Gốc rạ chiều đông
Một chiều chơm chớm đông sang. Cái lạnh đã chạm vào dấu chân tôi qua, chạm vào những gốc rạ còn sót lại trên mảnh ruộng quê đã bao trận lụt đến rồi đi. Tận hiến một đời mình cho người nông dân, cây lúa vẫn còn chưa yên lòng, vẫn giữ một chút của thân mình để mong thêm chút hơi ấm cho một mùa đông giá rét đang về.
Lòng miên man vọng về một chiều chơm chớm đông của 2 năm về trước. Lúc ấy, bàn chân tôi cũng đang đi trên một cánh đồng, nhưng là cánh đồng một huyện nhỏ của tỉnh Thái Nguyên. Lúc ấy, từ Hà Nội, tôi theo một anh bạn cùng cơ quan về nhà. Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với con người và đồng quê Bắc bộ, và ở đó, gốc rạ mùa đông với bà con quan trọng lắm. Hầu như nhà nào cũng luôn có vài bó rạ trong bếp để nấu cơm và thức ăn. Ở quê tôi cho đến tận bây giờ vẫn dùng củi để nấu nên lúc ấy thật sự làm tôi bất ngờ. Trong một buổi chập choạng hoàng hôn, từ ruộng trở về, thấy người mẹ của anh bạn tôi ngồi trong bếp, tay liên tục đun những bó rạ nhỏ vào và đảo đi đảo lại. Ngồi nấu bếp cùng cụ, nhìn lửa bén vào từng gốc rạ khô mà thấy lòng yên tĩnh đến lạ, gần gũi đến lạ. Cái lạnh cũng như bớt đi phần nào...
![]() |
Thật ra, quê tôi ngày xưa rạ cũng quý lắm. Ba mẹ kể hồi mấy mươi năm về trước, thanh niên trong làng những đêm trăng sáng, rủ nhau ra đồng cắt gốc rạ gánh về. Quang gánh trên vai, họ vừa đi, vừa chuyện trò, vừa hát trên suốt chặng đường, qua những cánh đồng có khi cách làng gần chục cây số. Và như thế, dường như họ không thấy mệt. Những câu hát giao duyên cất lên, những mối tình êm đềm, đằm thắm cũng nảy nở. Trai gái quê yêu nhau cũng từ gánh rạ trong một đêm trăng sáng vằng vặc. Rạ hồi ấy đem về thường một phần cũng dùng để nấu bếp, nhưng đa số thì bỏ vào chuồng cho trâu bò giẫm lấy phân chuồng mùa sau bón đất ruộng, đất vườn. Quê tôi lúc ấy, nhà ai cũng nuôi vài ba con trâu lớn, tất nhiên trong chuồng không thể có rác, lá cây đủ để trâu giẫm.
Đến khi tôi sinh ra thì dân làng chỉ còn rủ nhau đi lấy gốc rạ vào dịp Tết Đoan ngọ. Đây là một cái tục đã truyền từ rất lâu đời ở vùng này. Và cuộc đi hái rạ này cũng sôi nổi không kém cuộc lấy rạ ngày xưa. Nhưng số lượng rạ lấy tất nhiên sẽ ít hơn nhiều vì đây chỉ là lấy về cho có phong tục mà thôi. Bên cạnh đó, thường cũng để dành khi con cháu trong nhà mắc bệnh sởi hay đậu mùa thì lấy gốc rạ làm thuốc rất là công hiệu. Người dân quê vốn phòng xa thế. Cũng đúng thôi, lỡ khi đau ốm, chạy ra ruộng thì chắc gì đã có gốc rạ, mà còn phải là gốc rạ khô nữa chứ...Tôi cũng nhiều lần theo mẹ, theo chị đi cắt gốc rạ như thế. Nhớ mãi lần đầu tiên, lúc ấy tôi khoảng chừng lên năm lên sáu gì đấy, cánh đồng vẫn còn xâm xấp nước, một chú đĩa to tướng bám ngay vào chân tôi, nhưng bản thân tôi không hề hay biết. Lúc phát hiện ra thì ôi thôi bụng chú đã no nê. Gỡ chú đĩa trên tay mà tôi khóc thét lên như vừa bị ba đánh đòn...
Lang bạt nhiều nơi, qua nhiều vùng quê, những cứ mỗi chiều đông se se lạnh, nhìn những gốc rạ cằn cỗi nằm im lìm chờ mùa sạ mới trên đất ruộng mà lòng thấy nao nao. Quê là đấy. Hồn người quê cũng từ gốc rạ ấy mà ra. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người nói nguồn gốc của người nông dân và con cháu họ là chui lên từ gốc rạ. Nhìn một khía cạnh văn hóa, điều ấy là đúng, là tuyệt vời. Trai gái hẹn hò nhau bên gốc rạ, rồi yêu nhau, rồi cưới nhau, sinh con đẻ cái. Những bữa cơm ấm áp gia đình cũng được nhen nhóm từ rơm rạ. Gốc rạ cứ gắn bó với hạnh phúc và sự sinh thành của người quê một cách bình dị và vô cùng thiêng liêng như thế...
Trong chiều gió nổi thổi lướt qua những ngôi nhà, những ngọn dừa, ngọn tre khuất lấp nơi làng xa xa, tầm mắt tôi vẫn trụ lại với những gốc rạ nằm sát nơi mặt ruộng. Để mà nhớ rằng mình đã bám từ đây mà ra đi, trưởng thành. Và quanh quẩn nơi gốc rạ ấy, ba mẹ mình, ông bà mình đã trọn một đời cơ cực để mong cho con cháu được mở mày mở mặt, được yên bình và hạnh phúc. Bao đời đã đi qua nơi gốc rạ quê nghèo để truyền giữ sức sống và niềm tin cho thế hệ mai sau. Rằng cho dù chỉ còn một chút như gốc rạ thôi cũng phải tận hiến hữu ích cho đời. Ba tôi bảo thế trong một bữa cơm nào đó mà giờ tôi không nhớ rõ...
Chợt muốn ôm một bó rạ to về bếp nhà, ngồi bên mẹ, đun nồi cơm tối khi màn mưa cuối chiều đã loang trên màu trắng của mái đầu mẹ...Rạ ơi!
Nguyễn Thành Giang
Ý kiến bạn đọc