Từ sông Krông Bông (Kỳ 29)
Mọi người lên đường, luồn qua bãi lau lách, lội xuống sông, nước ngập tới cổ. Thằng Thắng bơi ngược lên, mấy bà lớn tuổi nắm tay nhau, dò dẫm từng bước. Lên tới bờ, thằng Thắng nói với anh Mẹo là một mình nó cũng dò được mìn, anh Mẹo khỏi phải hướng dẫn nó. Thế là hai anh em chia nhau, mỗi người dò mìn một nơi. Nó nói có làm như vậy, bà con mới kịp nhổ mì xong trước khi tối trời. May mà số vườn rẫy của bà con tốp này đều ở gần nhau. Chỉ ngại chuyện bom mìn, chớ còn việc nhổ mỗi người một gùi, một gánh mì thì không có gì khó khăn. Hổm rày không mưa nhưng đất vẫn còn mềm xốp, với gốc mì nào sai củ thì chỉ cần xới sơ sơ quanh gốc rồi nhổ lên. Anh Mẹo dặn hai cậu thanh niên mang hai khẩu CKC phải dạo cảnh giới kỹ càng, đề phòng bọn bảo an lẻn vô tập kích, bởi đã có lần bà con đổ máu trên gốc mì rồi. Bao mì của hai cậu, bà con xúm lại nhổ sau cùng, một loáng là xong. Anh Mẹo hẹn bà con trở lại bờ sông lúc trời sẩm tối.
Hà gánh hai bó mì được bó bằng dây chuối khô. Anh Mẹo chỉ cho Hà nhổ vạt mì để giúp bà già hàng xóm, còn Hồng Thắm thì nhổ giúp cho một chị sắp sinh. Lúc về, bà con có vẻ đi nhanh hơn mặc dù đang vác nặng, bởi không còn phải lò dò từng bước như lúc mới vào trận địa, đã có người nói như vậy - Tự dưng Hồng Thắm rủ Hà đi sau cùng, cô muốn nói với anh điều gì đó. Và bất chợt một tiếng nổ lớn dưới chân Hà, hất anh ngã ngửa, gánh mì văng xuống phía thấp chân đồi. Mọi người bàng hoàng. Anh Mẹo đi trước, la lên “Chết rồi!”. Mọi người xúm lại chỗ Hà. Anh chống tay ngồi dậy được. May quá, chân không sao. Ống tay áo bên trái anh rách toạc, máu chảy, cánh tay bị thương.
Hồng Thắm ngồi sụp xuống, cầm cánh tay Hà. Cô mếu máo:
- Ơ, ơ... may quá là may, chỉ bị phần mềm.
Liền đó, cô y tá băng bó cho Hà, chỉ có thuốc đỏ, hai miếng gạc ngắn nối nhau, cuộn băng đã ngả màu vàng ố. Dùng băng quàng qua cổ để treo cánh tay lên.
Anh Mẹo chạy quay lại, có phần hốt hoảng:
- Lạy Chúa, anh Hà bị hả? Vết thương có sâu không? Đau lắm không anh?
Cô y tá ngước mặt lên, trả lời:
- Không biết thứ gì xẻ chéo bắp tay, không sâu lắm.
- Chắc không sao đâu, coi như bị rách thịt, ít bữa sẽ khỏi. Hà nói.
Anh Mẹo nhìn xuống đất, nơi Hà đang đứng. Hồi lâu, anh nói:
- Nhờ Chúa nhân từ che chở, anh thật may mắn. Phải cảm ơn mớ xà bần của cái nhà đổ. Bọn hắn chôn mìn Jíp dưới đường mòn. Nhờ có lớp xà bần lấp mặt trên, nó hứng đòn cho anh. Thứ mìn Jíp ni chỉ sát thương nhẹ. Ai dẫm lên thì cầm chắc cụt một bàn chân. Bà con đi qua, chỉ có anh rủi dẫm phải nó, nhưng anh lại gặp may.
Hồng Thắm dặn Hà:
- Chút nữa qua sông, anh nhớ giơ tay lên cao để khỏi ướt.
Anh Mẹo hỏi Hà:
- Anh có kham nổi gánh mì không? Thôi, anh đưa đây, tui quảy cho. Cái bao mì của tui không nặng lắm.
