Nhà thơ Chế Lan Viên thương vợ
Nhà thơ Chế Lan Viên (1920 - 1989) nổi tiếng từ năm 17 tuổi với tập thơ “Điêu tàn”. Năm 1954, Chế Lan Viên tập kết ra Bắc làm biên tập viên báo Văn học (tiền thân của báo Văn nghệ bây giờ).
Từ năm 1956 đến năm 1958, ông công tác ở Phòng Văn nghệ, Ban Tuyên huấn Trung ương và đến cuối năm 1958 trở lại làm biên tập tuần báo Văn học.
Cũng năm 1958 báo Văn học mở cuộc thi truyện ngắn có 300 tác giả tham dự với 364 tác phẩm. Kết quả giải Nhất thuộc về các tác phẩm “Người anh nuôi của đơn vị” của Lê Khánh, “Con cá song” của Bùi Đức Ái (Anh Đức) và “Cái hom giỏ” của Vũ Thị Thường. Nhà văn Nguyễn Thành Long, lúc đó là thành viên trong Ban Giám khảo cuộc thi đã làm chiếc cầu nối tơ duyên cho nhà thơ Chế Lan Viên với bà Vũ Thị Thường, khi ấy bà Thường 30 tuổi, đang làm ở báo Kiến An. Cuối năm 1961, nhà thơ Chế Lan Viên kết hôn lần thứ hai với bà Vũ Thị Thường. Vào năm 1964, bà Thường mang con nhỏ chưa đầy 3 tuổi đi thực tế ở huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình). Ở căn nhà cấp bốn đơn sơ, Chế Lan Viên viết thơ tặng vợ:
"Em đi về Kiến Xương
Mùa này mưa bão lắm
Phòng anh mồ hôi sương
Nhớ em như nhớ nắng
Chiều nay ốm một mình
Vắng em ngồi bên cạnh
Ngọn gió đùa trêu anh
Cửa khép rồi vẫn đánh
Đường xa trăm cây số
Ngỡ có em về đó
Đắp chăn dày cho anh
Và đứng nhìn anh ngủ
Rồi lại đi Thái Bình
Về Kiến Xương huyện nhỏ
Để lại trời bên cửa
Một màu xanh xanh xanh”.
Sự yêu thương đằm thắm ấy không chỉ được Chế Lan Viên thể hiện bằng những vần thơ đầy nhớ nhung, xúc động mà còn bằng những việc làm rất nhỏ như: đi chợ, mua bán thực phẩm…Năm 1973, Quảng Trị mới giải phóng phần phía Bắc, Chế Lan Viên, Trần Công Tấn vào dự Đại hội mừng công của tỉnh Quảng Trị. Lúc về Hà Nội đi ngang qua thị trấn Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình), Chế Lan Viên bảo tài xế dừng xe mua mấy chiếc nón về làm quà cho vợ.
Thế mới thấy, tình cảm của nhà thơ Chế Lan Viên với vợ thật thắm thiết, nồng nàn.
Lê Hồng Thiện
Ý kiến bạn đọc