Từ sông Krông Bông (Kỳ 28)
Trên đường trở về, Hồng Thắm rủ Hà cùng cô ghé thăm cô bạn gái. Giọng Hồng Thắm rất vui:
- Chắc đến hai năm tụi em không gặp nhau. Em hỏi mãi mấy ngày rày, mới biết nó ở thôn bốn. Nó tên Lại, bằng tuổi em, mới lấy chồng được vài tháng. Nó hiền lành nhất xã ni đó. Để em xem mặt thằng chồng nó là anh mô. Anh mô thì anh, nếu ăn hiếp con Lại thì em không để yên đâu.
Hà cười:
- Cô này mới ghê. Chưa biết mặt chồng người ta vuông hay tròn mà đã hăm he.
Đi quanh quẹo trong thôn bốn, hỏi đường ba bốn lần, cuối cùng Hồng Thắm cũng tìm được nhà bạn. Cũng gọi là nhà như nhiều gia đình khác, nhà bạn Hồng Thắm chỉ có bốn cây cột và hai mái bằng tranh, chật hẹp cho hai người tá túc. Cái khác của nhà này là nó được ngăn đôi. Phía trước bỏ trống, hai bên và phía sau che bằng tranh. Cái ngăn giữa nhà cũng bằng hai tấm tranh, như vậy phía sau hai tấm tranh là một cái buồng. Gian trước có một cái giường vừa một người nằm, lạt tre buộc chặt vụng về.
Đứng ở gian trước, Hồng Thắm lên tiếng:
- Lại ơi, mi ở đâu?
- Ơ, ai như con Thắm rứa hè? Tao đây. Tiếng trong buồng vọng ra.
- Mi bịnh cái chi mà rúc trong nớ? Thắm hỏi.
- Tao... Ờ, tao bịnh. Giọng người trong buồng bị đứt quãng.
Hồng Thắm bước thẳng vô trong. Hà ngồi ở giường tre gian ngoài.
Trước mặt Hồng Thắm là cô bạn gái ngồi trên giường tre, tấm dù hoa phủ từ chân lên tới bụng - Hai người hỏi han rối rít. Hồng Thắm ngồi xuống, ôm bạn.
- Chớ mi đau ra răng?
- Thì tao có đau ốm chi đâu?
- Thế răng mi rúc đầu trong ni?
- Ờ, thì tao...
Hồi lâu, cô bạn kéo tấm dù để hở chân và nói:
- Tao không có...
Hồng Thắm ngỡ ngàng nhấc cao tấm dù hoa. Và cô biết... Cô nghĩ trong bụng “Nó không có quần mặc”. Đậy tấm dù lại, mặt Hồng Thắm chợt buồn hẳn. Trong đầu cô hiện lên mồn một... Con Lại mặc một chiếc quần đùi được may bằng bao cát, một thứ bao đựng đất cát làm công sự của tụi lính Mỹ Ngụy. Và câu chuyện của hai người bạn gái trở nên buồn lặng xuống. Họ nói với nhau rất nhỏ, chỉ cách một bức vách ngăn bằng tấm tranh mà Hà cũng không nghe rõ.
Hồng Thắm bước ra, nét mặt rất vui, nói với Hà:
- Con Lại bị bịnh, không ra chào anh được. Anh ngã lưng xuống ngủ một giấc, để em nói chuyện với nó một đỗi. Tới hai ba năm tụi em mới gặp nhau mà. Đến đây, Hồng Thắm bỗng hất mặt, nháy mắt một cái, cô nói - Anh có chuyện mà giấu em, chút nữa em nói.
Xong câu nói, Hồng Thắm vô buồng ngay. Hà tự hỏi: “Không biết cô ấy định nói chuyện gì?”.
Hồng Thắm ngồi nghe bạn kể chuyện, các cảm xúc buồn thương lẫn lộn. Cô có cảm giác nước cứ dân dấn phía trong đôi mắt, nó có thể trào ra bất cứ lúc nào.
Lại lấy chồng lúc hăm hai tuổi. Bên phía nhà chồng làm cho cái nhà để cặp vợ chồng mới ở riêng, ngay bên bờ sông. Một hôm, lúc trời sắp lặn, Lại xuống sông tắm. Đúng lúc ấy, pháo từ Phước An câu vô dinh điền và rải rác đó đây. Khi pháo chuyển tầm bắn đến gần, Lại bơi ém mình vô chân bụi tre bên sông để nấp. Rồi một tiếng nổ đinh tai trên bờ. Một quả pháo rớt ngay tim nóc nhà vợ chồng Lại. Khi đã yên ắng, Lại lóp ngóp lên bờ. May quá, chiếc áo bà ba bị hất tấp vô bụi tre, còn cái quần thì không sao tìm thấy. Trước lúc xuống sông, Lại để quần áo trên cây dủ dẻ thấp ngang gối, bây giờ, cây dủ dẻ không biết tan xác ở đâu. Cái nhà tanh bành như xác pháo. Đạn khoét một lỗ to bằng cái nong ngay giữa nền nhà. Cái hòm gỗ đựng quần áo của vợ chồng Lại bị hất xuống sông và nước cuốn trôi, chứ nếu nó còn ở trên bờ thì ít nhiều cũng để lại dấu tích vải bô, kim chỉ vung vãi đâu đây. Vậy là Lại không có quần để mặc. Cô gỡ chiếc chiếu rách tấp trên bụi tre, cuốn lại che thân, đứng vào chỗ khuất để chờ chồng.
