Multimedia Đọc Báo in

Macxim Gorki – Người khai sinh ra nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa

10:50, 29/11/2015
Kế thừa truyền thống nền văn học hiện thực Nga vĩ đại nửa sau thế kỷ 19, nhà văn Macxim Gorki đã đặt nền tảng cho chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, giương cao ngọn cờ văn hóa vô sản trên phạm vi thế giới. Bất chấp làn sóng chống cộng, những tác phẩm của ông đã chinh phục được độc giả ở khắp các nước và được dịch sang nhiều thứ tiếng.

Trong số những tác phẩm của Macxim Gorki xứng đáng được xếp vào kho tàng văn học của nhân loại, trước hết phải kể đến hai cuốn tiểu thuyết: “Người mẹ” (1906-1907) và “Cuộc đời Klim Xamghin” (1925-1936), vở kịch “Dưới đáy” (1902) và bộ tác phẩm tự thuật: “Thời thơ ấu”; “Kiếm sống”; “Các trường đại học của tôi” (1913-1923).

"Người mẹ" điển hình cho tiểu thuyết cách mạng xã hội chủ nghĩa. Tác phẩm có giá trị như một công trình nghiên cứu xuất sắc về phong trào công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng, về đời sống công nhân ở nhà máy lớn, về cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư sản. Pa-ven tiêu biểu cho người chiến sĩ cách mạng vô sản, bà mẹ là hiện thân của quá trình giác ngộ cách mạng trong nhân dân. Ngay từ những năm 1930-1940, cuốn tiểu thuyết nối tiếng "Người mẹ" là cuốn sách gối đầu giường của biết bao thanh niên Việt Nam thuộc thế hệ cách mạng-kháng chiến chống Pháp. Cuốn sách mang sức sống đấu tranh này đã trang bị một vũ khí tư tưởng vô địch cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động tấn công vào thành trì của bọn bóc lột.

Cuốn tiểu thuyết sử thi "Cuộc đời Klim Xamghin" viết trong 11 năm vào cuối đời tác giả, tố cáo chủ nghĩa cá nhân tư sản, hệ tư tưởng của Xamghin là đại diện cho trí thức tư sản cơ hội, khi thì khoác áo phi chính trị, khi thì theo cách mạng đang lên, thực chất là phản bội. Tác phẩm phản ánh xã hội Nga trong 40 năm trước Cách mạng Tháng Mười, những cố gắng vô ích của bọn tư sản, cuộc đấu tranh thắng lợi của những người Bôn-sê-vich.

Vở kịch "Dưới đáy" đưa lên sân khấu những người "chân đất", những số phận cay đắng của những người bị đẩy xuống đáy vực cuộc đời. Macxim Gorki lên án xã hội tư bản, khẳng định niềm tin vào trí tuệ và sức mạnh của con người.

Ba bộ tiểu thuyết tự truyện: “Thời thơ ấu”, “Kiếm sống”, “Các trường đại học của tôi” kể lại thời thơ ấu và niên thiếu của Macxim Gorki. Tác giả phác họa rất nhiều chân dung chỉ bằng vài nét rất chính xác và chan chứa tình người. Độc giả cảm động theo dõi số phận của cậu bé trong đời sống muôn màu muôn sắc của quần chúng cần lao Nga và hiểu được tác dụng của "các trường đại học trong cuộc sống" đối với một thiên tài.

Cùng với tác phẩm "Người mẹ", những tác phẩm nổi tiếng khác của Macxim Gorki viết trước và sau Cách mạng Tháng Mười thành công đã đưa nhà văn vô sản vĩ đại này lên vị trí người khai sinh ra nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Mácxim Gorki tên thật là Aleksei Maksimôvít Pêshkôv, sinh tại thành phố Nhigiơni Nôvgôrôd thuộc miền Nam nước Nga trong một gia đình nghèo, bố làm nghề thợ mộc. Mười tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, ông phải làm nhiều nghề để kiếm sống và tự học. Ông là người rất ham học nên ngay từ khi bước vào đời, ông đã có vốn kiến thức văn hóa đa dạng và đồ sộ: triết học, kinh tế chính trị, lịch sử..., đặc biệt là văn học Nga và phương Tây. Ông vào Đảng Bônsêvich năm 1905, được vinh dự gặp và làm việc với Lênin nhiều lần. Sau Cách mạng Tháng Mười, ông đảm nhiệm nhiều trọng trách trong lĩnh vực văn hóa-xã hội: Giám đốc Nhà xuất bản Văn học thế giới, Tổng Biên tập Các tạp chí Khoa học và những người hoạt động khoa học và Ánh sáng phương Bắc. Ông còn là đại biểu Xôviết Pétrograd (1919). Sáng tác của ông gồm nhiều thể loại: tiểu thuyết, kịch, truyện ngắn, văn xuôi, chính luận, phê bình văn học.

Trong cuộc đời hoạt động văn học ngót nửa thế kỷ, Macxim Gorki đã để lại một sự nghiệp chói lọi, một di sản sáng tác khổng lồ. Nó là niềm tự hào của nhân dân Liên Xô và của cả loài người tiến bộ. Rômanh Rôlăng, nhà văn lớn của Pháp, đã nói: "Gorki là nhà văn đầu tiên và vĩ đại nhất thế giới đã dọn đường cho cách mạng vô sản. Không có một nhà văn nào có vai trò cao như thế”...   

Ở Đại hội Nhà văn Liên Xô lần thứ nhất (1934), ông được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà văn Liên Xô. Macxim Gorki mất ngày 18-6-1936, bình đựng thi hài của ông được an táng vào tường Điện Kremli. Ông ra đi năm 68 tuổi trong tình thương yêu và sự ngưỡng vọng của nhân dân, đặc biệt là giới cần lao và giới văn hóa trong nước và thế giới.

Nguyễn Xuyến


Ý kiến bạn đọc