Multimedia Đọc Báo in

Từ sông Krông Bông (Kỳ 20)

15:48, 13/12/2013

Ngày 19-12-1966, giặc bắt đầu đánh hủy diệt xã Khuê Ngọc Điền.

Ngày 14-10, đoàn công tác của tỉnh đến giúp xã ổn định cuộc sống đồng bào trong tình hình mới. Đoàn gồm mười hai người, xuất phát từ buôn Đắc Tua, nơi văn phòng Tỉnh ủy đóng quân. Trước khi đi, mỗi người được ban kinh tài tỉnh cấp cho một ruột nghé bắp xay.

Thông thường, đi từ trung tâm căn cứ kháng chiến Đắc Tua lúc bảy tám giờ sáng, có muộn lắm đến khi trời đứng bóng thì tới Khuê Ngọc Điền. Nhưng hôm nay, đến lúc mặt trời đã lặn, đoàn vẫn còn đứng ngồi tại buôn Tít, cách Khuê Ngọc Điền chưa đến hai cây số. Khuê Ngọc Điền ở trước mặt, máy bay địch oanh tạc dữ dội từ sáng đến giờ. Muốn tới Khuê Ngọc Điền, phải vượt qua cánh đồng Lò Lư rộng bát ngát, chỉ có lúa và cỏ lác trên sình lầy.

 Từ gốc cây cầy, tầm nhìn thấp xuống một chút, thấy bao quát cánh đồng Lò Lư. Hai chiếc trực thăng bay thấp như bò trên cỏ lác, xả những tràng đại liên xuống bất cứ đâu. Hà có ý nghĩ cho rằng mục tiêu bắn phá của chúng là từng gốc lúa, từng cây cỏ lác, từng bụi cây ngủ ngày đầy gai mà ở đây người ta gọi là cây mắc cỡ. Trước cảnh bắn phá, bom đạn như vậy sáu bảy giờ liền, ai có sợ sệt, hốt hoảng rồi cũng quen dần, đành uể oải chờ chúng hết cơn say giết chóc, để đi tiếp. Muốn hay không muốn, cũng đành vậy.

Khi trên chót ngọn cây cầy còn một chút nắng, hai chiếc AD6 đã ngừng oanh tạc, còn chiếc trực thăng nổ súng đến xẩm tối mới bay về Buôn Ma Thuột, chắc nó đáp xuống sân bay Hòa Bình.

Mọi người xốc ba lô lên lưng, chuẩn bị lên đường. Hà đứng gần anh đoàn trưởng, chắc tuổi ngoài bốn mươi. Nét mặt anh ta có vẻ đăm chiêu, hình như đang lắng nghe tiếng trực thăng mỗi lúc một nhỏ dần. Chợt anh ngửng mặt lên, nói với mọi người:

- Thằng cha trực thăng lủi đi rồi. Thưa các đồng chí, bây chừ mình lên đường. Cánh đồng Lò Lư rộng lắm. Đường mình băng qua đó, đâu chừng nửa cây số. Cách ni vài ngày, dưới xã cho biết, tụi trực thăng với L.19 bắn phá suốt buổi chiều, còn ban đêm thì thằng C.130 bắn dai như ngựa đái. Vì vậy, mình phải khẩn trương vượt qua cánh đồng, không ai được chủ quan. Tôi cũng bị thằng L.19 rượt mấy lần, chạy đứt hơi ở đoạn đường ni. Thôi, mình lên đường. Chiều ni huyện ủy họp, chờ đoàn mình xuống để làm việc. Đoàn xuống không kịp, thì tối nay mình gặp chi ủy xã cũng được. Với lại, chắc anh Ma Ring Tỉnh ủy với anh Ma Thanh Bí thư huyện còn nằm ở xã, mình đến nơi, răng cũng gặp. Anh Ma Thanh còn nợ tôi tô mì Quảng, bây chừ đạn bom như ri, không biết có đòi được nợ không? Dân cái xứ ni lạ thiệt, chẳng lẽ người ta coi mì Quảng là món ngon độc nhất trên đời...

Đi chừng năm chục mét, giáp cánh đồng Lò Lư mờ mờ trong tối. Chợt nghe tiếng đạn pháo bay rồi tiếng nổ đùng giữa cánh đồng. Rồi liền đó, lại một quả đạn nữa. Pháo 105.

