Ký ức thời lửa đạn
Nhớ mùa đông Hà Nội 1972
Nửa đêm giật mình tỉnh giấc vì nghe tiếng gió rít ngoài khung cửa sổ. Có lẽ bị giam hãm đâu đó suốt chín lần trăng vơi đầy, nên năm nào trở lại, gió cao nguyên cũng vội vàng, ào ạt, không lồng lộn phá phách giật mái nhà, bẻ cây cối; thì cũng nghịch ngợm bốc đất đỏ tạt vô mặt, tung tẩy những đám lá vàng trên đường trêu chọc con người. Mùa gió lộng trên cao nguyên bao giờ cũng bắt đầu khi bà lão mùa đông nhận cây gậy quyền lực đến với trái đất vào những tháng tận cùng của năm.
Phụ nữ và trẻ em rời Thủ đô đi sơ tán trong những ngày cuối tháng 12 năm 1972. Ảnh: Tư liệu |
Chẳng biết có cơ duyên nào xui khiến, mà bất chợt con gái lớn mang cháu ngoại từ Công Pông Chàm về thăm nhà. Cô gái tuổi Quý Sửu, tôi mang thai vào đúng năm giặc Mỹ dùng máy bay B52 rải thảm xuống Hà Nội, Hải Phòng và nhiều nơi khác, với tuyên bố rất hùng hồn rằng sẽ “đưa Hà Nội trở lại thời kỳ đồ đá cũ”. Những ngày này, Hà Nội đang chuẩn bị cho kỷ niệm 40 năm “ Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không” chống lại cuộc không kích với ý đồ công khai hủy diệt một đất nước có chủ quyền. Là một người dân đất Việt, tôi không thể nào quên những ngày tháng mà chính mình cũng là một trong những nhân chứng sống ấy. Và câu chuyện vui vầy của gia đình hôm nay bỗng có lúc nhắc đến chủ đề này.
Mùa đông năm 1972. Sắp đến Noel. Hy vọng ở sự ngừng bắn theo tập tục đạo lý của người Mỹ. Hàng đoàn xe đạp - phương tiện di chuyển cá nhân duy nhất ngày ấy - nườm nượp từ mọi ngả đồi cọ, đá ong của miền trung du sơ tán đổ về 5 cửa ô Hà Nội. Tranh thủ nghỉ ngơi vài ngày, quét bụi bặm trong ngôi nhà thân thương của mình; xếp hàng (bằng cục gạch hay chiếc thúng) lấy chỗ chờ đong thêm vài chục cân gạo, mua bằng phiếu ít mỡ thực vật, hoặc đơn giản chỉ là ký đậu phụng (lạc) thay chất đạm cho người già, trẻ con. Gói ghém cho kỹ lưỡng, cất lên cao những túi bột mỳ, ghé qua lò xem lúc nào có thể đem đến làm được ít bánh quy gai, quy xốp chuẩn bị sớm hơn cho cái Tết. Hoặc hối hả đem bột mì đổi lấy mì sợi, đổi khoai tây, ngô răng ngựa, sắn lát khô cho những người đi xe đạp rong lấy vài cân gạo quê. Viết vội lên tường mấy câu nhắn nhủ người nhà sơ tán nơi khác không kịp hẹn gặp… Các đoàn nghệ thuật chúng tôi cũng được “ lén” về Hà Nội chuẩn bị chương trình phục vụ tết các chiến trường.
Ngày 17-12-1972, có thông báo khuyến cáo phải lập tức trở lại nơi sơ tán, vì có thể Hà Nội sẽ bị ném bom tàn khốc hơn. Dường như không ai tin, bởi theo truyền thống và đạo lý, những ngày lễ , tết cả hai bên vẫn thường chấp hành tốt lệnh ngừng bắn. Mấy ngày trước đó, các đài phương Tây lẫn Việt Nam đều đồng loạt đưa nhiều tin tức về sức mạnh của các “Pháo đài bay B52” - vũ khí chiến lược của Mỹ. Vì thế nên khi còi báo động lại vang lên như mọi khi và tiếng loa nhắc nhở “ Đồng bào chú ý, máy bay địch cách Hà Nội…cây số”, tôi buột miệng bảo chồng “Đến B.52 ném bom là cùng chứ gì?” thì đã thấy mọi thứ xung quanh rung chuyển như động đất. Ông xã kéo tôi chạy ra hầm trú ẩn nổi gần đó “ nhanh lên, B52 thật rồi đấy”, nhưng hầm đã quá đông, nên chúng tôi lại trở vào nhà. Anh bắt tôi chui xuống gầm giường, vì nhà tranh, vách đất, nếu có đổ cũng không nguy hiểm lắm. Tôi ôm cái bụng bầu ngồi trên giường, mỗi khi nghe tiếng máy bay (ầm ì rất nặng) lại chui xuống. Suốt đêm ấy, Hà Nội liên tục bị dội bom, mặt đất chóng chành như nằm võng. Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin nóng : phố Khâm Thiên, bệnh viện Bạch Mai, ga Hàng Cỏ, các trường đại học gần đó…, là vệt bom đầu tiên ở Hà Nội. Từ nửa đêm, lệnh sơ tán khẩn cấp đã được thông báo qua loa phóng thanh xen lẫn với những đợt còi báo động và thông tin về hướng, lẫn khoảng cách máy bay Mỹ vào Hà Nội . Bằng mọi phương tiện ô tô, xe đạp, xe bò, gồng gánh…., người Hà Nội ùn ùn dắt dìu nhau ra khỏi Thủ đô.