Hà trả lời:
- Không, không, tôi gánh được. Vết thương chỉ đau tê tê thôi mà.
Mọi người im lặng bước. Không ngờ đến phút chót lại có người bị thương. Qua sông, lên tới bờ tre dọc sông, tối không nhìn rõ mặt người. Đứng chờ người cuối cùng qua sông. Quần áo ướt, nước chảy ròng ròng. Thấm lạnh. Có người để bao mì xuống đất rồi ngồi lên đó. Có người thấp thỏm muốn đi luôn.
Tre chạy dọc bờ sông, có chỗ tre ăn sâu vào hướng chân núi, tạo nên bãi tre khá rộng, có lác um tùm.
Đứng trước mặt Hà một lúc lâu, giọng Hồng Thắm như trĩu xuống:
- Vết thương của anh không nặng lắm nhưng anh nhớ không để nhiễm trùng. Dù sao, như anh Mẹo nói trúng đấy, mớ xà bần gạch vữa đã che sức công phá của trái mìn nổ dưới chân anh. Đã rất nhiều người đạp mìn Jíp, đều cụt một bàn chân - Thứ mìn đó có cần chôn sâu gì đâu, chỉ cần nhét dưới lá khô là đã giết người ta rồi. Đầu óc thằng Mỹ nghĩ ra lắm thứ giết người quá.
Đến đây, Hồng Thắm bỗng cầm cổ tay Hà lên. Cô nói ngập ngừng:
- Anh ơi, ngày mai em phải xa anh rồi.
- Ơ, sao lại có chuyện thế? Hà ngạc nhiên hỏi lại.
- Xã yêu cầu, đoàn công tác nhất trí, điều em sang thôn năm một thời gian để giúp bên đó triển khai phương án bố phòng. Hồng Thắm bỗng bóp nhẹ bàn tay Hà, rồi cô hôn nhẹ lên mu bàn tay của anh - Giọng cô rưng rưng - Em tặng anh cái ni.
Hồng Thắm bỏ món quà vô tay Hà. Trời tối, anh không nhìn rõ được đó là cái gì. Hồng Thắm nói tiếp:
- Một hộp cao sao vàng.
Hà xúc động, nhưng anh kêu lên:
- Ồ, tôi có dầu mà. Hồng Thắm để đó dùng.
Hồng Thắm chợt cười:
- Không sao, anh không có thứ dầu nớ đâu. Dầu đặc biệt mà.
Hà cảm ơn và anh nóng lòng muốn biết thứ dầu lạ đó, nhưng Hồng Thắm chỉ nói thêm: “Rồi anh sẽ biết”.
Vừa lúc đó, bà con dồn lên, vội vã đi về. Bóng người thấp thoáng mù mờ dưới hàng tre.
Khi đỡ gánh mì lên vai Hà, Hồng Thắm nói:
- May anh chỉ bị phần mềm. Nếu trúng xương thì không tài nào gánh được. Em qua bên đó, lúc nào họp đoàn, anh nhớ không được vắng mặt - Sờ đòn gánh đã nằm kỹ trên vai Hà, cô nói tiếp - Lúc nào em cũng nhớ anh. Anh có nhớ em hay không, em không biết.
Hà xúc động, nghẹn ngào:
- Sao em nói như vậy. Lúc nào anh cũng quí em, lúc nào anh cũng nhớ em.
... Hồng Thắm cúi xuống bao mì. Cô vừa xốc bao mì lên lưng vừa nói với theo Hà :
- Anh đi trước. Em theo ngay đó mà.
Người sau cùng đã vượt lên, không rõ mặt mũi vì trời tối - Hồng Thắm thấy tức bụng dưới. Cô rẽ vào đám cỏ ...
- Thắm, lúc mô mi gặp trưởng đoàn, liên hệ cách chi để xin đạn dược. Súng du kích xã, cây nào cũng chỉ còn vài ba viên đạn. Rồi đây chắc chắn mang súng để làm cảnh...
Hà lên tiếng :
- Anh Mẹo ơi, con Thắm nó còn ở sau.