Đoàn người dừng lại. Người trưởng đoàn kêu lên: “Sao vậy hè?”. Ngừng một lát, anh tiếp: “Các đồng chí dừng lại, để xem bọn hắn mần cái chi”.

Pháo chuyển tầm, bắn rải rác vô dinh điền, vô chân đồi, rồi lại bắn ra phía cánh đồng.

Anh đoàn trưởng nói đặc sệt giọng người Nghệ An:

- Túi ni chắc bọn hắn dùng pháo cân vô, thay bọn C130. Hắn bắn cầm canh kiểu ni thì không biết lúc mô hắn bắn, lúc mô hắn nghỉ. Cũng không biết hắn bắn chỗ mô trước, chỗ mô sau. Mình nỏ biết mô mà chờ. Cứ vượt ào qua cánh đồng. Khi nghe tiếng pháo, xin nằm xuống ngay tại chỗ. Hắn ngưng bắn mình chạy tiếp. Tôi ngại nhất cái lối câu pháo vu vơ, có khi cứt chim lọt miệng mũi. Ngưng một lát, anh nói tiếp - Rứa nên mấy cha bên Tỉnh đội cứ bảo quân bầy tui nỏ ngại xông đồn, chỉ ớn một nỗi là khi đánh dứt điểm rồi, mình rút lui, bọn hắn câu pháo đấm lưng mình. Ừ thì mấy thằng trại pháo binh Phù Đổng được bọn Mỹ dạy kỹ lắm, ngu gì mà hắn không phán đoán được cái hướng rút quân của anh em mình. Hắn cứ mổ liền, đây một quả, kia một quả, ngó cứ tưởng vu vơ, vậy mà anh em mình chết không ít đâu nghe. Thôi, các đồng chí mình nhanh chân lên một chút. Cái bụng tui lại réo lên rồi.

Khi trời tối hẳn, đoàn mới vượt qua con đường đất dài chưa đến nửa cây số, sau khi chờ đợi hơn bảy tiếng đồng hồ. Pháo cầm canh chuyên tầm trở lại trên cánh đồng Lò Lư. Có anh phán đoán chắc hai trái pháo bắn liên tiếp vừa rồi có thể tới chỗ cây cầy buôn Tít. Nhưng rồi cái chuyện pháo bắn đây đó, vào lúc này không mấy ai để ý đến nữa. Đoàn đã đặt chân lên cái thôn đầu tiên của xã Khuê Ngọc Điền. Trời tối, tuy chỉ quất đèn pin loang loáng dọc hai bên đường đi, ai cũng biết làng xóm bị tàn phá nặng nề.

(Xem tiếp trang 9)

Không nghe tiếng người, tiếng chó, tiếng gà. Không thấy đâu le lói ánh đèn dầu. Cây cối trong vườn hầu hết là mít, lâu lâu mới thấy bơ và vú sữa. Nhà đều lợp tôn, vách ván, ẩn dưới vườn cây. Bom dội xuống, làm biến dạng tất cả. Không còn một vườn cây, một ngôi nhà nào nguyên vẹn. Nhà bị hất tung, chỉ còn trơ nền. Nhiều gốc cây chổng cao lên phía trên mặt đất. Lớp lớp hố bom đìa. Tháp chuông nhà thờ gẫy gập xuống, cái chuông to nằm dưới hố bom bên sân nhà. Đủ thứ mùi khó chịu. Mùi khét của thuốc bom. Mùi tanh của xác thịt gia súc thối rữa. Mùi gỗ cây và bao thứ đồ dùng trong nhà bị thiêu đốt. Nhiều nhà cháy không biết tự lúc nào, lửa cây gỗ còn đỏ hừng hực. Tuy không thấy hết nhưng ai cũng biết còn rất nhiều đám khói.

Mặt đường cái chính có tới hai ba hố bom liên tiếp, sâu thẳm, đỏ au. Rẽ bên trái hố bom, sát chân núi. Trở lại mặt đường, đến một chỗ đất bằng có lưa thưa mấy cái lều chợ. Một cậu trẻ tuổi đi bên Hà nói giọng tâm đắc:

- Ở chợ này có con Huyền bán hàng xén, đẹp nhất thiên hạ.