Anh chồng thả giàn câu trên bàu Tró, nghe hướng có pháo nổ, chắc lo lắng lắm, nên khi pháo vừa dứt, anh đã chạy về tới nhà. Anh kinh hoàng, đứng như trời trồng bên cái xác nhà, xâu cá xách ở tay không biết rơi ở đâu. Anh vuốt tóc vợ, nén không để bật tiếng khóc. Anh nói: “Em cứ ở nhà, chịu khó đợi anh”. Anh ra đi, không nói cho vợ biết là đi đâu. Trên tay anh cầm con dao găm, chiếc đèn pin có dây mang sau lưng giống như bao người. Chắc đến tám chín giờ tối anh mới về. Thì ra, anh đã đi một mạch lên đồi Chùa. Ở đấy có lần bọn Mỹ đặt trận địa pháo, bỏ lại rất nhiều bao đựng đất cát, dùng để làm công sự. Cái bao là những sợi ni lông bản dẹt, màu xanh, rất chắc chắn. Anh đổ đất, cát ra, lấy về chừng mười cái bao. Rồi xin chỉ, xin kim của ai đó đem về. Không có kéo, anh mài con dao găm thật bén. Vợ chồng chặt nhánh cây che chắn, nhóm lửa lên để cắt may. Từ bữa đó, Lại mặc quần bao cát. Khi có người lạ, cô lập tức vô buồng đắp dù hoa lại, kêu đau bụng, đau đầu.
Nghe Lại kể, Hồng Thắm không khóc nhưng mặt cô đẫm nước mắt. Cô mở ba lô, lẳng lặng lấy bộ bà ba màu xám tro đã cũ, đặt vào tay Lại. Lại chỉ biết nhìn Hồng Thắm bằng đôi mắt rưng rưng.
Lại ra phía sau nhà rửa mặt, sửa sang lại đầu tóc, rồi bước vô chào Hà, ra vẻ rất tươi tỉnh.
Trên đường về, Hà hỏi:
- Cái cô này có bộ quần áo giống hệt như của Thắm mặc hôm nọ. Chắc hai người thân nhau lắm, may quần áo cùng kiểu, cùng màu.
Thắm hỏi lại:
- Rứa anh có muốn nghe chuyện không?
- Ừ, có chuyện gì hay thì cứ kể. Hà đáp.
Hồng Thắm kể lại mọi chuyện của Lại, rồi nói thêm:
- Em có ba bộ quần áo. Bộ Tô Châu ngon lành nhất, mặc lúc cần. Một bộ bà ba đen. Một bộ bà ba xám. Tình cảnh con Lại như rứa, em chi viện cho nó bộ màu xám, để có cái nó ra mắt chào anh - Đi một đỗi, cô nói tiếp - Ở Khuê Điền, dân không nghèo lắm đâu. Đất tốt nên ai cũng đủ ăn. Chỉ tại năm nay bom đạn mịt mù, bao nhiêu bất trắc, rủi ro ập đến. Con Lại mồ côi, ở với ông bác. Chồng nó có ăn có để. Bom đạn xuống, cha mẹ chồng dắt mấy đứa nhỏ đi vô khu đồn, nói là đi để kiếm con đường sống cho lũ nó. Rứa là vợ chồng con Lại không có chỗ dựa, không biết xin đâu một chiếc quần. Ừ, thì quá bất ngờ, chưa xoay xở kịp thôi. Nay mai bà con xóm giềng sẽ giúp nhau mà. Em biết dân cái xứ ni như rứa xưa nay.
Gặp một người đi ngược chiều. Anh ta trạc tuổi ba mươi, cao lêu đêu, gầy nhom, mặt nhỏ thó, cái miệng lại rất rộng. Anh lên tiếng chào Hà và Hồng Thắm trước:
- Tui chào anh chị cán bộ tỉnh. Không chờ hai người đáp lại, anh ta nói luôn - Anh Hà, tui có chuyện ni... Anh theo tui.
Hồng Thắm ái ngại:
- Mặt trời sụp xuống núi rồi mà còn đi đâu nữa anh Bảy?
