Multimedia Đọc Báo in

Những cuộc gặp gỡ trong "Một cuộc gặp gỡ" (*)

21:38, 14/12/2013

1. Milan Kundera – nhà văn Tiệp Khắc mang quốc tịch Pháp – không phải là cái tên xa lạ với độc giả Việt Nam. Trước khi tập tiểu luận “Một cuộc gặp gỡ” đến tay bạn đọc qua bản dịch của Nguyên Ngọc, người đọc đã từng được tiếp xúc với một Kundera – nhà tiểu thuyết trong “Sự chậm rãi”, “Bản nguyên”, “Đời nhẹ khôn kham”…; một Kundera – người viết tiểu luận trong các tập “Nghệ thuật tiểu thuyết”, “Những di chúc bị phản bội”.

Vậy trong “Một cuộc gặp gỡ”, đâu là nét mới mà các trang văn của Kundera mang lại, nếu đặt trong thế đối sánh với hai tập tiểu luận trước, vốn được đón nhận nồng nhiệt ở Việt Nam?

2. Cái mới ấy, trước hết, nảy lên từ chính nhan đề cuốn sách: Một cuộc gặp gỡ. Ở đây, có thể xuất hiện nhiều câu hỏi: Đó là cuộc gặp gỡ nào? Với ai? Milan Kundera đã lý giải ngay trong những trang đầu tiên: đó là “cuộc gặp của các suy tư và kỷ niệm của tôi; các chủ đề lâu năm (hiện sinh và mỹ học) và các tình yêu lâu năm của tôi (Rabelais, Janacek, Felini, Malaparte…)”. Nghĩa là, trong một cuộc gặp gỡ đã bao hàm, thâu chứa rất nhiều cuộc gặp gỡ trên các bình diện của văn chương nghệ thuật và tư tưởng. Đó là hành trình của nhà văn, ngược về với những “suy tư và kỷ niệm” để nối một sợi dây giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.

Dẫu vẫn dựa vào những chủ đề quen thuộc, như những suy ngẫm về nghệ thuật, và đặc biệt, nghệ thuật tiểu thuyết; những chủ đề vĩnh cửu như: tiếng cười, cái chết, sự lãng quên, ký ức… nhưng ở các tiểu luận trong tập này, nét khác biệt là Milan Kundera đã hết sức chú trọng mối quan hệ liên ngành giữa các bộ môn nghệ thuật. Từ ý thức về sự nối kết đó, ông lần lượt đi vào những tác giả, tác phẩm cụ thể, dựng lên những bức chân dung nghệ thuật, những quan niệm, suy tư thấm đẫm chiều sâu triết lý.

Chẳng hạn, trong tiểu luận “Cử chỉ thô bạo của người họa sĩ: Về Francis Bacon”, sau khi so sánh Bacon với Picasso – hai họa sĩ tài danh, ông còn thực hiện những đối chiếu giữa Bacon và nhà viết kịch Samuel Beckett nhằm làm nổi rõ vị trí, vai trò của họ trong ngành nghệ thuật mà họ đang theo đuổi. Ông nhận ra mối tương liên giữa hai người nghệ sĩ tài năng đó: “Trong lịch sử nghệ thuật hiện đại, Bacon và Beckett không phải là những người mở đường; họ khép lại con đường ấy”. Hay lúc ông suy tư về tiểu thuyết như những cuộc thăm dò hiện sinh, trong ông sống lại hình ảnh của cái cười (Cái hài mà chẳng có hài), cái chết (Cái chết và sự sang trọng cầu kỳ), tình yêu (Tình yêu trong lịch sử tăng tốc)… với hàng loạt cái tên nằm cạnh nhau của những văn hào ở nhiều châu lục và ở nhiều thời đại.

Nghĩa là, cuộc gặp gỡ của ông là cuộc gặp gỡ trong tính đối thoại giữa các ngành nghệ thuật, các thế hệ nghệ sĩ, các nền văn hóa…Cho nên thật dễ hiểu khi tính chất tương thoại và liên ngành tràn ngập trong các trang viết. Có hẳn một bài phỏng vấn, trao đổi về Rabelais và nghệ thuật của ông: “Đối thoại về Rabelais và những người ghét nghệ thuật”.

Về mặt văn phong, các tiểu luận của Kundera cứ nhẹ nhàng, thủ thỉ như một cuộc trò chuyện giữa những người tri âm về các chủ đề yêu thích, nên giọng văn nhẹ bẫng, lắm lúc khôi hài. Tuy nhiên, không phải vì thế mà các tiểu luận ấy phai nhạt đi ý vị triết lý, chiều sâu suy nghiệm, đặc biệt là trong những luận bàn về các vấn đề bản thể của tư tưởng và nghệ thuật.

3. Và như thế, chúng ta có thể đọc “Một cuộc gặp gỡ” của Milan Kundera bằng hai cách. Cách thứ nhất, như tham gia cuộc chuyện trò với một người bạn am tường nghệ thuật, đang kể cho ta nghe những suy tư và xúc cảm của ông khi đối diện với những tác giả, tác phẩm cụ thể. Cách thứ hai, như một người khao khát kiếm tìm những nét đặc sắc trong tư tưởng và nghệ thuật của các nghệ sĩ nổi tiếng, và những vọng âm từ tác phẩm của họ đối với đời sống đương đại. Với cách này, ta sẽ tìm thấy ở Kundera một người bạn đường tin cậy, lịch lãm.

Sách đã mở, bây giờ là lúc cho bạn cùng với Kundera bước vào thế giới của “Một cuộc gặp gỡ”

Sự tăng tốc của Lịch sử đã làm thay đổi sâu sắc cuộc sống cá nhân vốn dĩ, trong những thế kỷ trước, từ buổi chào đời cho đến khi chết chỉ diễn ra trọn vẹn trong một thời kỳ lịch sử duy nhất; ngày nay, nó vắt qua hai, đôi khi nhiều thời kỳ lịch sử. Nếu ngày trước, Lịch sử tiến lên chậm hơn cuộc đời của con người, thì ngày nay nó tiến lên nhanh hơn, nó chạy, nó tuột khỏi con người, thành thử tính liên tục và bản sắc của một cuộc đời có nguy cơ tan vỡ. (Trích từ  tiểu luận Tình yêu trong lịch sử tăng tốc – trang 37)

(*) Nhân đọc Milan Kundera: Một cuộc gặp gỡ - Nguyên Ngọc dịch, Nhã Nam và Nhà xuất bản Văn học xuất bản, tháng 8-2013.

Lê Minh Kha


Ý kiến bạn đọc