Trồng cây knia để lưu giữ một nét đẹp văn hóa của đồng bào Tây Nguyên
Cây knia còn có tên gọi khác là cây cầy, hạt cây lớn, dễ ươm giống, dễ trồng. Với đặc điểm là loài cây thiêng trong đời sống tâm linh, gỗ cứng, dẻo dai, rễ cọc cắm sâu, bám chắc vào lòng đất, cuồng phong cũng khó quật đổ, có tán lá to rộng, càng lên cao rễ càng cắm sâu vào lòng đất, tán lá càng cao rộng, được coi là nơi nghỉ ngơi lý tưởng lúc mệt mỏi trong những buổi lên nương rẫy nên từ xa xưa, cây knia là biểu tượng của buôn làng Tây Nguyên, con người Tây Nguyên. Nhưng cùng với sự biến mất của hình thái canh tác phát rẫy làm nương, chọc lỗ tra hạt, cây knia cũng dần vắng bóng trên nương rẫy ở Tây Nguyên. Việc bảo tồn cây knia là bảo tồn một yếu tố văn hóa đặc trưng của cộng đồng buôn làng Tây Nguyên và là một việc rất nên làm.
Thiết nghĩ, để lưu giữ cây knia trong đời sống cộng đồng buôn làng Tây Nguyên, giúp thế hệ đời sau và khách tham quan du lịch cảm nhận, hiểu được hình bóng cây knia gắn liền với hình thái canh tác nông nghiệp xưa kia, chúng ta nên trồng cây knia tại các gò đất cao trên cánh đồng, nơi đầu buôn tiếp giáp với cánh đồng hay ở các danh thắng như các thác nước, khu rừng sinh thái cận kề với nương rẫy làm nơi tham quan du lịch, góp phần tăng thêm sức hấp dẫn cho du lịch sinh thái gắn với tìm hiểu phong tục, văn hóa địa phương.
Lê Anh Chới
Ý kiến bạn đọc