Anh trưởng đoàn nghe được, càm ràm:

- Lúc đạn bom, chết chóc như ri mà còn nói cái chuyện con ni đẹp, con kia xấu. Tào lao hết mức.

Cậu thanh niên hỏi lại ngay:

- Vậy thì đến lúc nào nói chuyện đó, chú Năm?

Anh Trưởng đoàn không trả lời, cứ lẳng lặng đi. Cô gái tên Hồng Thắm đi phía sau Hà bỗng bước lên ngang bước với anh. Đây là cô gái trẻ nhất đoàn, nghe nói khoảng hai mươi hai tuổi, là người đã nói lúc chiều cái câu “mình về với Khuê Ngọc Điền là về với bà con, có phải xông vô đồn đâu mà sợ”.

Hồng Thắm quay sang phía Hà, giọng nói có phần vui, ủng hộ ý kiến cậu thanh niên:

- Phải đó anh Hà. Cái con Huyền bán hàng xén xinh lắm. Không biết bom đạn như ri, bây giờ hắn ở đâu. Nếu mai mốt gặp, em làm mai hắn cho anh.

Hà hoàn toàn bất ngờ bởi câu chuyện đó giữa khung cảnh này. Anh chưa biết nói như thế nào, chỉ hỏi cô gái:

- Cô biết cô Huyền đó sao?

Hồng Thắm bỗng sôi nổi:

- Dạ, em biết hắn chớ. Hắn là bạn em mà.

- Vậy cô cũng ở Khuê Ngọc Điền sao?

- Dạ, em ở đây - Một lát, Hồng Thắm vừa rọi đèn pin để đi, vừa kể - Thì như tại cuộc họp đoàn đầu tiên tại Đắc Tua, tỉnh đã cho mấy anh biết rồi. Khuê Ngọc Điền hầu hết là dân Quảng Nam, Đà Nẵng. Ngô Đình Diệm bốc dân kháng chiến chín năm cứng đầu cứng cổ ở dưới, đem lên đây lập ấp chiến lược tận năm một ngàn chín trăm năm mươi bảy. Lúc đó em mới mười ba tuổi.

Chuyện của Hồng Thắm khiến Hà chú ý:

- Vậy chắc cô biết nhiều chuyện ở đây. Hay quá. Lúc nào tôi sẽ hỏi cô...

Đến bờ sông. Cái cầu sắt không biết gãy từ lúc nào, nửa cầu phía bên kia gục xuống lòng sông. Hai quả pháo nổ liên tiếp cắt đứt câu chuyện giữa Hà và Hồng Thắm. Quả pháo nổ dưới sông làm tóe nước lên đầu cầu bên này, nơi mọi người vừa đến. Còn quả nổ phía sau lưng, hất đất bay lên rồi rơi xuống ào ào trên vành mũ.

Một lúc sau, anh đoàn trưởng nói:

- Thôi, các đồng chí qua sông. Mình đến thẳng nhà bí thư chi bộ Lưu Cảnh.

Qua sông, nước tới lưng quần. Sông cát, nước trong. Dân sang ở hết bên này sông, vô tận chân núi. Thỉnh thoảng gặp vài người đi ngược chiều. Đến chín giờ, không hiểu vì sao, có chiếc C130 bay lượn một vòng, thả một dây pháo sáng rồi đi thẳng. Thấy cảnh vật rõ hơn. Cô Hồng Thắm đi bên Hà, nói chuyện tự nhiên như xung quanh chẳng có đạn bom giặc dã gì cả. Qua đó, Hà hình dung vắn tắt tình hình xã Khuê Ngọc Điền.

Hà không giấu sự ngạc nhiên, hỏi:

- Cô nắm chắc tình hình xã ghê quá.

