Multimedia Đọc Báo in

Tản văn

Nhớ mùa cốm Tết

08:38, 18/02/2013

Cũng lâu lắm rồi tôi không về quê. Cái làng nhỏ nơi mình chôn nhau cắt rốn theo thời gian cứ nhạt nhòa dần. Nhạt nhòa bởi ký ức ngày càng mịt mù theo tuổi tác và phần khác người thân mỗi năm cứ thưa vắng dần. Thưa vắng đến một lúc nào đó, có lẽ sẽ chẳng còn ai để níu kéo mình về nơi cái làng nhỏ bé nhưng lại nhiều kỷ niệm ấy nữa!

Bỗng nhiên trưa nay nắng chợt xuống thật vàng. Nắng trưa đáng lẽ phải rực rỡ, chói lọi nhưng lại vàng cái màu của mật ong, vàng cái màu mênh mang của nắng xế. Cùng theo đó, gió bấc nâng cát bụi lên là đà, kéo theo những cánh lá khô nghiêng lăn khắp các nẻo đường thành phố. Nắng vàng và gió bấc báo xuân sắp về, lòng lại chợt sắt se nhớ về những cái tết xa lắc xa lơ năm nào, thời tuổi còn rất nhỏ.

Thời ấy quê tôi cứ tết đến là nhà nhà đóng cốm để thờ cúng ông bà… Những vuông cốm cỡ cuốn sổ tay, dày khoảng mươi, mười lăm phân, dán giấy nhiều mầu xanh, đỏ, tím, vàng sặc sỡ, bày hai bên trên bàn thờ ông bà là biểu tượng đặc trưng nhất của ngày tết ở quê tôi. Cứ vào khoảng hạ tuần tháng Chạp trở đi là những lò rang nổ tết bắt đầu hoạt động. Có nhà tự rang và cũng không ít nhà đi thuê rang. Để có được những bông nổ tốt, người ta chọn nếp và giũ phơi sạch sẽ từ vụ mùa trong năm.

Và cũng chẳng biết bắt nguồn từ đâu, có lẽ do thời tiết và tranh thủ thời gian lúc năm cùng tháng tận, những lò thường rang nổ vào các buổi tối hay khi trời mờ sáng. Chẳng hình ảnh nào làm dậy lên không khí chuẩn bị tết cho bằng trong cái lạnh se se cùng sương bay lập lờ của tiết tiểu hàn, đại hàn phương Nam, đó đây trong làng lập lòe ánh lửa nơi những lò rang nổ. Ở đó, bên cạnh lò lửa đỏ hừng và tiếng nổ lụp bụp liên hồi của hạt nếp là bao câu chuyện về mùa màng, tết nhất từ những người phụ nữ đến rang nổ và bọn trẻ chúng tôi thì chạy lượm nổ lăng xăng. Những hạt nếp nở xòe như bao đóa hoa trắng muốt, văng ra từ lò rang và thơm, nóng hôi hổi trên tay khi lượm được. Không khí các lò rang lúc đêm lên, ngày rạng ấy đã có thời quyến rũ, mê hoặc lũ trẻ chúng tôi vào thời điểm tháng tận năm cùng.


Rồi thì đến công đoạn nhà nhà lượm trấu nổ, thắng đường, trộn nổ, đóng, phơi  cốm đến dán giấy nhiều sắc màu. Cái mà bọn trẻ chúng tôi thích nhất là cắt, dán hoa vào những đầu hộc cốm. Từ các rẻo giấy đủ mầu “đầu thừa đuôi thẹo”, chúng tôi tỉ mẩn xếp cắt thành nhiều loại bông hoa. Những hoa giấy này dán vào hai đầu cốm vừa để che nếp gấp vừa để  hộc cốm đẹp thêm khi chưng trên bàn thờ ông bà. Nếu muốn đẹp và đa dạng hơn nữa thì cắt nhiều hoa khác màu và dán chồng lên nhau trong to ngoài nhỏ dần.

Thường thì cốm chưng trên bàn thờ chỉ vài mươi hộc. Có nhà làm chỉ đủ chưng, nhưng những gia đình nhiều người có khi đóng đến vài ba trăm hộc. Sau lễ cúng tiễn ông bà và hạ nêu, cốm được cất vào nơi thoáng mát. Nhà nào đóng nhiều cốm, họ để dành ăn dài dài cho đến hết tháng Giêng. Càng xa tết, cốm ăn càng thấy ngon. “Nhà mày còn cốm hông ?” thường là câu hỏi cửa miệng lúc chúng tôi gặp nhau, khi mà cái tết đã lùi vào xa lơ xa lắc. Tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng của nông nhàn, những hộc cốm cắt, bẻ ra làm buổi uống trà sáng của người lớn thêm đậm đà và tuổi nhỏ, hay thích đồ  ngọt chúng tôi thì… rất đã thèm và ấm bụng. Cánh mục đồng thời ấy, sáng sáng cưỡi trâu ra đồng chăn mà có đeo lắt lẻo bên hông hộc cốm thì cứ gọi là… sang nhất trần đời !

Tuổi nhỏ mỗi thời, mỗi nơi có một kỷ niệm khác nhau. Trẻ con vùng sâu vùng xa và trẻ con phố thị bây giờ và ngày xưa cũng không chắc ấu thơ nào kỷ niệm hơn thơ ấu nào. Riêng tôi, cứ mỗi khi thấy gió bấc, nắng vàng và gặp cái lạnh hanh se của tháng Chạp thì lại nghe dào lên trong lòng mùi hương cốm tết. Lại nhớ quê xưa, nơi có các lò rang nổ lập lòe ánh lửa trong những đêm tháng Chạp đầy giá sương. Và, tưởng như nó còn ấm mãi tận giờ mỗi khi tết tới, xuân về lòng bồi hồi nghĩ đến.

Lê Nguyên Ngữ
 


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Bếp nhà
08:26, 01/02/2013
Gánh xôi của mẹ
06:05, 13/01/2013
Sông làng
14:54, 11/01/2013
Bếp lửa ngày xưa
09:03, 05/01/2013
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.