Anh Bảy lắc đầu, dắt tay Hà luôn:
- Tối đâu mà tối. Thời chiến thì ban đêm cũng như ban ngày. Cứ theo tui một đỗi, tui có chuyện ni với anh Hà, đừng hẹn nay mai nữa.
Hà chỉ mới biết anh Bảy là du kích xã, đã gặp anh một lần tại nhà anh Mẹo. Bây giờ, anh Bảy dẫn hai người rẽ qua con đường mòn đổ xuống sông, đi giữa đám lau lách cao ngập đầu.
Hồng Thắm hỏi rất vui:
- Anh Bảy, em nghe người ta nói anh dỡ nhà bán cho dân Kim Châu. Rồi bị người ta dụ vô sòng bạc, anh thua cháy túi, tiền bán nhà không đủ, phải về lấy trộm tiền của vợ, có đúng rứa không?
Anh Bảy bước đi rất nhanh, bởi đôi chân anh dài quá khổ. Nghe Hồng Thắm hỏi, anh cười rồi nói úp mở:
- Ừ, thì rồi sẽ biết.
Trước đây, nhà anh Bảy ở bên này sông, nên đi chừng mười lăm phút thì tới nơi. Trước mắt Hà, một cái nền hình chữ nhật, rộng chắc hơn bốn chục thước vuông, một mớ tre gỗ vụn, năm ba tấm tranh rách nát, không cây cột nào. Mặt nước ao bên nhà rộng gấp ba bốn nền nhà. Phía bên kia bờ ao, cây vú sữa cao to như cổ thụ, cành lá xum xuê.
Hóa ra, chuyện anh Bảy dở nhà bán, chỉ nghe đồn vậy thôi. Anh Bảy kể lại, nghe cuốn hút, thật vui.
Hai tháng trước, dinh điền bị địch hủy diệt, nhà cửa bị bom đạn phá tanh bành hoặc cháy trụi. Cái nào còn lại, bọn lính hành quân vô, lần lượt đốt hết. Từ trung tâm dinh điền, muốn đến nhà anh Bảy phải qua sông. Anh Bảy biết chắc trước sau, khu vực nhà anh cũng bị bom. Còn bọn lính cộng hòa, bảo an, nó nể chi anh mà không châm lửa đốt nhà. Ui chao, cái nhà ra tro thì tiếc đứt ruột. Anh cam đoan, ở xã ni, chỉ mỗi mình anh có cái nhà, từ kèo cột, rui mè, cửa lớn, cửa nhỏ đều làm bằng gỗ hương, gỗ cà chít. Đứng bên ni sông, nhìn về dinh điền ngùn ngụt khói lửa, trong đầu anh nảy ra một ý định không giống ai. Ba cha con anh xúm dỡ nhà, chất gỗ lên xe ba gác, nói là bán cho dân Kim Châu. Bà con xung quanh có người coi lão Bảy mát thần kinh. Thật ra, lúc sẩm tối, thấy cha con anh Bảy đẩy xe gỗ ra khỏi nhà. Nhưng khi trời tối hẳn, lựa lúc vắng người, họ đẩy xe trở lại. Bao nhiêu gỗ của cái nhà, anh tuồn hết xuống đáy ao. Cả nồi đồng, chậu nhôm, chén đĩa đều được bỏ vô những cái giỏ đan bằng dây kẽm, cùng ẩn mình dưới nước. Ba cha con chịu khó lội sông giữa đêm hôm để vớt mấy gánh bèo lục bình, thả xuống mặt ao. Để mặt ao kín đáo, anh Bảy bỏ ra một ngày, không biết lặn lội ở đâu, mang về một bao bèo cám. Bèo phủ kín mặt ao. Sau đó anh Bảy tung tin bị cháy túi ở sòng bạc. Tiền bán nhà không trả đủ, phải về lấy trộm tiền của vợ lúc nửa đêm... Bà con lối xóm ai cũng đinh ninh chuyện bán nhà của anh Bảy như rứa.
Khi ba người đứng trên mép bờ ao, Hà và Hồng Thắm ngạc nhiên đến sững sờ khi nghe anh Bảy kể. Còn anh Bảy thì say sưa nói tiếp:
- Anh Hà có biết không, mấy thứ gỗ nớ càng ngâm lâu dưới nước thì càng chắc, đến chín mười năm cũng không thấy mục gì ráo. Mình có mất gì đâu. Tui gửi dưới đó cho vua thủy tề cất giùm. Khi mô ngó tình hình êm xuôi, xin gỗ về dựng nhà trở lại, khỏe re. Rứa được chứ anh?
Hà cười:
- Tui xin bái phục ông Gia Cát Lượng Khuê Điền.
(Còn nữa)
Trích tiểu thuyết của Trúc Hoài
Ý kiến bạn đọc