Multimedia Đọc Báo in

Cùng nhau gìn giữ văn hóa truyền thống Tây Nguyên

15:19, 28/08/2011

Hè năm nay tôi có một niềm vui, đó là được tham gia trò chuyện về văn hóa truyền thống với các thầy cô giáo người Êđê về dự lớp tập huấn dạy chữ Êđê trong trường phổ thông của Sở GD-ĐT.

Lớp có hơn 50 thầy cô giáo, người cao tuổi nhất sinh năm 1956 (thầy Y Tuin Mlô ở Trường Tiểu học Ama Khê, thị xã Buôn Hồ); trẻ nhất sinh năm 1985 (cô H’Ben Hra, ở Trường tiểu học Ea Rôk, huyện Ea Súp), đều là những người đã có quá trình dạy chữ Êđê một vài năm đến từ khắp 13 huyện thị, thành phố trong tỉnh.

Tôi cùng với các anh chị ôn lại, hệ thống lại các đặc trưng văn hóa truyền thống của tộc người Êđê; đồng thời cũng một lần nữa, khẳng định giá trị tinh thần lớn lao của những di sản mà ông bà xưa để lại cho con cháu hôm nay và mai sau bởi hơn ai hết, đội ngũ giáo viên chính là người đầu tiên “ truyền lửa” tình yêu quê hương, dân tộc cho thế hệ trẻ. Và chúng tôi nghĩ đã làm được điều đó trong khóa học này. Cá nhân tôi cũng có thêm được những bài học quý báu từ các anh chị em.

 
Việc chúng tôi đã làm là cùng nhau xác định văn hóa truyền thống của các dân tộc ít người Trường Sơn - Tây Nguyên, thuộc về một nền văn minh nương rẫy, tồn tại song song với nền văn minh lúa nước và đã từng có thời kỳ phát triển rất rực rỡ, đã đóng góp một phần không nhỏ làm nên bản sắc độc đáo của văn hóa Việt Nam. Chúng tôi khẳng định lại với nhau cả khái niệm thế nào là “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” với những giá trị vật thể lẫn phi vật thể do con người sáng tạo nên; lẫn các đặc trưng văn hóa tiêu biểu, độc đáo nhất của người Tây Nguyên nói chung, người Êđê nói riêng là: không phải chỉ có riêng cồng chiêng - “ Di sản văn hóa phi vật thể truyền miệng của nhân loại”, mà còn có những bộ trường ca, sử thi như những “trường thiên tiểu thuyết” được hát – kể bằng văn vần đồ sộ nhất thế giới; những bộ luật tục hàng ngàn câu cũng bằng văn vần quy định thái độ ứng xử của con người với toàn bộ xã hội xung quanh; thậm chí cả bộ gia phả bằng văn vần độc nhất vô nhị của  tộc người M’nông… Những điều ấy người lớn, mà trước hết là các trí thức người dân tộc thiểu số, phải có trách nhiệm làm cho con cháu chúng ta hiểu và tự hào, để rồi cùng nhau tìm cách mà bảo tồn, gìn giữ và phát huy cho các thế hệ mai sau. 

Điều quý giá nhất là sau khi tự tìm hiểu lại văn hóa truyền thống của chính mình, cùng với một chuyến đi thực tế đến thăm bảo tàng Êđê mini của cố  ca sĩ - NSND Y Moan ÊNuôl, chính các thầy cô giáo đã cùng nhau thảo luận và đưa ra những kiến nghị về giải pháp bảo tồn văn hóa cổ truyền. Ngoài những ý kiến về giáo dục ý thức hệ thông qua các thể chế quy định, các phương tiện truyền thông, các chính sách của Nhà nước, các thầy cô còn đưa ra những đề xuất cụ thể hơn, như :

- Mỗi giáo viên người Êđê phải là một tuyên truyền viên về gìn giữ văn hóa, nhất là tham gia gìn giữ những hiện vật văn hóa truyền thống còn có ở địa phương mình.

- Tham gia vận động chính quyền và buôn khôi phục lại lễ cúng bến nước hằng năm ở mỗi buôn.

- Biên soạn bổ sung trong bộ sách giáo khoa hoặc làm tài liệu đọc thêm  những trích đoạn văn học dân gian truyền miệng (Klei khan, lkei duê, klie đưm…). Tiếng Êđê cũng cần có bộ đồ dùng dạy học, đặc biệt về văn hóa truyền thống.

-Hè hằng năm, các buôn phối hợp tổ chức cho thiếu nhi học tập văn hóa truyền thống và tham quan những địa chỉ văn hóa tộc người (Bảo tàng tỉnh, Làng Cà phê Trung Nguyên, nhà NSND Y Moan, buôn cổ, nghề truyền thống…)

-  Hội Phụ nữ, thanh niên vận động mỗi cá nhân trong mọi gia đình đều có trang phục truyền thống tự hào mặc trong các ngày lễ, tết.

- Đề nghị các ngành có liên quan phối hợp cải tiến sản phẩm thủ công thành sản phẩm mỹ nghệ, tổ chức triển lãm, trưng bày để  tìm đầu ra cho nghề truyền thống….

Vui quá ! Tập hợp hết ý kiến của các thầy cô những mong các nguyện vọng này đến được các ngành chức năng có liên quan, để nguồn kinh phí Nhà nước vừa phê duyệt nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, thật sự được sử dụng có hiệu quả. Mong ước nữa là nếu các trí thức, nhất là giáo viên người Bana, Xê Đăng, J’rai, K’Ho…cũng có ý thức như những giáo viên người Êđê, thì lo gì văn hóa truyền thống Tây Nguyên không được gìn giữ?

Trân trọng cám ơn các thầy cô. Hy vọng tâm nguyện của chúng ta sớm thành hiện thực, như đã  “ cùng nhau” hè này.

H’Linh Niê

 


Ý kiến bạn đọc