Những báu vật của gia đình H'len Niê
Trong ngôi nhà dài truyền thống của gia đình, chị H’len Niê ở buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột được dành một góc để lưu giữ, trưng bày những vật dụng truyền thống của gia đình, dòng tộc. Mặc dù cuộc sống còn khó khăn, nhưng chị vẫn bỏ tiền của, công sức tìm mua những “báu vật” của buôn làng để bảo tồn, gìn giữ…
Bảo tàng Êđê
H’len sinh ra trong một gia đình người Êđê, được lớn lên trong “cái nôi” văn hóa truyền thống của cha ông từ bao đời nay. Trong ngôi nhà ấy luôn là địa điểm tổ chức các lễ hội của buôn làng như: mừng lúa mới, cúng sức khỏe, cầu bình an… nên sự hiện hữu của những nhạc cụ, vật dụng quen thuộc như: chiêng, ché, ghế Kpan, Đinh Buốt, Đinh Năm… đã in đậm trong tâm trí H’len. Lớn lên, chứng kiến các báu vật truyền thống của dân tộc trong buôn bị bỏ quên, mai một dần, giới trẻ dường như không mấy quan tâm đến văn hóa cội nguồn khiến chị hết sức băn khoăn. Từ niềm trăn trở ấy, chị đã quyết định bỏ công sức, tiền của để sưu tầm, tới tận các buôn làng để tìm mua hoặc nhờ những người buôn chuối, thợ buôn gỗ, ve chai… tìm kiếm, giới thiệu. H’len cho biết, ngày xưa, các vật dụng trên được tính giá trị bằng trâu, bò… vật dụng càng lâu đời càng đổi được nhiều trâu bò, do vậy chỉ có những gia đình giàu có trong buôn làng mới mua được. Tuy nhiên, bây giờ dù có đàn trâu, đàn bò trăm con cũng khó tìm mua được bởi “nạn chảy máu cồng chiêng” diễn ra từ nhiều năm nay, các vật dụng truyền thống theo chân các tay chơi đồ cổ về miền xuôi. Do vậy, người sưu tầm phải bỏ nhiều thời gian tìm kiếm, phải có sự hiểu biết nhất định để nhận định, đánh giá đúng giá trị thời gian, giá trị văn hóa của từng đồ vật; phải nắm được hồn cốt của từng vật dụng, đặc biệt là phải có cái duyên. Bên chiếc ghế Kpan dài hơn 7m bằng gỗ sao đặt trong nhà dài, chị H’len kể lại cơ duyên: chủ nhân chiếc ghế này là một người Êđê ở huyện Cư Kuin. Nhiều người sưu tầm đồ cổ biết đến nó, và chị cũng được một người buôn chuối giới thiệu. Cùng một lúc có ba người hỏi mua chiếc ghế quý, trong đó hai người đã tìm đến hỏi mua hơn ba năm nay nhưng vẫn chưa mua được; vậy mà chị chỉ tới tâm sự trong một ngày đã được chủ nhà đồng ý bán với giá 15 triệu đồng. Chị chia sẻ: “Có lẽ chủ nhân ấy cũng mến cái bụng của mình với chiếc ghế nên mới bán nó”.
Hành trình sưu tầm, gìn giữ văn hóa của H’len không hề đơn giản bởi sự ngăn cản của gia đình do cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự đam mê và niềm mong mỏi bảo tồn văn hóa truyền thống, chị đã thuyết phục được gia đình cùng góp sức ủng hộ việc làm của mình. Đến nay, chị đã có hơn 100 kỷ vật từ đời đất nung tới men sứ bao gồm: bộ trống đực, trống cái làm bằng da trâu, đàn Goong, bộ cồng chiêng 10 cái, hơn chục ché gần 200 năm tuổi, Kọ bung, các loại kèn đinh năm, đinh tút… Với H’len, mỗi “báu vật” gắn với một kỷ niệm, là kỷ vật thân thương nuôi chị lớn lên, gắn bó với gia đình, dòng họ của mình như: bộ đồ cúng Yàng gồm khăn cúng, chiếu dài, tô, chén đồng, hoa… ông bà để lại; hai nồi đồng khắc hình thằn lằn và nhện là của hồi môn bố mẹ tặng ngày cưới… Ngay cả những dụng cụ phục vụ lao động sản xuất đã trải qua biết bao mùa rẫy như những chiếc gùi, chiếc xà gạc, bầu nước, nia, se chỉ, lẫy hạt, bộ khung dệt, dao… cũng được chị và gia đình giữ gìn một cách cẩn thận.
