăm chú, rồi đột ngột hỏi tôi:
- Có phải khi lên làm Chủ tịch nước, Bác lấy tên Hồ Chí Minh để tri ân một người họ Hồ đã cứu Bác thời hoạt động bí mật không?
Tôi nói với anh là tôi cũng chỉ nghe người ta đồn đại như thế chứ chưa biết đích xác. Nhưng tôi biết chắc chắn có ông Chủ nhiệm trại tù họ Hầu là người đã trực tiếp đề xuất với Tưởng Giới Thạch trả lại tự do cho Bác. Bác có làm bài thơ Kết luận (trong Ngục trung nhật ký) để tạ ơn ông. Tên đầy đủ của ông là Hầu Chí Minh: Hạnh ngộ anh minh Hầu Chủ nhiệm/ Nhi kim hậu thị tự do nhân/ Ngục trung nhật ký tòng kim chỉ/ Thâm tạ Hầu công tái tạo nhân (Sáng suốt nhờ ơn Hầu Chủ nhiệm/ Tự do trở lại với mình rồi/ Ngục trung nhật ký từ đây dứt/ Tái tạo ơn sâu cảm tạ người).
Người đàn ông đứng tuổi, có nước da hồng hào, dáng dấp rất nghệ sĩ ấy tên anh là Hồ Hữu Phú. Trước đây anh vốn là một “đại gia” Việt kiều ở đất Viên Chăn. Nhưng kể từ khi vợ con anh bỏ sang Mỹ, anh sống một mình, lấy việc giao du với bạn bè làm thú vui. Mới đây, anh được bà con họ Hồ ở Viên Chăn tín nhiệm cử làm Trưởng ban đại diện. Dịp Thành nhà Hồ được công nhận Di sản Văn hóa thế giới, anh có về dự. Anh kể về chuyến đi ấy một cách hào hứng. Anh quay sang hỏi tôi:
- Anh Hoan có biết ông Chăn Thy không? Ông Chăn Thy cũng người họ Hồ đó. Tên Việt của ông là Hồ Sĩ Thìn. Ông ấy sinh năm 1940, quê Nghệ An.
Tôi nói với anh Phú là tôi đã hân hạnh được dự lễ buộc chỉ tay chúc phúc ông Chăn Thy hồi năm ngoái. Tôi rất muốn đến thăm ông nhưng không biết nhà. Anh Phú sốt sắng:
- Thế thì tôi sẽ đưa anh đến nhà ông ấy ngay bây giờ. Tôi với gia đình ông ấy là chỗ thân tình với nhau.
Và chưa đầy mười phút sau, chúng tôi đã đến nhà ông Chăn Thy.
Nhà ông Chăn Thy ở gần chùa nên khá yên tĩnh. Cạnh bờ tường chùa là một hàng tháp và tượng Phật sơn màu vàng tươi. Ngôi biệt thự hai tầng gọn gàng, ngay ngắn, kiến trúc theo một kiểu riêng không giống các biệt thự của người Lào mà tôi từng thấy. Khuôn viên không quá rộng, chỉ đủ để trồng một ít cây ăn quả và cây cảnh. Tầng trệt gồm phòng ngủ, phòng khách, thư viện nhỏ, phòng ăn và bếp. Tầng hai dành cho các con. Tất cả đều được sơn màu trắng sữa, sạch và mát. Trong phòng khách, ông dành một chỗ trang trọng đặt ảnh Bác Hồ phóng to. Dưới ảnh Bác là chân dung thân sinh của ông thời còn trẻ, được vẽ truyền thần. Chỉ riêng điều này cũng đã phần nào nói lên tình cảm sâu nặng của ông đối với quê hương Việt Nam. Gần với phòng khách là thư viện nhỏ của gia đình ông. Trong thư viện nhỏ đặt năm, sáu giá sách làm bằng gỗ tốt. Sách xếp theo thứ tự, hàng lối ngăn nắp. Tôi nhận ra tập tự truyện Đường đời khá dày của ông. Mặt trên giá sách đặt một số bức ảnh lồng khung kính, gồm: ảnh Thủ tướng Lào trao tặng bằng tôn vinh ông là Nhà văn Ưu tú của đất nước Lào, ảnh vợ chồng ông thời mới cưới, ảnh chụp với gia đình thông gia… Nhà văn Chăn Thy nằm thư thái trong phòng ngủ, trên chiếc giường trải ra màu trắng. Trông ông vẫn hồng hào, khỏe mạnh. Có điều chân ông đi chưa được vững, phải dùng chiếc gậy làm bằng inox, có ba chấu ở phía dưới để chống. Vợ ông đặt hai chiếc ghế gần bên giường ông để chúng tôi nói chuyện. Biết tôi ở Huế, ông tò mò hỏi tôi về mối quan hệ giữa nhà văn Phùng Quán và Hà Khánh Linh. Tôi kể vắn tắt cho ông nghe xuất xứ tiểu thuyết Trăng Hoàng cung của Phùng Quán. Ông tủm tỉm cười. Ông hỏi tôi về dòng dõi nhà văn Nguyễn Khắc Phê và cuộc sống hiện tại của nhà thơ Võ Quê. Vợ ông - một phụ nữ gốc Hoa phúc hậu và điềm đạm, kể chuyện đi Nông Phênh gặp nhà văn Hà Khánh Linh. Không ngờ hai người cùng trùng nhau ngày, tháng, năm sinh. Thật là trường hợp hy hữu! Bà nói khi nào gặp Hà Khánh Linh thì nói chị ấy gửi sách mới xuất bản cho bà đọc. Bà là một “fan” hâm mộ văn Hà Khánh Linh. Thấy chiếc bàn máy may hiệu SINGER đã khá cũ đặt ở góc phòng, tôi lấy làm lạ. Hiểu ý tôi, bà Chăn Thy giải thích: Đó là chiếc bàn máy may đã từng giúp ông bà sống qua những ngày tháng khó khăn ban đầu. Nó đã được bán cho người ta từ lâu nhưng ông Chăn Thy tìm mọi cách chuộc lại để làm vật kỷ niệm…
Đã sắp đến bữa ăn trưa, hai chúng tôi xin phép cáo từ. Tôi nắm chặt tay ông. Ông nói bằng tiếng Việt, giọng miền Trung đặc sệt:
- Cho Chăn Thy gửi lời thăm tất cả!
Mai Văn Hoan
Huế, 12-12-2012
Ý kiến bạn đọc