Multimedia Đọc Báo in

Chiếc sân gạch

15:08, 19/10/2012

Một chiều cuối đông về lại quê cũ. Quê nhà nay đã đổi thay nhiều. Những cây rơm vàng hoe với bóng dáng vài con gà mẹ nhặt thóc, bới giun quanh cây rơm giờ đã thưa thớt hẳn. Hàng rào râm bụt hoa nở đỏ ối với những con chim chìa vôi kêu suốt mùa, đã thay bằng những rào thép bao quanh mỗi căn nhà. Tạo nên sự cách biệt, không còn cảm giác gần gũi như xưa nữa.

Đi qua những ngôi nhà với màu sơn lòe loẹt, là đến ngôi nhà của gia đình tôi. Ngôi nhà nhỏ nằm giản dị trên một con đường nhỏ, con đường không tên. Mở cánh cửa gỗ là chiếc sân gạch nho nhỏ nằm lặng lẽ qua bao mùa nắng mưa làm tôi dấy lên một nỗi nhớ. Nỗi nhớ của một thời đã qua...

Những hàng gạch cũ kỹ đầy vết rêu phong của thời gian, cả đời nó lặng lẽ với những công việc tất bật của nhà nông, với những bước chân người qua lại. Mẹ tôi kể lại rằng, ngày còn nhỏ, nhờ chiếc sân gạch đó mà tôi mới biết đi. Bước chân nhỏ bé chập chững, mẹ tôi phải dìu tôi qua từng viên gạch nhỏ xíu, những lời động viên kèm với chiếc bánh, đồ chơi mỗi khi tôi bước qua được vài hàng gạch. Cứ thế tôi biết đi dần dần. Rồi cho đến từng đứa em trong nhà tôi cũng bắt đầu những bước đi từ cái sân gạch cũ kỹ ấy. Vào tiểu học, cái sân gạch cũ là “tụ điểm” mà đám trẻ trong làng tôi đến đây để chơi nhảy dây, chơi ô làng...Và vào những đêm sáng trăng, cả gia đình tôi thường quét sạch một góc để ngồi ăn cơm, nhấm nháp vài ngụm nước chè mà người bà con gửi tận trung du về.

Đến ngày mùa, những gánh lúa chất đầy sân, lúa đổ đầy sân để phơi. Mùa lúa xong, là đến mùa ngô, mùa khoai... Mùa nối tiếp mùa theo dòng thời gian lặng lẽ. Mỗi khi vào dịp tết đến, cái sân giòn tan tiếng cười rộn rã của người lớn, trẻ em, của niềm vui sum họp gia đình.

Bây giờ nhà tôi không còn làm ruộng nữa, bởi chúng tôi đã trưởng thành và có  việc làm trong xã hội, bố mẹ tôi thì đã già và đến tuổi nghỉ ngơi, tìm niềm vui bên con cháu. Một chiều mùa đông ghé về thăm nhà, cây bàng lá đỏ rụng đầy sân, thấy bóng cha chầm chậm chống gậy qua từng viên gạch để lom khom nhặt từng chiếc lá bàng rơi. Chợt thấy lòng rưng rưng một nỗi niềm. Ngày xưa khi còn bé, chính tại chiếc sân nhỏ này, cha nắm tay con đi trên từng viên gạch, và cha tập cho tôi đá bóng. Bây giờ cha lại dò dẫm đi lại một mình trên chiếc sân nhỏ với từng bước gậy. Tóc cha bạc phơ, nhường lại cho mái tóc con đen bóng. Cái sân gạch cũ nằm lim dim khi mùa đông về. Mỗi mùa đông, nó lại già thêm một tuổi. Và nó đã chứng kiến bao sự đổi thay của cuộc đời.

Bây giờ, đa số những nhà trong làng đều lát gạch hoa ngoài sân, hoặc đổ bêtông, tạo ra nhiều kiểu sân đẹp, phù hợp với thời hiện đại hơn. Nhưng gia đình tôi thì vẫn vậy, vẫn giữ hình ảnh chiếc sân gạch cũ, vẫn giữ cái giếng nước trong vắt đầy rêu phong theo dòng thời gian. Giếng nước ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn chúng tôi một thời, còn mảnh sân nhỏ kia là nơi để chúng tôi chập chững bước vào đời; và chứng kiến từng bước đi lặng lẽ của người cha già mỗi khi ra cổng ngóng con về, nhịp thời gian chầm chầm theo từng nét gậy của cha...

Cuộc sống này, có nhiều người lầm tưởng tiền có thể mua được tất cả. Để rồi cứ mãi đi tìm, mãi bị cuốn sâu vào vòng xoáy của vật chất. Nhưng có những thứ không thể mua được, mà nó đã trở thành giá trị về tinh thần trong mỗi tâm hồn con người. Và giá trị ấy được lưu giữ mãi theo dòng thời gian.

Cái sân gạch giờ đây đã cũ kỹ lắm rồi, những hàng rêu xanh đua nhau mọc, đua nhau bám vào từng kẽ gạch và in dấu bước chân người qua lại. Gia đình tôi giờ đã thưa thớt dần tiếng nói cười, bởi các anh chị đã đi làm xa, ai cũng nhọc nhằn với nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền. Chỉ có cái sân gạch vẫn nằm đó im lìm theo ngày tháng.

Một mùa đông với những cơn gió mùa đông bắc tràn về, cái lạnh luồn lách qua chiếc khăn quàng cổ, từng chiếc lá bàng đỏ rụng một góc sân, màu đỏ của bàng hay màu đỏ của mắt cha đều làm tôi dấy nên một nỗi niềm khó tả.

Thanh Trâm  


Ý kiến bạn đọc