Multimedia Đọc Báo in

BUÔN MA THUỘT: ĐÔ THỊ CỦA BẾN NƯỚC VÀ RỪNG CÂY

21:21, 30/01/2014

Từ một buôn làng xa xưa của người Êđê, Buôn Ma Thuột đang vươn mình trở thành một thành phố giữ vai trò quan trọng của vùng Tây Nguyên và cả nước. Mặc dù chịu nhiều tác động của quá trình đô thị hóa nhưng Buôn Ma Thuột hôm nay vẫn giữ được nét riêng của phố núi cao nguyên.

 Những buôn trong lòng phố

Những nếp nhà dài được gìn giữ gần như nguyên vẹn ở buôn Akô Dhông.
Những nếp nhà dài được gìn giữ gần như nguyên vẹn ở buôn Akô Dhông.

Akô Dhông từ lâu đã trở thành một “điểm đến” của bất kỳ ai khi đặt chân lên Buôn Ma Thuột. Sức hấp dẫn kỳ lạ ấy xuất phát đơn giản từ những giá trị truyền thống được buôn làng gìn giữ còn khá nguyên vẹn, làm nên nét riêng độc đáo chỉ có ở đô thị Buôn Ma Thuột. Dường như ai đến đây cũng đều như được sống chậm lại với nhà dài, bến nước và rừng cây; được thả mình trong không gian thanh bình, yên tĩnh đến lạ ngay giữa lòng thành phố ồn ào náo nhiệt. Có người ví đó là “không gian hiếm” khi tốc độ đô thị hóa đang ngày càng tác động mạnh mẽ, len lỏi sâu vào từng ngõ ngách của đời sống xã hội, nhất là ở các đô thị. Để gìn giữ không gian gần gũi với thiên nhiên ban sơ như ở nơi đây là sự nỗ lực của chính quyền địa phương cũng như cả cộng đồng. Cho nên, dù bên ngoài có sự biến thiên thế nào thì ở đây, từ nếp nhà dài đến lùm cây, bụi cỏ, lối đi… vẫn “thở” nhịp thở của buôn làng. Già Ama H’rin khi còn sống đã quyết tâm giữ nếp nhà dài, giữ dòng nước ngọt của dòng suối Dhông,  giữ không gian xanh của cánh rừng bao bọc, che chở cho buôn làng… Sự cố gắng với những việc làm tâm huyết ấy của già đã để lại cho Akô Dhông một tương lai với đầy đủ các yếu tố văn hóa, thiên nhiên để gìn giữ và phát triển một buôn làng mang vẻ đẹp thuần túy, gần gũi với thiên nhiên. 

Cách trung tâm thành phố chừng 6-7 km, ở buôn Kmrơng Prong, buôn Kô Tam, buôn Ju… người dân vẫn còn gìn giữ được nét đẹp buôn làng gần như nguyên vẹn. Đó là những nếp nhà dài được bao bọc bởi những vườn cà phê xanh ngát; những bến nước rộn rã tiếng cười đùa, râm ran tiếng trò chuyện của chị em mỗi sớm, mỗi chiều… Từ tờ mờ sáng, trước khi bắt đầu một ngày mới, bà con trong buôn gọi nhau cùng đi ra bến nước. Những bầu nước mát ngọt lấy từ mạch ngầm của tự nhiên được gùi về nhà như một nguồn năng lượng để bắt đầu ngày mới. Và cũng sau một ngày làm việc trên nương rẫy, bến nước cũng là nơi để họ “rũ bỏ” những mệt nhọc của một ngày lao động vất vả. Họ cười đùa, họ ca hát, họ trò chuyện, chia sẻ với nhau những cung bậc cảm xúc của một ngày đi qua và cùng nhau trở về nhà với những gùi nước trên lưng. Ama Son - Già làng buôn Kmrơng Prong A bảo: “Bến nước của người Êđê có từ xa xưa, khi hình thành các buôn làng. Tục Cúng bến nước là để các vị thần nước, thần núi, thần sông… biết được nơi đó có dân làng sinh sống mà ban sức khỏe, làm ăn khấm khá; giúp bà con trong buôn luôn yêu thương nhau, sống thủy chung, trước sau như một. Nước đối với bà con quan trọng hơn bất cứ thứ gì trên đời, nên người Êđê thờ thần nước như thờ tổ tiên nhà mình vậy. Khoảng rừng đầu nguồn xanh thẳm vì vậy mà cũng được người dân ý thức giữ gìn, bảo vệ. Bởi giữ rừng là giữ nước, giữ lấy nguồn sống của buôn làng”.