Đang giữa mùa gặt, lúa vàng óng hứa hẹn một vụ mùa bội thu, trải rộng khắp mọi cánh đồng trung du. Người người mải miết chạy đua với máy bay Mỹ, gánh lúa nào cũng trĩu nặng kĩu kịt chuyển về nhà, hương rơm thơm mọi ngõ xóm. Suốt 12 ngày nóng bỏng, cả nước không chỉ ngày đêm lắng nghe tiếng lũ quạ đen gầm rít đe doạ, tiếng súng phòng không ròn rã chống trả quyết liệt của bộ đội & dân quân tự vệ, mà bà bầu như tôi còn không kìm nổi, nhảy nhót hò reo với mọi người khi nhìn những chiếc máy bay bốc cháy ngùn ngụt, như ngọn đuốc khổng lồ lao vùn vụt xuống đất; Người ta đổ ra đồng bắt sống phi công Mỹ và tụ tập ở dưới mọi loa phóng thanh, tại những gia đình có radio, theo dõi thông tin, hồi hộp, vui mừng đếm từng chiếc máy bay B52 hay “Thần Sấm”, “Con Ma” bị bắn hạ; chia sẻ xót thương với sự tàn phá khủng khiếp ở mọi nơi…
Sau 12 ngày đêm đánh phá và bị nếm đòn đau với 81 máy bay bị bắn rơi, trong đó có 34 “pháo đài bay” B52, Mỹ đã phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc.
Người Hà Nội hân hoan trở về trong niềm vui chiến thắng. Lại nườm nượp, nườm nượp, cót ca cót két trên mọi nẻo đường đổ về thành phố những chiếc xe đạp đủ mọi kiểu dáng, lặc lè chồng chất đồ đạc và con người…
Vừa về đến Hà Nội, tối ấy vợ chồng tôi chở nhau ngược ra Khâm Thiên xem sao. Bàng hoàng bởi sự đổ nát tan hoang đến nghẹt thở suốt một dọc dài con phố vốn quen thuộc biết bao với tuổi thơ tôi. Chỉ còn toàn gạch đá ngõ phố chật hẹp. Rạp chiếu phim nơi bọn trẻ con chúng tôi mỗi ngày thứ năm tíu tít xem phim hoạt hình “ Hãy đợi đấy!” sạt mất một góc…Lõi những chiếc cột nhà còn sót lại chọc lên trời xanh nhức nhối. Cả tháng rồi, người ta vẫn lặng lẽ bới tìm những gì còn sót lại của căn nhà thân yêu cũ, hì hụi dọn dẹp, chuyển đi những đống gạch đá ngổn ngang… Người Hà Nội nén những giọt nước mắt thương đau, gượng hết sức mình, xé thảm bom B52 mà đứng lên…
Thoắt chớp mắt mà đã 40 mùa đông rồi ư? Con cái tôi đều đã thành đạt cả về học thức lẫn lạc nghiệp. Cô ấy chẳng hề biết gì về những ngày bầu trời Hà Nội đỏ lửa, tan hoang, vì được sinh ra trong một chiều mùa hè tạm gọi là yên ắng của năm con Trâu.
Mong cho các cháu ngoại của tôi lớn lên trong một không gian yên bình, không bao giờ phải chịu cảnh đêm đêm từ nơi sơ tán ngóng về, khao khát một ngày không có tiếng bom rơi đạn nổ, không phải đội những chiếc mũ rơm nặng trịch đến lớp như những thế hệ thời chiến tranh.
H’Linh Niê
Ý kiến bạn đọc