Hồng Thắm cười tinh nghịch:

- Không, em không nắm chắc đâu. Em chỉ thuộc lòng tình hình cái xã này. Ngừng một lát, Hồng Thắm tiếp - Hồi mới mười ba mười bốn tuổi, em và một con bạn nữa đã theo ông Ngô Phúc, ông Trần Kiểm để gặp cán bộ cách mạng trên núi sau lưng xã. Dạ phải, hai ông đó là những người đầu tiên trong xã liên lạc với cách mạng. Rồi sang năm sáu mươi hai, trời ơi, em nhớ như in mà, tối ngày mười bốn tháng sáu, tụi em dẫn lực lượng tỉnh về, tập kích đại đội bảo an ở đồi 81. Bọn chúng đứa chết, đứa mang đầu máu chạy về Phước An. Mình làm chủ xã hai ba ngày. Cuối năm, tụi em nhót theo mấy anh bộ đội luôn. Mới đầu, ở lực lượng huyện. Sau lên tỉnh đội, công tác ở ban tác chiến. Dạ, anh chưa biết đó thôi, ở Tỉnh đội có chị Biện oai lắm, quân sự thua gì mấy anh con trai. Lần này, các chú bảo em xuống xã giúp đội du kích tổ chức lại hệ thống bố phòng.

Đoàn dừng lại trên một sân đất rộng chừng hai chục mét vuông. Bên cạnh là tro tàn của một ăn nhà cháy không còn đến một mẫu cây, đầu gỗ. Chờ bí thư xã Lưu Cảnh, bởi đây là đầu mối cần gặp trước tiên. Hà đứng quay mặt ra phía bờ sông gió mát, sát chân một bụi tre lớn để phòng pháo bắn bất ngờ. Trong đầu, anh hình dung một cách mơ hồ theo trí tưởng tượng của anh về tình hình xã mà Hồng Thắm đã kể.

Xã được thành lập từ năm một nghìn chín trăm năm mươi bảy. Đến năm năm mươi chín có 250 hộ, với 3.500 khẩu. Xã là một ấp chiến lược khổng lồ, dân vô ra làm ăn đều theo giờ giấc. Xung quanh ấp được trồng tre bao bọc, có giao thông hào, dây thép và chông tre. Có đồn của một đại đội bảo an - Trung đội nghĩa quân được trang bị đầy đủ vũ khí, gồm AR15 và cácbin. Ngoài ấp trưởng, ấp phó, địch còn cắm một tên túc trực theo dõi tình hình với chức danh là địa điểm trưởng, tên Lê Mỹ. Người ta cũng phát hiện được một cán bộ xã phản bội, tên Nguyễn Cảnh.

Chỉ trong một đêm ngày 15-2-1965, giải phóng một loạt ba dinh điền Thăng Quý, Vụ Bổn, Quảng Cư. Sau đó hai ngày, giải phóng luôn Phước Trạch, Lễ Giáo, Khuê Ngọc Điền. Từ đây, các dinh điền thành vùng đất bất hợp pháp, địch đánh phá liên miên bằng nhiều cách. Chết chóc, đói rét, bệnh tật. Dân chạy vào vùng địch, như ở Khuê Ngọc Điền, có đến hơn một nửa. Mấy ngày đầu chiến dịch đánh hủy diệt, trong bốn cửa ra vào Khuê Ngọc Điền, địch oanh tạc ráo riết ba cửa, chỉ chừa một cửa phía đông để ai đi chiêu hồi thì tập trung ra đó, có xe đón. Trên trời, máy bay lải nhải phóng thanh kêu gọi chiêu hồi, “các cán binh Việt cộng hãy về với chính nghĩa quốc gia”. Gần sẩm tối chúng còn phát tiếng trẻ con khóc, kêu cha kêu mẹ ới hỡi. Sáng hôm sau, L.19 rải truyền đơn xuống khắp nơi, trên cánh đồng Lò Lư sình lầy, trên dinh điền đã bị bom đạn cày xới nát, trên chân núi là nơi đồng bào mới dìu dắt nhau vào đó lánh nạn. Tờ truyền đơn màu vàng, rộng bằng bàn tay, in rõ nội dung ngắn gọn: “Hỡi đồng bào, Hỡi các bạn cán binh Việt cộng. Giờ phút tận thế của ấp Khuê Ngọc Điền đã điểm. Đồng bào và các bạn hãy về với chính nghĩa quốc gia để tìm con đường sống. Ở lại với cộng sản là chết. Đồng minh Huê Kỳ và chính phủ quốc gia luôn rộng vòng tay cưu mang, sẵn sàng nghinh đón. Không nấn ná, chần chừ để khỏi chứng kiến nhỡn tiền ấp Khuê Ngọc Điền biến thành lãnh địa của tử thần”(!).

(Còn nữa)

Trích tiểu thuyết của Trúc Hoài


Ý kiến bạn đọc