Lời trách của mẹ
Bà đến thăm bà Ba ở cạnh nhà, sống độc thân. Hai người đồng niên nên chỉ sau vài lời “tự bạch” đã chuyện trò tâm đắc. Bà còn quen cả những người thoáng gặp. Đang quét ngõ, thấy ông kéo chiếc xe chở đầy tre đang gò lưng lên dốc, bà liền buông chổi đẩy giúp một đoạn dài khiến ông kia mừng rơn, cảm ơn rối rít. Mỗi sáng xách thùng rác đi đổ, bà lại lấy vỏ chai nước ngọt hay vỏ lon bia để riêng ra, chờ chị nhặt ve chai tới cho. Sau vài lần chuyện trò, hai người thành quen nên mỗi lần đạp xe qua ngõ nhà tôi, chị nhặt ve chai lại nhìn vô, có ý tìm bà cụ hay lại chờ để được cho món phế liệu nào đó.
bà còn phát hiện nhiều điều hay, dở xung quanh. Bà tỏ ra bất bình khi thấy nhà cuối phố có đám tang mà quán cà phê bên cạnh mở nhạc to quá. Rồi bà lo gần lo xa: “ông ở đoạn giữa khu phố đang xây nhà, cứ đổ cát lấn hết cả đường khiến xe qua lại rất dễ tai nạn”. Bà nêu gương cho các cháu khi bảo “hai đứa con ông Dụng ở đối diện thật nết na, đã đi làm rồi nhưng thấy người lớn vẫn vòng tay chào lễ phép”…
Một bữa đi chơi ở nhà bên về, bà nói với con gái: “Ông A đau nặng lắm, chắc khó qua được!”. Con hỏi lại: “Ông A nào, mẹ?”. Mẹ tròn mắt nhìn con: “ Ở chỉ cách mấy nhà mà con không biết? Sao vô tâm vậy?!”. Vợ tôi dại miệng chống chế: “Nhưng hay dòm ngó soi mói như người quê mình cũng chẳng hay đâu”. Mẹ vợ tôi trầm ngâm một lúc rồi từ tốn: “Ở đâu chẳng có cái hay điều dở. Nhưng tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau… vẫn đáng quý chứ” - Giọng bà có ý trách – “Các con từ quê mới mon men lên phố được mươi năm mà khác quá; quên đi nếp chân quê nhưng lại nhiễm nhanh thói dửng dưng lãnh cảm với xung quanh. Chẳng lẽ thế lại hay!?”.
Vợ tôi hay “lý sự” với mẹ nhưng lần này thì im bặt. Có lẽ nàng đang “ngấm” lời mẹ. Chưa cần lời, cứ nhìn lối ứng xử hòa đồng của mẹ với mọi người đã khiến chúng tôi phải suy ngẫm.
Nguyễn Trọng Hoạt
Ý kiến bạn đọc