Multimedia Đọc Báo in

Chị Hai

16:27, 21/09/2012

Cuộc sống ở quê vất vả, khó nhọc, cái đói nghèo cứ đeo đẳng gia đình khiến cha mẹ quyết định đưa cả nhà đi xây dựng kinh tế mới ở miền Nam. Mảnh đất mà gia đình tôi đến là vùng đất đỏ thưa người, xung quanh chỉ toàn cây rừng.

Đời sống ở nơi ở mới cũng chẳng dễ dàng gì với một gia đình đông con nhỏ như gia đình tôi. Cha tôi ngày làm thuê cuốc mướn, tối về lại đi bắt cá, tôm để có cái ăn cho lũ con thơ. Cuộc sống lao lực vắt kiệt sức của cha cho đến một ngày cha đột ngột ra đi. Mấy anh chị em tôi lớn lên trong tình thương yêu, sự bao bọc của mẹ và của chị Hai. Lúc bấy giờ, tôi mới chỉ là thằng nhóc khoảng 9-10 tuổi còn chị thì đang tuổi trăng tròn. Gánh nặng mưu sinh đổ dồn lên đôi vai mỏng manh của mẹ và của chị. Mẹ tôi vốn đã hay ốm yếu nay vì phải gánh vác gia đình nên mỗi ngày mẹ càng yếu hơn. Còn mái tóc của cô gái tuổi dậy thì của chị trở lên đỏ hoe, cháy khét mùi nắng, mùi gió. Cuộc sống gia đình tôi chất chồng lên cái tuổi đời non trẻ của chị. Từ ngày cha mất đi, chị nghỉ học theo mẹ đi làm rẫy thuê cho người ta. Thấy vất vả mà chẳng nuôi nổi cả gia đình, chị lại vay mượn đồng vốn chạy chợ. Sáng sớm, khi gà chưa gáy chị đã đạp xe ra chợ xã mua thực phẩm chất lên xe để vào rẫy bán cho bà con. Còn mấy anh em tôi thì tranh thủ những buổi nghỉ học đi mót củ mì, mót điều hay đi mò cua, bắt cá. Mẹ tôi mỗi ngày mỗi yếu nên mẹ chỉ nhận hạt điều về bóc tại nhà và lo cơm nước cho gia đình. Dù khó khăn vất vả nhưng chị Hai lúc nào cũng muốn chúng tôi học hành tới nơi tới chốn. Cuộc sống thiếu thốn, thấy chị nặng gánh gia đình, tôi không đành lòng nên giấu  chị bỏ thi đại học. Khi biết chuyện, chị lại động viên tôi đi Sài Gòn vừa kiếm công việc gì đó làm vừa để có cơ hội thi tiếp đại học. Tôi nghe lời chị ra đi, để lại mẹ già và đàn em một tay chị chăm sóc. Những năm tháng ở thành phố tôi đã chăm chỉ làm việc vừa gửi tiền về phụ giúp gia đình vừa nung nấu ước mơ đại học của mình. Cuộc sống mưu sinh nơi phố thị đôi khi khiến tôi ngã lòng nhưng mỗi lần đọc lại những dòng thư nghệch ngoạc của chị, tôi luôn cảm thấy có vị ngọt ngào của tình yêu thương chị gửi cho.

Cuộc sống gia đình tôi ổn định nhờ sự khéo léo của chị. Ngày tôi đem tấm bằng tốt nghiệp đại học về khoe với chị cũng là ngày chị đi lấy chồng. Niềm vui hạnh phúc đã đến với chị sau bao năm tháng hy sinh vì gia đình khiến cả nhà tôi mãn nguyện. Nhưng chẳng bao lâu sau, chị trở về tiều tụy, xơ xác. Nhận tin ấy tôi nghe lòng mình chát đắng. Càng thương chị tôi càng oán ghét người đàn ông vũ phu ấy. Chị lại về ở cùng mẹ và mấy anh em tôi. Các em tôi dần lớn lên, đi thành phố học nhờ những đồng tiền mà chị chắt bóp mà có được. Đã bao lần tôi khuyên chị nên đi tìm một người để sau này có chỗ nương tựa nhưng chị chỉ cười bảo, không phải lo cho chị. Chúng tôi càng lớn, càng trưởng thành, chị càng lặng lẽ như một cái bóng suốt ngày chỉ biết làm lụng, chăm sóc mẹ già và các em. Ngày đứa em út lập gia đình là ngày mà tôi thấy nụ cười của chị rạng rỡ hơn bao giờ hết.

Thế rồi mấy năm sau đó, căn nhà chỉ còn lại mẹ và chị có thêm một sinh linh bé nhỏ. Tiếng khóc của nó làm vỡ òa niềm hạnh phúc trong chị. Chị vẫn chưa lấy chồng nhưng chị đã được làm mẹ.

Lương Thị Nguyệt


Ý kiến bạn đọc