Đâu chỉ là kỷ niệm...
Một mùa mưa nữa lại về. Cái mùa mưa luôn gợi cho người ta những cảm xúc, những suy nghĩ khó tả trong lòng. Đã bao mùa mưa đi qua, từ một cô gái nhỏ xíu, ngày hai buổi đến trường và chăn trâu cắt cỏ, rồi thoắt lại trở thành sinh viên, và bây giờ ra trường đi làm... Dòng đời cứ quay đều như một bánh xe vô lượng. Và cứ tưởng thời gian sẽ cuốn đi, sẽ xóa nhòa tất cả. Nhưng không, thời gian vẫn là một nhân chứng cho những kỷ niệm đáng yêu nhất của cuộc đời một con người.
Một mùa đông nữa lại về, lòng tôi lại háo hức với những kỷ niệm ngày còn đi học. Thời học sinh, đó là những chiếc áo len cũ quấn vào người cho đỡ lạnh, cùng chiếc áo mưa đã phai màu theo năm tháng. Thời sinh viên, dù nghèo khổ và túng thiếu đến đâu, tôi cũng đáp tàu lửa tranh thủ về nhà chơi vài hôm. Phần vì tôi nhớ nhà, phần vì tôi muốn về bên những người thân, bạn bè, để đón nhận những tình cảm nồng ấm của họ. Lần lượt từng mùa đông đi qua, nhưng mùa đông làm tôi nhớ nhiều nhất vẫn là mùa đông năm tôi mười tám tuổi, đó là năm đầu tiên tôi bước vào giảng đường đại học.
Mùa đông năm ấy tôi về quê, trong tiết trời se lạnh, khi phố xá còn lim dim ngủ, và khi những đồ chơi sặc sỡ của thiếu nhi, với những cây thông noel bắt đầu trưng bày la liệt qua các ô cửa kính. Phố cổ luôn gợi nhiều suy nghĩ cho mỗi ai đến và đi. Từng chiếc lá vàng rơi nhẹ, khẽ khàng trên mỗi góc đường. Gốc tường vi già cỗi, cố nở những bông hoa dịu dàng trong tiết lạnh.
Tôi mở cửa bước vào, mẹ vẫn lom khom bên đống thóc gạo và tỉ mỉ sàng lọc từng nắm gạo để gửi cho tôi. Tôi về nhà, mẹ rất vui, chiều hôm đó mẹ quày quả ra chợ mua các nguyên liệu về làm bánh xèo, với chả rươi, những thứ mà tôi thích ăn nhất trong những ngày đầu se se lạnh. Còn tôi, cứ đi ra đi vào để ngắm nghía đàn lợn con, và bầy gà tơ. Những con vật đáng yêu lạ lùng.
Ở nhà được vài hôm, quanh quẩn trên những con phố cổ, và bên người mẹ kính yêu, nên tôi cảm thấy thật hạnh phúc. Được vài hôm, tôi lại xách túi lên đường. Tiếng còi tàu xa xa lại thúc giục tôi. Tôi chẳng muốn rời bước chút nào. Mẹ đang lục đục trong nhà tìm một cái gì đấy từ trong phòng mẹ xách cho tôi một cái bịch to được gói ghém bao bọc rất đẹp. Hóa ra đó là một cái chăn! Cái chăn thật mới và dày, tôi biết chắc thế nào mùa đông năm nay cũng ấm rồi đây. Vậy là khỏi phải chui vào đắp chung cái chăn mỏng dính của chúng bạn cùng phòng, cùng với quan điểm của chúng: càng nhiều người đắp chung càng ấm, ấm hơi hơn ấm chăn! Mặc cho cái chăn có mỏng đến chừng nào, chúng vẫn khì khò lăn ra đắp và ngủ say sưa. Có những lúc nằm chung, tôi trằn trọc suốt đêm vì tiếng ngáy đều đều của cô bạn bên cạnh, cộng với cái chân nặng như cột đình của cô bạn thứ hai, còn tôi thì nằm giữa. Những hôm trời trở lạnh là những hôm tôi không sao ngủ được vì cái nạn “ngủ chung” đó. Tôi ao ước có một khoảng trời riêng của mình, ước mọi cái đều tương đối hơn sự túng thiếu thường nhật đó. Nhưng tôi chẳng dám gọi điện về nhà xin tiền mẹ, vì tôi biết mẹ quá vất vả, nên đôi lúc đành phải chấp nhận.
Tôi ôm chầm lấy mẹ với một lòng biết ơn sâu sắc. Cắt đứt luồng suy nghĩ, tôi ngạc nhiên về cái chăn vừa đẹp, vừa hấp dẫn với những hoa lá màu mè thích hợp với con gái, có vẻ nó rất đắt tiền. Tôi hỏi mẹ tiền đâu mà mẹ mua như vậy, mẹ nhìn tôi với ánh mắt ưu tư xen lẫn niềm vui, hóa ra mẹ đã bán đàn lợn con trong chuồng rồi. Đàn lợn mà mới đây thôi tôi thấy chúng thật dễ thương. Chao ôi! Mẹ đã bán cả một đàn lợn để mua cho tôi một chiếc chăn đẹp như thế. Tôi thấy vừa thương mẹ, vừa thấy có chút gì đó thẹn thùng vì chưa làm gì được cho mẹ vui, ngược lại còn để mẹ lo cho tôi thật nhiều. Và cả đời mẹ đã dành những tình cảm tốt đẹp nhất cho tôi.
Chiếc chăn theo tôi suốt bốn năm học xa nhà. Có những đêm trời trở lạnh, tôi mang ra đắp, và hình ảnh đàn lợn con ủn ỉn kêu trong trí tưởng tượng của tôi sao mà dễ thương đến thế. Hình ảnh người mẹ nhân từ suốt đời hy sinh vì con lại hiện về trong trí nhớ của tôi, tôi đắp chiếc chăn mà như được đắp bởi tình mẫu tử của mẹ. Đó như là hơi ấm mà đêm đêm mẹ thường hay sưởi cho tôi.
Nay có dịp về thăm nhà, vẫn cánh cổng xưa, vẫn giàn hoa giấy, vẫn bóng mẹ hiền đợi con, và hình ảnh chiếc chăn cũ kỹ ở góc nhà làm tôi rưng rưng nhớ lại một thời đã qua. Một cái thời đâu chỉ là kỷ niệm, mà nó còn là tình yêu mà mẹ đã dành cho tôi.
Thanh Trâm
Ý kiến bạn đọc