Multimedia Đọc Báo in

Bồi hồi ký ức về miền "núi ngược" Cư M'gar

14:33, 26/06/2014
Vừa qua, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập, huyện Cư M’gar đã tổ chức một cuộc giao lưu, tôn vinh các nghệ nhân dân gian, văn nghệ sĩ, nhà báo… đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển văn hóa của một vùng đất. Cuộc gặp gỡ và giao lưu khiến tôi bồi hồi, nhiều suy tưởng…

Tháng 5-1975, mặc dù đã cùng Đoàn Ca múa Tây Nguyên biểu diễn và ngủ đêm tại Quảng Nhiêu, nhưng phải chờ đến lúc chú Y Wung Niê Kdăm mượn được của Ủy ban Quân quản một chiếc xe Jeep, tôi mới được từ thị xã Buôn Ma Thuột còn nồng khói thuốc súng về buôn Ea Sút. Cảm giác bồi hồi trong tôi thật khó tả. Con đường đất quanh co, những cánh hoa muồng vàng xinh xinh trải dày trên nền đất bazan đỏ thẫm, tựa như một tấm thảm đón đứa con gái lần đầu tiên được về quê cha.

Trước khi chúng tôi lên đường về Tây Nguyên, ba đã dặn tôi ghi chép rất tỉ mỉ để tìm đến buôn cũ là Kma răng Prong, xã Quảng Nhiêu thuộc thị xã Buôn Ma Thuột và em gái út của ba là H’Dró, tên thường gọi là Amí Nhắp. Lần đầu tiên tôi biết đến khái niệm ngôi nhà dài mẫu hệ Êđê. Khi vịn tay vào bầu vú gỗ nơi cầu thang, bước chân lên thềm nhà sàn của cô, đã nghe lan lan qua những mái nhà nghiêng nghiêng nhô ra phía trước hiên, tiếng í ới: “Wit lé anăk Ngông, wit lé – Con Y Ngông về rồi…”.  Và tiếng chiêng sầm sập như mưa rơi, như thác đổ ùa vào thính giác; hương những ché rượu cần đăng đắng, ngòn ngọt tưởng là nhẹ mà khiến chú Y Wung say ngất ngư. Và trước mắt tôi là những hình ảnh: mọi người trong buôn, ai bước lên sàn cũng đặt vào chiếc nia để gần cửa hoặc lon gạo, lon đậu, bó rau, hay cả một con gà; bàn tay gầy âm ấm nắm chặt tay tôi của Ami Nhắp… Đó là những ấn tượng đầu tiên tôi cảm nhận được về quê hương …

Năm tháng đi qua. Những mùa rẫy nương nhờ vào “nước trời” chấm dứt để mùa cà phê, cao su lần lượt đến với cuộc sống các buôn làng, với bao điều mới lạ của phương thức thâm canh tăng năng suất, đạt sản lượng cao, có hàng hóa tham gia vào kinh tế thị trường… Đã có rất nhiều đổi thay ở quê tôi. Từ một xã của Buôn Ma Thuột, tách ra thành lập huyện Cư M’gar (cái tên mà nhiều người nghĩ là núi Mnga – núi hoa, có lẽ được hiểu theo tiếng Mnông là “núi ngược” – ám chỉ dấu vết một ngọn núi lửa đã ngủ yên hàng triệu năm chăng?) đến nay đã tròn vẹn 30 năm.

Diễn tấu cồng chiêng trong Lễ mừng cơm mới tại buôn Kon H’ring,  xã Ea H’đing (Cư M’gar).  Ảnh: Lê Hương
Diễn tấu cồng chiêng trong Lễ mừng cơm mới tại buôn Kon H’ring, xã Ea H’đing (Cư M’gar). Ảnh: Lê Hương

Tôi mỗi ngày thêm gắn bó với mảnh đất đỏ au màu lửa ấy, từ những lúc về Ea Kiết tìm lại huyền thoại của nữ tù trưởng Yă Wam, hay những lần leo lên tận đỉnh Cư M’gar lộng gió, mơ về một sân vận động cực lớn; hoặc lội giữa dòng thác bạc trắng Ea M’dró giữa rừng, nghĩ đến một Cư M’gar có thêm thế mạnh về du lịch; rồi say mê giữa vòng xoang Sê Đăng trong lễ hội ăn lúa mới ở Kon Hring; ngẩn ngơ ngắm dáng nhà dài cổ truyền được cách điệu bằng gạch đá ở Ea Đinh; hòa trong tiếng chiêng náo nức những ngày hội văn hóa dân tộc của toàn huyện; cảm động nhớ ngày nào về Cuôr Đăng làm lễ thượng thọ theo truyền thống dân tộc cho người cha già trong tình cảm ấm áp của bà con và dòng họ. Những đêm đã xa uống rượu cần trong văn phòng Huyện ủy, nghe cựu Bí thư Dương Thanh Tương kể truyền thuyết về những địa danh Ea Nhái, Cư H’Lâm. Những ngày “tay xách nách mang” máy ghi âm kề bên nghệ nhân Aê Wưu ngây ngất, say mê ghi trường ca “Đam San thời thơ ấu”; đêm phục dựng cuộc kể klei khan bên bếp lửa thơm nồng mùi khói bảng lảng như thực, như hư ảo trên nhà dài truyền thống, cho các em hai trại sáng tác thơ văn thiếu nhi, mà đến nay vẫn có em còn nhắc. Nhớ làm sao những ngày mưa dầm, nhồi xóc trên chiếc xe tải nhỏ lậm lụi bùn lầy của Đội Thông tin lưu động huyện vào buôn Cháy; lần xe máy quăng tôi và Y Gương trên con đường trơn trượt về Kon H’ring ngày ở Đài Tiếng nói Việt Nam…