Đến lúc ấy, anh Mẹo mới biết Thắm còn tụt phía sau. Anh quay mặt lại phía Hà :
- Chắc nó đi tiểu, đi đái, chớ làm gì. Đợi nó một đỗi. Tối như ri, đàn bà con gái mà không biết sợ.
Hà cũng đứng lại với anh Mẹo. Chờ thêm một đỗi nữa, anh Mẹo nóng lòng rọi đèn pin dọc con đường mòn vừa đi qua. Đã thành thói quen như nhiều người, hễ ra khỏi nhà, ban ngày hay ban đêm, anh Mẹo đều bỏ đèn pin và chiếc võng vô cái túi nhỏ, mang sau lưng. Còn cái mũ tai bèo màu đen cũ kỹ, nó chỉ mở ra khỏi đầu khi anh nằm ngủ.
Hai người nóng lòng đi ngược lại, vừa quanh quất nhìn theo ánh đèn pin, vừa gọi nhỏ “ Thắm ơi, Thắm ơi!”. Trở lại tới bãi tre mọi người vừa tụ tập, rồi đi thêm một đoạn dọc bờ sông - Không thấy Hồng Thắm đâu cả. Cũng không nghe cô lên tiếng. Cả anh Mẹo và Hà đều hoảng hốt. Họ không thể hiểu tình hình này là như thế nào. Anh Mẹo và Hà đành gọi to, đến lạc giọng. Bà con đi trước để khoai sắn xuống, quay lại, ngơ ngác hỏi có chuyện chi. Thêm một hai cây đèn pin nữa. Ai cũng thấy căng thẳng và lặng cả người như đang chờ một điều gì nghiêm trọng sắp ập tới. Rất nhiều phán đoán. Đạn bom thì không có rồi. Không lẽ bị bọn bảo an mai phục trong cỏ, nhảy xổ ra bắt sống? Không lẽ bị cọp chụp? Nếu xảy ra như vậy thì ít nhất Hồng Thắm cũng kịp kêu “á” lên một tiếng, đằng này lại êm ru. Nếu vấp ngã kiểu chi đó đến mức á khẩu, thì ít nhất cũng thấy Hồng Thắm nằm lăn trên đất, đằng này đèn pin quất qua lại không biết bao nhiêu lượt mà không thấy gì. Xuống sông, ờ thì nó từ dưới sông mới lên bờ, xuống làm chi nữa. Giả sử như trói nó rồi ném xuống sông, nó vẫn mò lên được mà. Thế này thì vô phương tìm kiếm, không sao hiểu nổi. Hà đứng sững sờ trong bóng tối. Còn anh Mẹo thì cứ nhắc đi nhắc lại : “ Tui không biết cái chi đã xảy ra...”.
Chợt có tiếng kêu thất thanh ngay sau lưng anh Mẹo, dọc đường mòn : “Trời ơi, anh Mẹo!”. Rồi cũng người nào đó kêu tiếp : “ Chuyện chi rứa? Trời!”.
Anh Mẹo quay lại chừng vài mét. Tất cả bà con đổ xô đến. Ba bốn ngọn đèn pin rọi chụm xuống vạt cỏ ngay trước chân anh Mẹo. Một nỗi bàng hoàng như một dòng điện lan tỏa khắp thân thể mọi người. Trong giây lát sững sờ, anh Mẹo hiểu ngay chuyện gì đã xảy ra. Và anh cúi khom lưng xuống...
Một chiếc mũ tai bèo màu tím nhô lên giữa đám cỏ xanh mượt. Anh gạt những ngọn cỏ ra... Một cái hầm cá nhân lâu ngày, cỏ mọc phủ miệng. Dưới ánh đèn pin, hai vai áo bà ba đen, bao mang cũng màu đen hiện ra - Hồng Thắm trong tư thế ngồi bó gối - Anh Mẹo đưa tay vô mũi cô và bảo mọi người cùng đưa cô lên. Hà trải chiếc võng của Hồng Thắm tặng anh xuống cỏ. Hồng Thắm nằm ngay ngắn, không hề động đậy. Hà cầm tay cô, lắng nghe mạch đập. Còn anh Mẹo, vẫn để hai ngón tay ngang mũi Hồng Thắm. Một lúc khá lâu, anh đứng dậy, không nhìn mọi người, anh nói : “ Nó đã tắt thở”. Rồi anh nói to hơn, như để mọi người rõ lý do cái chết :
- Năm ngoái, anh em huyện đội sau khi đánh đồn Kơ Nao, về trú quân, nghỉ ở chỗ ni một ngày. Hầm trú ẩn họ để lại, nay cỏ mọc phủ kín. Chị Hồng Thắm chắc định tiểu tiện, lội tạt vô đó, rồi rớt xuống hầm. Cái hầm cách đường mòn mình đi đâu có được một thước, ai có ngờ. Chị Thắm rớt xuống đột ngột, lưng lại mang nặng, nên, tui nói không sai đâu, bóng đái chị bị bể. Rủi ro đột ngột đến mức chị không kêu lên được. Đến đây anh Mẹo làm dấu thánh giá và thốt lên : “ Lạy Chúa”.
Tiếng khóc thút thít trong đêm. Mấy chị ngồi quanh thi thể Hồng Thắm, kêu khóc mếu máo, Hà bưng mặt nghẹn ngào trong chiếc mũ tai bèo.
Anh Mẹo rút dao găm, chặt tre làm đòn khiêng thi thể Hồng Thắm, về nhà. Thằng Thắng được giao nhiệm vụ đi báo cho đoàn trưởng đoàn công tác tỉnh cái tin dữ này. Nó nói đi một mình trong đêm, nó không sợ - Nó không đi - Nó vừa cắm cổ chạy, vừa khóc.
Hà ngồi một mình trên cái ghế dài được ghép bằng ba đoạn le, gá hẳn vô mấy cột nhà. Nét mặt anh trầm mặc, buồn u ám... Cố lắm, anh mới nghĩ được : “Hồng Thắm ơi, sao em lại nỡ ra đi vào lúc này. Cuộc đời em ở phía trước còn dài dằng dặc...”. Anh đứng dậy, đến kéo tấm dù hoa để nhìn mặt Hồng Thắm một lúc. Rồi anh đến ngồi trên ghế le, lưng dựa vô cây cột gỗ bằng bắp chân. Trong đầu anh bao nhiêu ý nghĩ nặng nề kéo đến. Anh nghĩ: “ Một người như cô ấy sao có thể chết được. Cô ấy tươi trẻ, hăng hái, đầu óc sắc bén và vô cùng thẳng thắn. Cô ấy là một người đàng hoàng trên đời này, không ai bắt nạt được. Ấy thế mà chết một cách tức tưởi. Đúng, cô ấy chết tức tưởi...”. Tiếp đó, anh nhớ lại, có lần, mấy anh bạn cơ quan, không biết nói chuyện gì, cuối cùng họ làm cái việc thống kê các kiểu chết. Họ thống kê ba mươi, ba mươi hai, rồi ba mươi bốn kiểu chết khác nhau. Họ bảo nếu liệt kê thật chi li thì con số có thể nhảy lên bốn, năm mươi. Cái lý do để đưa đến cái chết, có thể qui lại thành nhóm liên quan đến một cái gì đó rất cụ thể : Chết vì nước, chết vì cây cối, chết vì ăn uống, chết vì thú rừng, chết vì tai nạn, chết vì đạn bom, chết vì đau ốm, chết vì “ bên ta” đánh “ bên mình”, chết vì tự sát... Trong mỗi nhóm lại có nhiều kiểu chết khác nhau và đặc biệt các kiểu chết ghê rợn thường xảy ra ở Tây Nguyên, như bị cọp chụp, bị trăn quấn, do không biết nên bị thò bẫy rừng phóng xuyên qua bụng, ăn trúng nấm có rắn độc bò qua, cành cây khô rớt xuống người khi nằm ngủ giữa đêm khuya. Có anh cầm đuốc hun khói để lấy mật ong, hàng ngàn con ong to bằng ngón tay xông vô cắn, cuối cùng, từ trên cây cao, anh ta rớt xuống đất, chết... Kiểu chết sụp hầm như Hồng Thắm, lần đầu tiên anh chứng kiến...
(Còn nữa)
Trích tiểu thuyết của Trúc Hoài
Ý kiến bạn đọc