Multimedia Đọc Báo in

Phân công lao động trong đời sống sinh hoạt cổ truyền Tây Nguyên

17:37, 01/10/2014

Ở Tây Nguyên, chế độ mẫu hệ trong văn hóa truyền thống của đa số dân tộc bản địa khiến cho vai trò của người phụ nữ trong gia đình trở nên rất quan trọng.

Người phụ nữ là chủ gia đình, con cái theo họ mẹ, người phụ nữ đi cưới chồng, gia tài của bố mẹ do con gái thừa kế... Người phụ nữ Tây Nguyên không chỉ là người đứng đầu trong một gia đình, mà có khi còn là người chủ của một vùng đất, ví dụ như cuối thế kỷ 19, bà Yă Wăm (bà Vam) cai quản cả một vùng đất mênh mông rộng lớn (gồm cả Ea Súp, Cư M’gar, Krông Buk, Buôn Đôn…). Chính bà là người đã nhường phần đất ở Buôn Trí – Buôn Đôn hiện nay – cho Vua voi Y Thu Rnul lập nên làng Đảo, hiện nay ở huyện Cư M’gar vẫn có một vùng gọi là Buôn Yă Wăm). Hoặc tại làng của N’Trang Lơng, người đầu làng là một phụ nữ – N’ruanh bon (bà Mè Djáp), chỉ đến khi thực dân Pháp xâm lược, bà này quá già, không lãnh đạo nổi buôn làng sản xuất và chống lại người Pháp, làng mới bầu N’Trang Lơng thay thế. Các phụ nữ này đều là người đưa ra quyết định cuối cùng đối với những vấn đề quan trọng của cộng đồng buôn làng và gia đình. Trong các sử thi Tây Nguyên, vai trò của người phụ nữ luôn luôn được đề cao tuyệt đối không chỉ trong hôn nhân, giao tiếp, cúng tế mà cả trong mua bán những hiện vật mang giá trị lớn trong gia đình.

Người đàn ông làm công việc đan lát.
Người đàn ông làm công việc đan lát.

 Sự phân công công việc trong gia đình các dân tộc Tây Nguyên đa số theo hướng đàn ông chủ ngoại, phụ nữ chủ nội, nhưng quyền quyết định cuối cùng nằm trong tay người phụ nữ. Điều đó khiến cho vị trí của người phụ nữ trong gia đình cũng như trong xã hội cao hơn người đàn ông, nhưng cũng không quá coi trọng đến mức “trọng nữ khinh nam” như kiểu “trọng nam khinh nữ” của Nho giáo.

Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, sự xuất hiện của văn hóa Kinh, cũng như sự xâm nhập của các nền văn hóa vùng miền khác, kể cả văn hóa ngoại lai thông qua radio, ti vi, báo chí, Internet… đã khiến văn hóa Tây Nguyên cổ truyền dần bị thay thế. Rất nhiều quan niệm về kinh tế, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, thậm chí là quan niệm về gia đình… đã dần thay đổi. Người Tây Nguyên tiếp nhận những luồng văn hóa mới, thay thế cho văn hóa truyền thống của mình, thay đổi cả về kinh tế, tâm linh và cả trong quan hệ xã hội. Việc phân công lao động theo giới tính truyền thống và hiện tại tuy đã có nhiều biến đổi sâu xa, nhưng vẫn theo hướng đàn ông giải quyết mọi việc với bên ngoài (hướng ngoại), phụ nữ giữ tiền, quản lý và chăm sóc gia đình (hướng nội) là phổ biến. Việc chị em độc lập làm chủ gia đình là điều cá biệt.

Trong sinh hoạt gia đình truyền thống các tộc người Tây Nguyên đều có sự phân công lao động rất rõ ràng. Tuy số lượng tương đối cân bằng, nhưng công việc người phụ nữ được phân công theo giới tính không những nhiều hơn mà còn đều là việc quan trọng, việc phải làm thường xuyên kể cả thời điểm làm việc chính trong ngày (gieo trồng, làm cỏ lúa…), lẫn lúc người đàn ông có thể đã được nghỉ ngơi (chăm sóc gia súc, dệt vải, lấy nước, chẻ củi…). Trong khi đó, số lượng đầu việc của đàn ông, không phải người nào cũng làm (đan lát, săn bắn…), hoặc không phải việc thường xuyên làm (dựng nhà, khai hoang rẫy…).

Ở các gia đình dân tộc bản địa Tây Nguyên hiện tại, truyền thống văn hóa mẫu hệ vẫn còn (như con gái kế thừa tài sản, hôn nhân do nhà gái chủ động, cư trú bên nhà gái, con sinh ra mang họ mẹ…), khiến vị trí của người phụ nữ tuy được nâng cao, nhưng cũng đồng nghĩa với việc họ phải gánh vác số lượng công việc cao hơn rất nhiều so với đàn ông; thậm chí còn phải lao động vất vả hoặc tốn kém để chuẩn bị của hồi môn khi lấy chồng. Sau khi lập gia đình, nếu ở riêng, bên cạnh việc tham gia sản xuất nông nghiệp cùng chồng, hoặc đi làm thuê, làm thêm việc để tăng thu nhập phụ cho gia đình, đa số chị em phụ nữ vẫn gánh trọn vai trò quản lý kinh tế hộ lẫn chăm sóc cha mẹ già, con cái… nghĩa là muôn thứ việc không tên ngoài giờ lao động chính bị khoán trắng, mà thiếu đi sự đỡ đần của người đàn ông. Để thay đổi tình trạng này, bên cạnh việc giúp người dân nhận thức được bình đẳng giới, sự phân công lao động giữa nam và nữ hiện nay là chưa hợp lý… thì cùng với việc thay đổi ý thức của người đàn ông trong chia sẻ với vợ việc nhà, chăm sóc con cái, cũng cần phải chú trọng đến việc nâng cao kiến thức về xã hội, khoa học kỹ thuật cho các chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số, để không chỉ khiến cho họ có được tài nghệ, kỹ thuật cho bản thân, mà còn giúp họ xác định được vị trí của mình trong gia đình và cả trong xã hội, giúp họ tự tin hơn với bản thân để vươn lên làm giàu cho gia đình và tham gia vào xây dựng xã hội.

Ths. Lý Vân Linh Niê Kdăm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.