Những vần thơ "chảy" ra từ trái tim nhân hậu, yêu đời
(Đọc tập thơ “Đủng đỉnh trăng về” của tác giả Trần Phố, NXB Hội Nhà văn 2017)
“Đủng đỉnh trăng về” là một quang cảnh đẹp của thiên nhiên đất trời, một không gian của bình an, thanh tịnh mà con người luôn hướng đến/tìm về… Phải chăng đó cũng là điều Trần Phố mong muốn, tâm niệm, gửi gắm trong tập thơ này? Và sau khi đã nghiền ngẫm từ dòng đầu đến dòng cuối của tập thơ, tôi biết mình đã không nhầm.
Trần Phố không thuộc tạng thơ ồn ào, rậm lời, khoe chữ nghĩa; không cố tìm cái lạ trong lập ngôn, dụng từ; không “bọc” cái hạt nhân ý nghĩa trong “đống rơm” từ ngữ rối rắm. Anh trung thành với lối viết truyền thống, chữ nghĩa và hồn thơ hòa quyện, chìm nổi với nhau trong tổng thể bài thơ, giản dị mà không thiếu câu chữ lấp lánh, rõ ý mà không bộc tuệch, lộ liễu. Thơ Trần Phố thường kiệm lời, ngắn gọn, mang chất giọng tâm tình nhẹ nhàng, nhẹ nhàng mà không nhạt, không như gió thoảng qua bởi câu thơ thấm được tình thật của tác giả, có cảm xúc thực sự và trực tiếp hoặc gián tiếp gợi cho người đọc một triết lý nhân văn nào đó, chí ít cũng gợi được một lối ứng xử hợp với đạo với đời.
Trong tập thơ này Trần Phố đề cập tới nhiều chủ đề quen thuộc. Đó là tình thương cha mẹ, vợ con; tình nghĩa với quê hương, với nơi sinh sống; là nỗi nhớ bạn tình xưa, mái trường thời tuổi nhỏ; là những nỗi niềm về thế sự còn lắm chuyện đục trong… Nhưng ở Trần Phố, sau khi đọc tập thơ này tôi còn thấy ánh lên một mảng tâm tình khác, như là anh viết cho mình và cho cả những ai khi tuổi đã bắt đầu sang thu. Ở mảng tâm tình này, tôi đã “nếm” được một chút hương vị của cõi thiền, cõi của bình an, khoan dung mà có lẽ anh đã và đang tìm đến và bắt đầu hữu duyên với nó, thể hiện qua những ví dụ sau:
Giấc xuân vừa đẫy chiều chênh nắng
Đủng đỉnh trăng về quét lá chơi!
(Ngoài sáu mươi)
Hoặc là:
Cất tiếng thơ ngâm quỳnh nở rộ
Nâng chén trà thơm trăng đựng đầy
Trả hết phù du cho biển rộng
hơi cùng chim cá, bạn cùng cây
(Lộc trời)
Dù không dụng công nhiều trong lập ngôn, chọn lọc từ ngữ, nhưng trong “Đủng đỉnh trăng về” ta vẫn được đọc nhiều bài thơ, câu thơ giàu hình ảnh, có sức gợi cao, như:
Nắng đã thơm vàng lối cỏ xanh
Suối xuân trải áo lụa long lanh
Chờ em đã tím màu hoa đỏ
Sương trắng rơi đầy trên tóc anh.
(Đợi)
Hoặc:
Chảy qua mưa gió xôn xao
Chảy qua ghềnh thác càng cao tấc lòng
Chảy qua đục để rồi trong
Một đời chảy để tô hồng phù sa!
(Đời sông)
Trong tập thơ này, Trần Phố tự nhận mình là “Con chim hạ cánh trong vườn trúc/Nằm giữa giao mùa tự hát chơi”. Anh hát/anh làm thơ ở cái tuổi giao mùa này là để chơi, để làm vui cho mình, nên đọc “Đủng đỉnh trăng về” chẳng những ta cùng được chơi, được vui với niềm vui của anh mà tâm hồn ta còn được bồi đắp những tình cảm cao quý, một lối sống nhân văn từ những câu thơ được “chảy ra” từ trái tim của một người thơ nhân hậu, yêu đời.
Đặng Bá Tiến
Ý kiến bạn đọc