Multimedia Đọc Báo in

Tết quê

08:39, 18/02/2013

Mỗi khi chộn rộn không khí Xuân, ai cũng có một khoảng lặng để nhớ về một thời xưa cũ. Với tôi cũng vậy, những lúc phải “chạy đua” với thời gian để hoàn thành mọi việc cần thiết trước giao thừa bỗng chợt thèm một lần được trở lại tuổi thơ để được thưởng thức vị Tết quê…

Quê tôi không phải là mảnh đất trù phú như nhiều làng quê khác, nhưng truyền thống “ăn Tết” của người dân thì không hẳn nơi nào cũng giữ được. Bắt đầu từ 20 tháng Chạp, mọi nhà đều gác lại công việc đồng áng, mùa màng để dồn sức cho việc chuẩn bị Tết: trang hoàng nhà cửa, dọn dẹp ngõ xóm… sao cho mọi thứ đều tươi mới đón Xuân sang. Đến 23 tháng Chạp, ngày “tiễn ông Táo về Trời” cũng là ngày quê tôi mở phiên chợ. Từ sáng tinh mơ, các bà, các mẹ đã í ới gọi nhau đi chợ. Từ nhà tới chợ, đâu đâu cũng rôm rả tiếng cười nói bởi toàn người làng, người quen hỏi han chuyện mùa màng, chuyện sắm Tết, chuyện gói bánh, đụng lợn… Đến chợ Tết, cảm nhận Tết đến càng rõ hơn, bởi chợ có đủ các thứ phục vụ cho ngày Tết và có cả những mùi hương rất riêng mà chỉ chợ Tết mới có, ấy là mùi của hoa đào quyện trong hương thơm của nhang trầm, rồi mùi ngai ngái của lá dong giềng lẫn mùi thơm của cây mùi già (người dân quê tôi hay có thói quen nấu nước cây mùi già để tắm trong những ngày cuối năm nhằm gột rửa hết những xui xẻo của năm cũ). Cũng vì là phiên chợ cuối năm nên người nào rời khỏi chợ Tết cũng mang về đầy ắp những thứ ngon, của đẹp vừa ý để trang hoàng nhà cửa, cúng gia tiên. Từ ngày 25 đến 27 tháng Chạp, đi từ đầu làng đến cuối xóm đều thấy nhà nhà nhộn nhịp với việc chọn lá, phơi lá, gói bánh, giã giò. Ở quê mọi người vẫn quan niệm ngày Tết là dịp thể hiện lòng thành đối với ông bà tổ tiên nên chẳng ai mua bánh mứt mà đều tự làm lấy. Chính vì vậy nhà nào cũng làm một cái bếp lộ thiên trước sân hoặc ngoài vườn để nấu bánh, luộc giò. Vào đêm đông giá rét, cái bếp lộ thiên rừng rực lửa ấy là nơi lý tưởng để cả gia đình quây quần vừa trông chừng nồi bánh vừa ôn lại những gì làm được trong năm.

Chiều 30 Tết, nhà nào cũng bày mâm cỗ để cúng rước ông bà. Đối với người dân quê, Tết là dịp để tưởng nhớ ông bà cha mẹ đã quá cố cho nên món ngon nhất, sang trọng nhất... đều được bày cúng trên bàn thờ. Hơn nữa, dân quê tôi có quan niệm thời khắc giao thừa khởi đầu năm mới là thời khắc sơ khai tinh túy nhất của trời đất trong năm nên linh thiêng lắm, hễ lạy trả nghĩa ông bà cha mẹ là trả nghĩa suốt năm, cầu ông bà phù hộ điều gì thì khắc sẽ linh nghiệm. Vì thế, dù con cái có đi chơi đâu thì đến gần giao thừa là phải tề tựu đông đủ, tắm rửa sạch sẽ, thay đồ mới rồi bày bánh mứt, nước trà mà lạy bàn thờ để trả nghĩa gia tiên. Bắt đầu từ sáng mùng 1 Tết, đường sá thôn quê trở nên tấp nập, tiếng cười nói huyên náo, bởi dân làng đi mừng tuổi ông bà, cha mẹ, họ hàng và chúc Tết bà con hàng xóm để mối quan hệ của gia đình dòng họ, láng giềng ngày càng thắt chặt hơn. Sau những câu chuyện, lời chúc mừng năm mới, mâm cỗ Tết được bày ra liên hoan đầu năm. Ấy cũng là lúc để mọi người cùng xum vầy thưởng thức những món ăn do chính bàn tay mình tạo ra từ lương thực, thực phẩm mỗi nhà dày công nuôi trồng trong năm cũ và cùng nhau nói về chuyện vụ mùa của năm mới.

Tết quê chỉ có vậy, mộc mạc và giản dị như những gì người dân quê vốn có. Thế nhưng, những đứa trẻ ngày xưa rời quê lên phố, giờ đây lớp vỏ cuộc sống đã nhiều phần tinh tươm hơn trước, song ai cũng bị hút theo sự vội vã của vòng quay thời gian, dường như đã quên mất truyền thống “ăn Tết” của quê mình. Ngày Tết, trong mỗi gia đình vẫn có đầy đủ mọi thứ, thậm chí còn nhiều và đẹp hơn so với ở quê, nhưng mọi thứ đều được đặt từ các dịch vụ có sẵn ngoài thị trường. Đôi lúc, nhắc lại chuyện Tết quê, nhiều người vẫn thốt lên: “Tết bây giờ đâu còn như ngày xưa nữa…!” rồi lại ước: “Giá như...”.  

Kim Oanh

 

 


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Bếp nhà
08:26, 01/02/2013
Gánh xôi của mẹ
06:05, 13/01/2013
Sông làng
14:54, 11/01/2013
(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.