Multimedia Đọc Báo in

Nghi lễ rước đầu trâu vào gươl của người Cơ Tu

16:42, 05/01/2015
Với tộc người Cơ Tu ở vùng núi Quảng Nam, từ bao đời nay con trâu là con vật gần gũi, gắn bó mật thiết; đồng thời mang cả ý nghĩa tâm linh thể hiện mong ước cuộc sống an lành, no ấm khi được dùng để hiến tế thần linh trong các lễ hội lớn của làng. Tại các lễ hội, nghi lễ rước đầu trâu vào gươl (ngôi nhà làng truyền thống) mang dấu ấn đậm nét văn hóa của người Cơ Tu trên vùng Trường Sơn.

Người Cơ Tu quan niệm rằng, khi thần linh, tổ tiên, ông bà và các đấng thần linh nhận lễ vật, nhất là con trâu, sẽ giúp đỡ cho họ tránh được rủi ro, tai nạn, dân làng không bị chết xấu, mùa màng vụ sau sẽ bội thu... Mỗi dịp đồng bào Cơ Tu tổ chức ăn mừng lúa mới, lễ ăn mừng được mùa, lễ bỏ mả, lễ ăn mừng gươl mới, hoặc cưới vợ gả chồng, mừng nhà mới... thường tổ chức đâm trâu để cúng thần linh, tổ tiên, ông bà. Con trâu được dùng để hiến tế phải là trâu đực béo khỏe, càng béo khỏe thì càng thể hiện được tấm lòng thành của cộng đồng Cơ Tu. Địa điểm làm lễ đâm trâu bao giờ cũng trước gươl - nơi sinh hoạt và vui chơi chung của cả cộng đồng. Vào dịp này, người dân thường tổ chức nhiều hoạt động như: hát lý, đánh chiêng, chiêu đãi khách, múa tung tung da dá, liên hoan văn nghệ... và cùng nhau tổ chức đâm trâu hiến tế thần linh.

Theo phong tục cổ truyền, sau khi đâm trâu chết, người Cơ Tu hát lý khóc trâu và có điệu chiêng prờ lư dành riêng cho việc khóc trâu. Khi trâu chết, họ không quên lấy tấm dồ, tấm tuốt đẹp nhất của gia đình đắp lên mình trâu, các loại bánh, cơm lam, trái cây, chuối chín, gà, vịt, gạo... cũng được bỏ vào miệng trâu như hàm ý biểu hiện sự chia của để linh hồn trâu về thế giới bên kia cũng được no đủ, mang lại cho con người nhiều sự tốt lành. Những người tham dự lần lượt đến chỗ trâu tự lấy các loại bánh, cơm lam, chuối để ăn, máu trâu cũng được họ bôi lên trán với ước nguyện sức khỏe luôn dồi dào, gia đình hạnh phúc, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, dân làng đoàn kết, thương yêu nhau, làm ăn no đủ...

Đồng bào Cơ Tu vào hội mừng lúa mới.   Ảnh: T.L
Đồng bào Cơ Tu vào hội mừng lúa mới. Ảnh: T.L

Sau đó, người ta dùng dao cắt lấy đầu trâu, cắt một ít thịt nơi đuôi trâu và ít tiết trâu rồi đem đặt ngay tại cột đâm trâu. Ngoài đầu trâu ra, còn đặt một mâm cúng gồm: món thịt trâu nướng, luộc, một miếng thịt trâu chưa luộc, một chén cơm, một chai rượu. Tại đây, vị chủ lễ khấn mời các thần linh, tổ tiên, ông bà về chứng giám và cầu mong thần linh cho dân làng được mùa, yên ấm, hạnh phúc… Sau lời khấn của chủ lễ, dân làng reo vui, mừng cho điềm lành, thắng lợi và chuẩn bị tiến hành nghi lễ rước đầu trâu vào gươl.

Người Cơ Tu vùng núi Quảng Nam quan niệm: Việc đưa đầu trâu vào gươl và làm nghi lễ là để đánh dấu sự thành công của năm đó gặt hái đạt nhiều kết quả, qua đó níu kéo họ lại gần nhau hơn, thương yêu, giúp đỡ, đùm bọc nhau trong cuộc sống, hay trong những lúc hiểm nguy, gian khó; đồng thời để báo hiệu cho các làng khác có dịp đến gươl chứng kiến đầu trâu được treo lên năm đó sẽ biết được trong năm vừa qua trong làng được mùa, có nhiều điều tốt lành…

Đầu trâu sau khi làm lễ xong tại cột đâm trâu được đem lóc hết phần thịt, chỉ để lại phần sọ. Người chủ lễ lấy sọ trâu cõng lên lưng đi vòng quanh cột đâm trâu, cùng lúc đó trống, chiêng được đánh lên cùng điệu tung tung da dá 2 vòng báo cho thần linh, tổ tiên, ông bà biết việc hiến tế đã hoàn tất. Sọ trâu được đưa vào đặt tại vị trí định sẵn trong gươl và dùng tấm thổ cẩm đẹp nhất để đậy sọ trâu.

Mâm cúng tại gươl khấn sọ trâu chỉ do già làng hoặc chủ nhà đảm nhiệm. Già làng là người đứng cúng cầu mong thần linh, tổ tiên, ông bà phù hộ sức khỏe, bình an, được mùa… Họ đánh trống, đánh điệu chiêng vui nhộn, sôi nổi. Trong nghi lễ này, người Cơ Tu xem con trâu là người bạn thân thuộc, nên có điệu chiêng khóc tế trâu prờ lư kèm theo điệu múa tung tung (múa nam), da dá (múa nữ) nhanh và linh hoạt… Thanh niên nam nữ Cơ Tu tập trung vào nhà và hát các làn điệu dân ca của dân tộc mình với các loại nhạc cụ như khèn, sáo. Có nhóm nói lý, hát lý với nhau để hiểu thêm chuyện làng, chuyện nhà, chuyện rèn luyện đạo đức. Mọi người cùng quây quần bên bếp lửa gươl và cùng nhau ăn uống no say. Người lớn tuổi kể chuyện cổ tích về truyền thuyết tộc người cho các em nhỏ nghe, bày trẻ nhỏ đánh chiêng, đánh trống, đan lát. Cuộc vui kết thúc khi già làng treo sọ trâu lên cây cột cái của gươl làng, chiêng trống được mang đi cất vào góc của gươl, sau đó mọi người lần lượt ra về và đợi một mùa ăn trâu năm sau.

Văn Gia Phúc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.