H'len bên những chén, đĩa thời đất nung. |
Nỗ lực bảo tồn gắn với phát triển
Theo H’len thì trước đây, cồng chiêng trong các buôn làng nhiều lắm, nhưng cuộc sống khó khăn, nhiều người không hiểu hết giá trị của nó đem bán đi, chỉ một số buôn còn giữ nhưng không đủ bộ và ít khi đem ra đánh. Điều khiến chị day dứt lâu nay là một bộ phận lớp trẻ trong buôn đã không còn mặn mà với cồng chiêng nữa, thậm chí không hiểu được ý nghĩa của tiếng chiêng. Vì vậy, mỗi khi buôn có sự kiện lớn, chị đều có mặt để cùng già làng và con cháu lắng nghe tiếng chiêng, cùng múa theo nhịp để cảm nhận hồn cốt trong từng âm thanh. Khi có thời gian rảnh chị lại cùng con trai Y Fin đến các buôn tìm mua thêm các vật dụng. Bởi theo chị “dắt con trai đi để nó cùng đi tìm, cùng trả giá, cùng nghe người bán kể về lịch sử của từng món vật, để biết ý nghĩa của từng đồ vật mua được, cùng cảm nhận sự vất vả trong quá trình tìm kiếm, vận chuyển, và cùng suy nghĩ để đặt đúng vị trí trong nhà dài, để từ đó giúp nó tự nhận thức, hiểu biết và yêu quý những gì đã gắn bó với đời sống của đồng bào mình bao đời nay. Và sâu xa hơn để mai này, chính Y Fin sẽ trở thành hạt nhân văn hóa của gia đình, buôn làng, dân tộc; là chiếc cầu nối văn hóa với đời sau”. Những lúc không lên rẫy, chị lại dành thời gian để lau chùi, chiêm ngưỡng những “báu vật” của gia đình. Không chỉ nhắc nhở con cháu trong nhà, chị còn đến những người họ hàng xa đang còn cồng chiêng để vận động bà con không đem bán những “báu vật” truyền đời này. Những đồ vật chị sưu tầm đã có những khách tham quan hỏi mua với giá cao gấp đôi như: ghế Kpan 30 triệu, cối giã thức ăn 2,5 triệu đồng, bộ Kọ Bung 12 cái giá 50 triệu đồng… nhưng chị không bán, bởi đó là những tài sản quý giá của dân tộc mình. Xác định văn hóa phải gắn với buôn làng, để đưa văn hóa đến với nhiều người, H’len đang tiến hành xây dựng khu bảo tồn văn hóa phục vụ người dân trong buôn, phục vụ khách du lịch các món ăn đặc trưng của dân tộc mình. Nhiều người dân trong buôn Akô Dhông rất vui mừng, ủng hộ H’len từng cây cảnh, từng hòn đá, miếng gỗ… Những món đồ tuy nhỏ nhưng chan chứa tình yêu thương vừa giúp đỡ chị, vừa góp phần cùng buôn làng bảo tồn văn hóa của dân tộc mình.
Ông Y Dhếc Kbuôr, Trưởng buôn Akô Dhông tự hào: H’len Niê còn trẻ tuổi nhưng đã biết sưu tầm, lưu giữ những hiện vật của nền văn hóa Êđê; H’len có sự am tường, hiểu biết về các dụng cụ truyền thống là điều đáng quý của buôn làng. Nhờ có H’len mà bọn trẻ trong buôn có điểm đến để lắng nghe, tìm hiểu văn hóa của mình, từ đó có ý thức hơn trong việc lưu giữ những hiện vật truyền thống dân tộc.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc