Multimedia Đọc Báo in

Nguyễn Gia Trí - người cách tân nghệ thuật sơn mài Việt Nam

09:29, 07/06/2013

Nhắc đến nghệ thuật sơn mài Việt Nam, không thể không nhắc đến Nguyễn Gia Trí - người được mệnh danh là "cha đẻ những bức tranh sơn mài tân thời của Việt Nam". Ông là người đi đầu trong việc chuyển những bức tranh sơn mài từ trang trí thành những tuyệt phẩm nghệ thuật. Năm 2012, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, ghi nhận những công lao, đóng góp của ông đối với lĩnh vực nghệ thuật này.

Họa sĩ Nguyễn Gia Trí (1908-1993).
Họa sĩ Nguyễn Gia Trí (1908-1993).

Hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí sinh năm Kỷ Dậu 1908 tại làng An Trạch, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương khóa VII (1931-1936) cùng khóa với họa sĩ Trần Văn Cẩn. Năm 1965, theo lời kể của họa sĩ Trần Quang Trân (tức Ngym), Nguyễn Gia Trí học cùng ông khóa IV, đang học dở dang năm thứ hai thì bỏ, đến khóa VII lại tiếp tục vào học cùng khóa với Trần Văn Cẩn, Lưu Văn Sìn.

Vào những năm 30, mặc dù nắm vững kỹ thuật sơn dầu phương Tây, Nguyễn Gia Trí đã hướng niềm say mê vào một chất liệu dân tộc là sơn ta. Sau 6, 7 năm tìm tòi, đóng cửa không giao tiếp với bạn bè đến nỗi phóng viên báo chí Ngày Nay, Indochine, Volonté Indochinoise phải lên tiếng: “Chúng ta đến thăm Trí đi, anh ta vẽ bằng than hàng năm trời rồi”.

Tác phẩm sơn mài “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của họa sĩ Nguyễn Gia Trí.
Tác phẩm sơn mài “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của họa sĩ Nguyễn Gia Trí.

Nhắc đến ông, người nào cũng phải thốt lên: Gia Trí đã để lại một vẻ đẹp sơn mài lộng lẫy tôn giáo, cổ điển, bởi ông là người duy nhất đã khám phá cái linh biến của sơn mài truyền thống, biến nó, chuyển cả thể chất thành quý vật, không còn tầm thường nữa mà đài các, quí phái, khó tính. Biết bao thí nghiệm mò mẫm của Trần Quang Trân, Lê Phổ, Nguyễn Khanh, Nguyễn Đỗ Cung, Trần Văn Cẩn, thành công đó đã nhường cho Nguyễn Gia Trí.

Xem tranh sơn mài của Gia Trí, đương thời hai họa sĩ tài năng Nguyễn Đỗ Cung, Tô Ngọc Vân không tiếc lời ca tụng ông trên báo Ngày Nay, Thanh Nghị. Ở chất liệu nghệ thuật này cũng thật khó thành công ở chỗ phân biệt đâu là mỹ nghệ, đâu là hội họa.

Nguyễn Gia Trí đã để lại vẻ đẹp khác biệt, vẻ đẹp đó ra đi từ bóng tối, dưới cục đá mài và một bàn tay hăng hái kỳ diệu. Quãng thời gian từ 1938 đến 1944 là thời kỳ cực thịnh của ông, để có bước thành công, ông đã tuyệt giao bạn bè 6, 7 năm liền. Một sự hy sinh hiếm có. Ông đã biến mình thành một vị chân tu, cô lập và thuần khiết, thánh thiện. Ông nối với ngoài đời trần tục bằng những tác phẩm phong cảnh, thiếu nữ gần gũi. Tại cuộc triển lãm khai mạc ngày 11-1-1939 do trường Mỹ thuật Đông Dương tổ chức, họa sĩ đã làm kinh ngạc công chúng Hà thành. Trước mặt mọi người Cảnh làng quê, Chợ Bờ, Hồ Gươm Trung thu, Thiếu nữ bên hồ sen… với sắc vàng óng ánh, vỏ trứng nhễ nhại, sơn then thăm thẳm cứ rung lên nhạc điệu huy hoàng của sơn ta huyền thoại.

Sau 1954, ông vào miền Nam. Cần mẫn sáng tạo vẫn theo khuynh hướng truyền thống, nhưng dần dần ông điêu luyện hơn trong kỹ thuật, bớt dần sự bay bướm, huyền ảo duyên dáng. Nếu thời cận đại, Nguyễn Gia Trí để lại vẻ đẹp thiếu nữ thanh tân Hà Nội cổ kính và tươi trẻ hồn nhiên thì giờ đây không còn thướt tha đài các như xưa nữa. Thời gian này, tranh ông đa sắc hơn, ông thể nghiệm một chút tượng trưng, biểu hiện, lại thử sức cả trừu tượng vào sơn mài. Ông vẫn tràn đầy cảm xúc nhưng được chế ngự của ý thức và trí tuệ… Những họa phẩm nổi tiếng trong sự nghiệp sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Gia Trí là Thiếu nữ bên cây phù dung, Thiếu nữ bên bờ suối, Vườn Xuân Trung Năm Bắc…

Dù được bao phủ những danh hiệu cao quí, Nguyễn Gia Trí vẫn sống một cuộc đời ẩn dật giữa chốn đô thành náo nhiệt. Qua đời ngày 20-6-1993, thọ 85 tuổi, ông để lại một giá trị di sản đang ở đỉnh cao của nền tạo hình Việt Nam. Nhà nghiên cứu Huỳnh Hữu Ủy đã viết về ông: “Ông là một nghệ sĩ có thực tài, lại giữ được phẩm chất đạo đức của một nghệ sĩ lớn, trước bao biến đổi thăng trầm của vận nước trong mấy chục năm qua.

(Theo QuehuongOnline)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.