Định hình một lối kiến trúc riêng

Buôn Ma Thuột với dáng dấp của một đô thị phát triển, hiện đại, văn minh.
Buôn Ma Thuột với dáng dấp của một đô thị phát triển, hiện đại, văn minh.

“Lần đầu tiên đến với Buôn Ma Thuột, đến với vùng cao nguyên Việt Nam nổi tiếng với bề dầy lịch sử, với đất đỏ bazan, với cà phê và các bài ca về Tây Nguyên anh hùng, tôi đã có một chút bất ngờ. Tôi đã rất ngỡ ngàng trước một Buôn Ma Thuột khang trang, bề thế, lại khá “ngăn nắp”, xanh và định hình được phong cách kiến trúc rất riêng, rất đặc thù, không giống với hình dung về một đô thị vùng cao nguyên còn hoang sơ, khó khăn và chậm phát triển.” - Đó là chia sẻ của Ts. KTS Phạm Thúy Loan (Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị - Đại học Xây dựng Hà Nội) trong lần đầu tiên đến TP. Buôn Ma Thuột vào năm 2009. Quả thực, qua hơn 100 năm hình thành và phát triển, Buôn Ma Thuột đang sở hữu “vốn liếng”  giàu có mà không phải đô thị nào cũng có được - đó là những nét độc đáo trong văn hóa của các dân tộc bản địa. Sự khai thác hiệu quả vốn liếng ấy thể hiện khá rõ nét ở kiến trúc đô thị. KTS Diêu Quang Hùng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Dak Lak cho biết: trước năm 1986, kiến trúc tại Buôn Ma Thuột để lại dấu ấn đặc sắc với một số công trình hành chính, tôn giáo và trường học xây dựng trước và sau giải phóng. Tất cả đều mang sắc thái Tây nguyên, đậm chất văn hóa Êđê - M’Nông. Từ năm 1986 đến nay, cùng với sự phát triển trên các mặt kinh tế - xã hội, kiến trúc cũng phát triển nhanh, đa dạng về hình thức biểu hiện, theo đủ các xu hướng. Trong đó, đáng chú ý là xu hướng hiện đại kết hợp với truyền thống mang sắc thái Tây Nguyên. Những hình khối đơn giản, hiện đại kết hợp với việc khai thác những đặc trưng kiến trúc của nhà dài truyền thống đã tạo nên dấu ấn rất riêng cho kiến trúc đô thị Buôn Ma Thuột trong suốt tiến trình phát triển. Họa tiết trang trí ở các công trình kiến trúc cũng đã khai thác tối đa cách tạo hình truyền thống, tạo nên nét đẹp tự nhiên, phóng khoáng từ sự thô mộc. Không gian ở đô thị Buôn Ma Thuột còn là không gian mở với lối kiến trúc nhà vườn, tạo nên sự khoáng đạt cho thành phố. Tuy nhiên, nhà ở trong trung tâm chủ yếu xây dựng theo kiểu nhà ống, từ 2 đến 4-5 tầng, từng căn có sự đầu tư ít nhiều về kiến trúc, nhưng hình ảnh của đường phố thì như bao đô thị khác: hỗn độn và thiếu bản sắc, chưa có sự  quản lý chặt chẽ về kiến trúc. Bên cạnh đó, công trình công nghiệp còn ít, phân tán, quy mô nhỏ thiên về kinh tế, chưa chú trọng về thẫm mỹ, không gian kiến trúc… Làm thế nào để Buôn Ma Thuột hiện đại nhưng không đánh mất đi những giá trị truyền thống, phát huy tối đa “vốn liếng” văn hóa mà nó đang sở hữu  để trong tiến trình phát triển chung mà vẫn giữ được nét riêng, mang tính đặc thù, khu biệt chỉ riêng nó có - là sự trăn trở của của chính quyền địa phương hiện nay cũng như của những ai đã và đang gửi gắm tình yêu cho phố núi này. 

