Multimedia Đọc Báo in

Cô giáo cũ

09:35, 09/03/2013

Thời gian bốn mùa thay lá, cô giáo vẫn đi về lặng lẽ trên những con phố quen thuộc...

Cô là một người con của phố cổ Hội An, ngày cô mới ra trường về đây giảng dạy, lúc ấy tôi còn bé xíu. Thấm thoắt thời gian trôi nhanh, trải qua bao lớp bụi của thời gian, tôi lớn nhanh, trở thành học trò của cô. Những kỷ niệm của cô với chúng tôi còn lưu mãi dưới mái trường nơi đây. Sau này tôi lớn lên, và cuộc đời tôi bắt đầu cho những chuyến xa nhà. Dẫu vậy, mỗi lần ghé về thăm trường cũ, tôi lại nhìn thấy bóng dáng cô quen thuộc trên bục giảng với mái tóc ngắn đã lốm đốm bạc.

Phải nói rằng, trên chặng đường thành công của mỗi người, đều có sự đóng góp rất lớn của thầy cô giáo. Đúng như ông bà ta từng nói: “Muốn sang thì bắt cầu Kiều, muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”. Hay “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Và cô giáo ấy, đã để lại rất nhiều kỷ niệm sâu sắc trong thời cắp sách của tôi. Từ hình dáng của cô, cho đến những bài học về đạo làm người, đều làm tôi nhớ rất rõ. Tên của cô là tên của một loài hoa, loài hoa nở về ban đêm, mang đến những hương thơm cho đời. Cô giáo ấy tên Quỳnh.

Ngày ấy, tuy nghèo nhưng mỗi chúng tôi đều biết chia sẻ, yêu thương, đoàn kết lẫn nhau.  Chúng tôi như một bầy chim nhỏ, luôn được cô dang rộng vòng tay ra để sưởi ấm, để thương yêu. Cứ vào mỗi sáng mùa đông, tôi thường dậy sớm cùng mẹ luộc khoai. Tôi mang đến trường chia cho các bạn khác trong lớp, ăn trong buổi sáng mùa đông giá rét, chống chọi lại cái lạnh để có sức mà học tiếp. Phần còn lại, tôi thường gói kỹ vào một chiếc lá chuối để trên bàn cho cô. Những củ khoai ngọt bùi, thơm ngát thể hiện tấm lòng của chúng tôi dành cho cô giáo ấy. Tôi nhận ra rằng: có lẽ, cái nghèo đã giúp chúng tôi hình thành sớm khái niệm về tình yêu thương, giữa những con người với nhau trong một tập thể. 

Mỗi giờ học trôi qua, những câu chuyện về cuộc đời, những bài học nhân sinh trong cuộc sống, thể hiện dưới giọng nói dịu dàng, ánh mắt đằm thắm của cô giáo ấy đã khắc họa trong tâm trí tôi cho đến tận bây giờ.

Tôi nhớ nhất là buổi học cuối cùng, cô đã tặng cả lớp chúng tôi một chữ để mong chúng tôi “khắc cốt ghi tâm” trên đường đời, đó là chữ Nhẫn. Bởi cô nói rằng, cuộc đời có lắm điều éo le, nghiệt ngã, chứ không phải lúc nào cũng bằng phẳng như chúng ta thường nghĩ. Chính chữ Nhẫn sẽ là động lực chính để giúp chúng ta vượt qua bao thử thách, khó khăn của cuộc đời. Và giúp chúng ta đứng vững trên đôi chân của chính mình, trở thành người có ích cho xã hội.

Thời gian rượt đuổi nhau, phủ một màu trắng lên mái tóc của những người đưa đò năm nao. Tôi xa con phố. Tôi không có nhiều dịp để đến thăm cô, thăm trường xưa nữa. Nhưng vẫn tranh thủ mỗi khi về quê, tôi lại đến nhà hỏi thăm sức khỏe và thăm cô. Ngôi nhà của cô ở cuối con phố. Gốc hoa tường vi già vẫn đều đặn ra hoa. Bây giờ tóc cô đã bạc hơn xưa, vẫn chiếc xe đạp cũ, vẫn những chiếc áo dài có hình hoa văn tím, mà cô vẫn thích. Cô đến lớp đều đặn.

Trong vòng quay của cuộc sống hiện đại, của những đổi thay của bao cuộc dâu bể. Sự giàu có, thịnh vượng của con phố giờ đây đã khác trước rất nhiều. Vậy mà cô vẫn chọn cho mình một lối sống giản dị. Ngày đêm, cô chỉ trăn trở, nghĩ suy, miệt mài bên từng trang giáo án. Ngôi nhà nhỏ, cùng với cánh cửa khép hờ, đôi guốc gỗ đơn sơ là những gì nói lên được cuộc đời và tính cách của cô. Hàng ngày cô giáo tôi bầu bạn với từng trang giáo án, với những chậu hoa trước sân nhà.            

Thanh Trâm


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.