Multimedia Đọc Báo in

Lễ hội Văn hóa truyền thống Buôn Đôn: Sẵn sàng vào hội!

10:39, 12/03/2014
Lễ hội Văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn năm 2014 sẽ chính thức khai mạc vào lúc 19 giờ 30 ngày 12-3. Đến chiều 11-3 công tác chuẩn bị đã gần hoàn tất, ban tổ chức đang gấp rút thực hiện những bước chuẩn bị cuối cùng để lễ hội diễn ra tốt đẹp. 
 
Khác với những lễ hội lần trước, Lễ hội Văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn năm 2014 được lồng ghép vào Chương trình Năm Du lịch quốc gia Tây Nguyên - Đà Lạt 2014. Do đó quy mô của lễ hội được đẩy lên khá cao. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn, Phó Trưởng Ban tổ chức lễ hội Si Thất Ksor, rút kinh nghiệm các kỳ lễ hội trước đây, trong việc tổ chức lễ hội lần này UBND huyện Buôn Đôn đã xây dựng kế hoạch và dự kiến chương trình tổng thể từ đầu quý 4 năm 2013 để các đơn vị liên quan chủ động triển khai công tác chuẩn bị. Đến nay mọi công tác chuẩn bị cho đêm khai mạc đã được hoàn tất, các nội dung đều đã được triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch và chương trình tổng thể của Ban tổ chức đã đề ra.
Hội Voi là điểm nhấn của Lễ hội văn hóa truyền thống  các dân tộc huyện Buôn Đôn 2014.
Hội Voi là điểm nhấn của Lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn 2014.
Bên cạnh công tác chuẩn bị của huyện Buôn Đôn, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cũng đã tích cực hỗ trợ để tổ chức lễ hội. Trưởng Phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở VHTT&DL) Đinh Một cho biết, toàn bộ hệ thống âm thanh, ánh sáng phục vụ lễ hội được chuyển về từ Đoàn Ca múa dân tộc tỉnh. Bên cạnh đó các tiết mục văn hóa, văn nghệ tại lễ hội này cũng do các nghệ sĩ Đoàn Ca múa dân tộc tỉnh biểu diễn. Theo ông Đinh Một, trong quá trình chuẩn bị, khó khăn nhất là giải quyết vấn đề nước sông Sêrêpôk đoạn qua các khu du lịch của huyện Buôn Đôn. Tuy nhiên vấn đề này đã được giải quyết hợp lý và sẽ bảo đảm nước trên sông Sêrêpôk để phục vụ Lễ hội voi Buôn Đôn. Theo phương án xử lý được thống nhất giữa Sở Công thương, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch với Nhà máy Thủy điện Sêrêpôk 4, bắt đầu từ ngày 11-3, Nhà máy Thủy điện Sêrêpôk 4 tăng cường xả nước vào đoạn sông này với lưu lượng từ 40 m 3/giây trở lên. Với lưu lượng nước trên sẽ bảo đảm được dòng chảy của sông Sêrêpôk đoạn qua các khu du lịch của huyện Buôn Đôn nhằm phục vụ nhu cầu thưởng lãm của du khách và nhất là bảo đảm thực hiện thành công tiết mục "Voi vượt sông Sêrêpôk" trong chương trình lễ hội. Điểm nhấn của Lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn chính là Hội Voi. Hội Voi lần này sẽ có các nội dung: Lễ cúng sức khỏe cho voi, Voi đá bóng, Hội thi voi chạy, Lễ tắm cho các voi tham gia lễ hội. Trong lễ hội năm 2014, hoạt động voi bơi vượt sông Sêrêpôk được tổ chức trở lại sau một mùa lễ hội không thể tổ chức do sông Sêrêpôk bị cạn nước. Trong khi đó, hoạt động tái hiện cảnh săn bắt và thuần dưỡng voi rừng sẽ không có trong lễ hội lần này. Ông Y Ka Byă, Phụ trách Hội Voi cho hay, Hội Voi năm nay quy tụ 18 con voi từ các đàn voi nhà trong toàn tỉnh. Những ngày gần đây, các nài voi đang cho voi tích cực tập luyện để chuẩn bị cho lễ hội. Trong khi đó, lực lượng đoàn viên thanh niên thuộc các xã thị trấn, các cơ quan đơn vị trên địa bàn huyện đang gấp gút dựng trại và chuẩn bị không gian cho phần lễ khai mạc. Khu vực cắm trại và sân khấu chính là là nơi diễn nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật đặc sắc như diễn tấu cồng chiêng, biểu diễn các làn điệu dân ca của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, diễn tấu đàn tính của đồng bào các dân tộc phía Bắc...

Lễ hội Văn hóa truyền thống các dân tộc huyện Buôn Đôn cũng là một trong những lễ hội văn hóa truyền thống chính của Dak Lak, được tổ chức 2 năm/ lần vào tháng 3 dương lịch của năm chẵn. Hoạt động này không chỉ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc huyện Buôn Đôn mà còn là dịp để Dak Lak quảng bá hình ảnh, giới thiệu tiềm năng với du khách trong và ngoài nước. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, ban tổ chức hy vọng sẽ làm nên một mùa lễ hội thành công tốt đẹp.

Giang Nam

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.