Quê ngoại
Trong ký ức của tôi, quê ngoại gắn liền với tiếng còi tàu tha thiết, tiếng xình xịch của bánh sắt miết trên đường ray, với mùi khói than nồng ngái tỏa ra từ chiếc đầu tàu cũ kỹ... Quê ngoại gắn liền với nỗi nhớ mông lung cứ len vào tâm tưởng của tôi, nỗi nhớ cứ đầy lên theo năm tháng, mặc dù khi đã trưởng thành, một vài năm tôi mới có dịp về quê ngoại một lần. Quê ngoại tôi không thể thiếu bà ngoại với chiếc khăn nhung vấn trên đầu và đôi quang gánh trĩu bên vai, ngày ngày bà gánh hàng ra chợ, khi thì thúng gạo, khi ít vừng, lạc, khi mớ trứng tươi. Những phiên chợ đối với bà thân thương như chính mái nhà của bà vậy. Và mỗi buổi đi chợ về, thế nào trong gánh cũng có quà cho chúng tôi, lũ cháu luôn háo hức trước mọi món quà được lục từ trong những chiếc thúng có khi còn chưa vơi hết hàng, đó là tấm bánh đa vừng thơm phức, chùm khế chua, quả chay chua ngọt hay những chiếc kẹo kéo được bọc cẩn thận bằng lá chuối khô.
Quê ngoại tôi nằm bên dòng sông Lam oai hùng với cầu Bến Thủy lừng danh và núi Hồng Lĩnh đầy thơ mộng. Ngày đó tôi còn bé lắm, nhưng hễ tàu cứ chạy đến gần nhà ngoại thì tôi lại háo hức đứng ngắm đoàn tàu cho đến khi nó khuất lấp sau lũy tre, chỉ còn lại là vệt khói dài và mường tượng đó là cánh cửa mở ra những ngày vui đầy hứa hẹn hay khép lại những kỷ niệm mênh mông nỗi nhớ. Nhớ con đường về làng qua những ao sen thơm ngát, những mái nhà rêu phong nồng mùi cổ kính, những đụn rơm ngất ngưởng bên hè sau mùa gặt. Những vòng xe như cùng nao nức rút ngắn đường về quê. Hồi ấy và ngay cho đến tận bây giờ, hễ cứ trông thấy những ao làng rợp bèo, những ngõ vườn mát rượi, hàng dừa cao vút là ký ức về quê ngoại lại ùa về trong tôi. Nhớ ngôi nhà năm gian cũ kỹ vương vương mùi hoài niệm, nhớ chiếc phản gỗ đặt bên cửa sổ mà ngoại hay nằm ngóng gió mát vào mỗi đêm hè cùng chiếc quạt bằng mo cau phe phẩy trên tay, nhớ cái giếng khơi mà tôi vừa thích thú vừa e ngại khi đến gần cúi xuống soi mình và ngắm bầu trời in dưới đáy giếng. Đó là nơi các bà, các cô trong xóm ngày ngày ra gánh những thùng nước trong veo hay xõa tóc gội đầu. Nhớ cây khế sau vườn mà ngoại vẫn hay hái về nấu canh chua. Trong những nỗi nhớ vô bờ ấy, tôi còn thấy những đêm hè trời trong xanh với cơ man là đom đóm lập lòe mà anh em chúng tôi thi nhau bắt lấy bỏ vào lọ làm chiếc đèn Mạc Đĩnh Chi, và mỗi buổi sáng tinh sương được nghe râm ran tiếng gà gọi nhau, tiếng chân trâu bậm bịch ra đồng, tiếng chào nhau mộc mạc của bà con làng xóm, thấy những buổi trưa hè người đi làm đồng, đi chợ về ngả nón ngồi nghỉ dưới gốc cây đa cổ thụ ven xóm mà bọn trẻ chúng tôi cứ mỗi bữa trưa hè thường tụ tập nhau để chơi trò ú tim, rình bắt chuồn chuồn, hay đánh bi...
Nhà bà ngoại tôi không làm ruộng. Bà chạy chợ và đánh ống kéo sợi bán cho hợp tác xã. Tôi vẫn không quên hình ảnh dì út tôi ngồi bên chiếc xe kéo sợi, phải quay vừa đủ nhanh nhưng lại đều tay để sợi không bị đứt hay rối chỉ. Tiếng quay xa đều đều trong những ngày hè oi bức ấy vẫn theo tôi trong nỗi nhớ khôn cùng, để mãi ước sao được trở về cảnh cũ người xưa trong hoài vọng.
Ý kiến bạn đọc