Cư M’gar cho tôi nhiều quá. Bởi không chỉ sự gặp lại dòng họ, mà cả thiên nhiên, con người lẫn văn hóa của một miền quê đã neo sâu trong tôi những tình cảm gắn bó ấm áp; cho tôi một quê hương để nhớ thương và đưa con cháu đi về; dạy tôi biết yêu, biết trân trọng những gì quý giá mà dẫu thân xác ông bà xưa đã tan theo đất đỏ những mùa bỏ mả, vẫn để lại vẹn nguyên.

Mỗi lần có việc về buôn, vòng qua chân ngọn Cư H’Lâm đổ dài bóng những cây cổ thụ, rồi vượt qua cầu buôn G’Rư, bắt gặp dáng vết tích đỉnh núi lửa Cư M’gar bằng chằn chặn với hàng cau mướt xanh, là lòng tôi lại dâng lên những cảm xúc rất lạ, không cũ đi chút nào, mà dường như lại càng mỗi ngày theo tuổi tác, thêm đậm đặc.

Có thể nói chính các hoạt động văn hóa 30 năm qua của Cư M’gar đã kéo tôi gần lại với quê hương. Ban đầu là những cuộc điện thoại trao đổi ý tưởng, cho đến trực tiếp tham gia thiết kế một cuộc thi tay nghề và triển lãm nghề dệt cổ truyền, để các nhà sưu tầm văn hóa lần đầu tiên được chiêm ngưỡng những sản phẩm bằng bông vải thô của đời sống tự cung tự cấp đã xa. Tiếp đến những nội dung ứng xử cho cuộc thi “Người đẹp các dân tộc” mà vẻ duyên dáng, hồn nhiên một cách rất mộc mạc của các cô gái Êđê, Tày, Dao, Thái, Kinh… chiếm trọn cảm tình của người xem. Rồi hàng loạt các đêm giao lưu văn nghệ dân gian giữa các cụm xã, buôn; những lớp truyền dạy đánh chiêng; những cuộc liên hoan giọng hát hay dành cho thanh, thiếu nhi, các ngày hội văn hóa - thể thao dân tộc toàn huyện; những lớp truyền dạy nhạc cụ dân tộc cho học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú; trại sáng tác ca khúc về Cư M’gar; liên hoan ẩm thực đoàn kết các dân tộc; đặt tên đường phố… mà hầu hết đều là những “cuộc chơi” mở đầu cho phong trào khôi phục văn hóa dân gian trong toàn tỉnh. Cũng như những trại sáng tác văn thơ dành cho thiếu nhi – duy trì thường niên đã có tới hàng chục năm nay (có lẽ đối với cả nước, đây là đơn vị cấp huyện duy nhất tổ chức). Bằng cả ý thức trách nhiệm và tấm lòng đối với sự nhiệt tình của bè bạn, tôi đã mời về đây tham gia giảng dạy những văn nghệ sĩ hàng đầu của đất nước: giáo sư, nhạc sĩ Chu Minh và nhạc sĩ Cát Vận cho lớp bồi dưỡng sáng tác ca khúc; các nhà thơ Dương Thuấn, Giang Lam cho trại sáng tác văn thơ thiếu nhi… Chưa kể bạn bè Hội Văn nghệ địa phương cũng nặng lòng với một sự nỗ lực của huyện, mà tận tụy cùng góp sức 16 năm nay cho các em, như các nhà thơ: Hữu Chỉnh, Phạm Doanh, Văn Thảnh…, các nhà văn: Nguyên Hương, Khôi Nguyên, Niê Thanh Mai… Đã có ai từng đếm hết được có bao nhiêu những giọng ca, những người đẹp lẫn những học sinh dự thi giỏi văn cấp tỉnh, cấp quốc gia của Cư M’gar trưởng thành từ những hoạt động phong trào đáng quý này chưa nhỉ?

Cư M’gar trong tôi không chỉ là quê hương thương mến, mà còn là niềm tự hào về một địa danh lịch sử của cách mạng Dak Lak, một địa chỉ có tầng sâu của “không gian văn hóa cồng chiêng” với các môn nghệ thuật diễn xướng, nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật ẩm thực náo nức mùa lễ hội, các nghề thủ công truyền thống như dệt, đan lát mây tre, điêu khắc gỗ… Và tôi mơ một ngày quê hương trở thành một trong những vùng du lịch hấp dẫn du khách và bè bạn, như cô gái đang tuổi trăng non nghiêng mình soi vào bóng quê hương, với những “núi ngược” Cư M’gar, thác Ea M’droh, núi Cư H’Lâm…

Linh Nga Niê Kdăm


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.