Multimedia Đọc Báo in

Nhà văn Lê Bầu với công thức B.A.D

15:30, 05/01/2013

Nhà văn Lê Bầu là một dịch giả rất nổi tiếng, ông chuyên dịch các tác phẩm của các nhà văn Trung Quốc. Trong kháng chiến chống Pháp ông học đại học Trung Văn tại Trung Quốc, làm cán bộ phiên dịch ở Việt Nam và Trung Quốc, có thời gian dạy học tiếng Trung cho các sinh viên và học sinh Việt Nam. Từ năm 1961, ông làm biên tập viên văn học ở Sở văn hóa Hà Nội, Nhà xuất bản Hà Nội và Hội Văn nghệ Hà Nội. Ông có tên khai sinh là Lê Văn Bầu, sinh ngày 23-6-1930, tại thôn Quan Xuyên, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam 1988, mất năm 2009 tại Hà Nội.

Trong sáng tác và dịch thuật, nhà văn Lê Bầu đã in khoảng 30 tác phẩm, trong số đó có một nửa là dịch các tác phẩm cổ và đương đại của các nhà văn Trung Quốc. Những tác phẩm nổi tiếng mà ông đã dịch là: Tể tướng Lưu Gù, Oshin, Truyện Mạc Ngôn, Trinh tiết nữ...

Khoảng những năm 1957-1959, Lê Bầu viết một số truyện ngắn, nhưng ngày ấy xem ra cấp trên của ông không ưng vì cho rằng các tác phẩm của ông có gì không ổn, ảnh hưởng “tư tưởng” của nhóm Nhân văn giai phẩm. Nên sau đó ông phải đi lao động hết nhà máy cơ khí Trần Phú, lại đến nhà máy cao su Sao Vàng (Hà Nội). Thời gian này ông lại ước ao được đi nước ngoài, nhất là trở lại Trung Quốc mà không có cơ hội. Nhà văn Vũ Bão, bạn thân của Lê Bầu có kể (trên báo Tiền Phong số 29, ngày 18-7-2007): Sau này được đi Trung Quốc, đến một vài sạp sách, báo ở Thượng Hải, Bắc Kinh, Hàng Châu... Lê Bầu sà ngay vào để mua các tác phẩm văn học nguyên bản tiếng Trung Quốc, chứ không mua một thứ gì khác. Thấy vậy, nhà văn Vũ Bão hỏi:

-Lê Bầu mua làm gì nhiều sách Trung vậy?

Lê Bầu tay ôm chồng sách to đùng, tay kia móc mấy tờ nhân dân tệ đưa trả người bán. Vừa cười vừa nói với Vũ Bão:

-À, để về B.A.D ấy mà!

Vũ Bão lắc đầu, hỏi lại:

-B.A.D là gì, tớ không hiểu? Công thức toán học gì vậy?

-B.A.D là bán ăn dần.

Nhà văn Vũ Bão thở phào: - Vậy thì cậu phải nói là D.A.D (dịch ăn dần) mới phải.

Trong chuyến đi ấy, Lê Bầu đã mua cuốn Quỷ Thành của Giả Đình Ao, về nhà Lê Bầu dịch ra tiếng Việt lấy tên là Quê Cũ được Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành. Tiếp đó lần lượt ông dịch các tác phẩm Thị trấn Phù Dung, Trinh tiết nữ, Đàn Hương Hình... các tác phẩm này lần được các nhà xuất bản QĐND,  Nhà xuất bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh ấn hành...

Tết năm 2004, cũng từ công thức B.A.D, gia đình Lê Bầu có vẻ dư giả hơn, sắm được cả xe mini Nhật. Đó là tiền thù lao của Lê Bầu dịch cuốn tiểu thuyết Oshin cho Đài truyền hình Việt Nam để phát bộ phim này trên màn ảnh nhỏ.

Tiếp đó, bản dịch Trinh Tiết Nữ của Lê Bầu nhận được giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội.

Sau này, do tuổi cao sức yếu, không đi đâu xa được nữa, chỉ loanh quanh trong ngôi nhà hơn chục mét vuông ở phố Phùng Hưng (Hà Nội), ông bảo mình chỉ đi bằng “con đường sách báo” và thực hiện công thức B.A.D thôi.

May thay, trước khi mất, Lê Bầu đã mua được một ngôi nhà rộng mấy chục mét vuông ở khu chung cư Thanh Nhàn (Hà Nội) với tiện nghi tươm tất, đây là số tiền bán ngôi nhà cũ, cộng với tiền ông dành dụm cả đời. Vốn ấy, tiền ấy chính là nhà văn Lê Bầu áp dụng từ công thức B.A.D  mà  có.

Lê Hồng Bảo Uyên (St&bs)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.