Hướng đến một đô thị xanh

KTS Diêu Quang Hùng chỉ rõ, toàn bộ địa hình Buôn Ma Thuột khá bằng phẳng nằm trên đỉnh của một cao nguyên đất đỏ bazan màu mỡ và dốc thoải từ tây bắc xuống đông nam. Cao nhất có đỉnh Châu Sơn ở phía Tây Bắc (559m). Trong thành phố có một số dòng suối: suối Xanh, suối Ea Tam,  Ea Nuôl, suối Đốc Học với lưu vực thu nước khá lớn tạo ra các dải đất trũng dài. Buôn Ma Thuột cũng sở hữu những hồ nước lớn, nhỏ tạo ra các vùng cảnh quan rất đẹp như: hồ Ea Kao, hồ Ông Giám, hồ Ea Tam…. Bao quanh khu vực nội thị là cả một vùng sinh thái nông nghiệp với các rừng cảnh quan, vườn cao su, cà phê xanh hút tầm mắt. Đó là những lợi thế mà không phải đô thị nào cũng có được. Bên cạnh việc phát huy các giá trị bản sắc văn hóa địa phương, việc khai thác tốt yếu tố về địa hình cũng sẽ góp phần làm nên đặc trưng cho đô thị. Hơn nữa chính sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố tự nhiên và văn hóa càng tôn thêm giá trị của một đô thị hiện đại. Tuy nhiên, đến nay, toàn bộ những yếu tố trên chưa được phân tích thấu đáo để có cách khai thác thông minh và hiệu quả hơn. Các dòng suối nếu khai thác hiệu quả sẽ góp phần tạo ra nét riêng của không gian thành phố. Do vậy, thay vì quay lưng lại với suối, xả thải (rác thải, nước thải ra suối), nên chăng chúng ta hãy biến suối thành huyết mạch cảnh quan và không gian thư giãn cho thành phố. Vùng ven các suối cần được nhận diện là những vùng sinh thái đặc biệt, để từ đó có thể biến những dải sinh thái này thành các “Công viên tuyến tính” trong đô thị, có nghĩa là đưa các con suối và vùng sinh thái ven suối ra mặt tiền đô thị thay vì giấu nó ra sau lưng đô thị như hiện nay. Khi đó, suối trong lòng thành phố sẽ là điểm nhấn làm cho Buôn Ma Thuột trở thành một trong những yếu tố tạo nên “bản sắc” về tự nhiên, địa hình. Bởi kiến trúc, cảnh quan chính là hình dung, là bộ mặt, là hình thức không thể tách rời với văn hóa là nội dung, là cốt cách, là phần hồn của một đô thị. 

Bến nước được gìn giữ, tôn tạo – nét độc đáo của đô thị Buôn Ma Thuột.
Bến nước được gìn giữ, tôn tạo – nét độc đáo của đô thị Buôn Ma Thuột.

Có ý kiến cho rằng, nông nghiệp đô thị cũng là một tiềm năng, có thể tạo nên một sự kết nối trực tiếp giữa các hoạt động hàng ngày của đô thị và nông thôn. Các khu nông thôn trong lòng đô thị cũng có thể hình dung không đơn thuần là những cảnh quan sản xuất mà còn là các không gian công cộng có ý nghĩa. Cũng theo Ts. KTS Nguyễn Thúy Loan: Ngoài việc hướng đến một đô thị xanh cảnh quan, xanh  môi trường, với quỹ đất xanh dồi dào, nền kinh tế xanh gắn với nông lâm - nghiệp cũng được đánh giá là một lựa chọn sáng suốt cho Buôn Ma Thuột. Quy hoạch không gian đô thị cũng cần cân nhắc với cấu trúc vừa phải, có sự tập trung (nén) nhất định, hạn chế sự bành trướng tràn lan gây lãng phí đất, lãng phí hạ tầng, cho dù vấn đề quỹ đất khan hiếm không phải là vấn đề ở đây. Bên cạnh yếu tố bền vững tự nhiên còn phải quan tâm đến bền vững sinh thái nhân văn, đặc biệt với một địa phương có đặc thù về văn hóa đa sắc tộc như Buôn Ma Thuột. Việc tạo ra được những “không gian xã hội” thực thụ, thu hút các sinh hoạt của người dân một cách tự nhiên là một trong những vấn đề đáng cân nhắc hiện nay. Bởi cũng như nhiều đô thị trong cả nước, Buôn Ma Thuột vẫn đang thiếu những nơi thu hút người dân trong những sinh hoạt văn hóa cộng đồng. 

Buôn Ma Thuột có đầy đủ tiềm năng, nền tảng để xây dựng một đô thị giàu bản sắc, một đô thị xanh năng động, bền vững với những vùng sinh thái đặc thù trong lòng và bao bọc quanh nó. Nếu có những quyết sách, chiến lược đúng đắn, cùng với các yếu tố văn hóa, hình thái kiến trúc, cấu trúc đô thị… xanh rừng, xanh sinh thái, xanh môi trường, xanh kinh tế sẽ trở thành thương hiệu cho chất lượng đô thị Buôn Ma Thuột trong quá trình phát triển của mình.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc