Ghita
Tôi còn nhớ mãi một lần, dưới cơn mưa lạnh lẽo của ngày mùa đông, hai bố con người ăn xin nép mình vào bên hiên nhà. Đôi mắt người bố xa xăm, dáng hình cậu con trai bé nhỏ. Nhẹ hôn lên trán con trai, người bố khẽ nâng đàn, vừa đàn vừa hát một bản nhạc Trịnh buồn buồn về phận người chìm nổi vô thường. Có lẽ trong đời, tôi chưa từng được nghe giọng ca nào ấm áp đến thế, tiếng ghita thánh thót từng giọt từng giọt hòa cùng với tiếng mưa rơi, trong đến lạ thường. Và tôi bỗng nghĩ nhiều về bố – người đã cho tôi những ấn tượng đầu tiên trước tiếng đàn, đã ru tuổi thơ tôi dịu êm trong những đêm bên ngọn đèn khuya…
Ngày xưa, cứ mỗi khi trời tối, hai mẹ con lại trải chiếu ra trước sân nhà đợi bố về. Điện đóm chưa có, ngọn đèn dầu trở thành một phần không thể thiếu cho những đêm đợi chờ của hai mẹ con tôi. Nhưng điều làm tôi hãi nhất là nhà cửa trong xóm vắng hoe, kế bên nhà tôi là một khu vườn hoang cỏ dại um tùm, ban đêm tiếng côn trùng rả rích. Biết tôi sợ, mẹ ôm tôi vào lòng, hát cho tôi nghe và vỗ về: “Lát nữa bố về, bố sẽ đàn ghita cho con nghe”. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in lời mẹ nói và hơi ấm của mẹ truyền sang người tôi những đêm trời lành lạnh.
Minh họa: Trà My |
Thế rồi, bố cũng trở về sau một ngày làm việc vất vả. Mẹ nói bố đi làm ở một nơi xa, rất xa. Như một linh cảm, tôi thường thức dậy đúng lúc những khi bố về. Và không khi nào tôi lại không được bố cõng trên vai, đi từ ngoài sân vào tận chiếc bàn làm việc của bố. Xong đâu đấy, tôi lại sà vào lòng bố nũng nịu như đã sà vào lòng mẹ. Bố cười rất tươi: “ Để bố đánh đàn cho cu Bi nghe nhé !”, rồi bố với tay lấy cây đàn ghita cũ kỹ mà một người bạn đã tặng và đánh lên một vài bản nhạc nghe cứ nao nao. Dẫu chưa đủ lớn để cảm nhận được cái sâu xa, luyến láy thâm trầm trong từng nốt nhạc, nhưng tôi biết bố đánh đàn rất hay, ít nhất là tâm hồn trẻ thơ đã mách bảo như thế. Để rồi tiếng ghita ấy theo tôi suốt cả một đời.
Cơn mưa dừng, tiếng ghita cũng bặt im, hai bố con người ăn xin lại nắm tay nhau đi trên con đường vô định. Hình như họ không có nhà, tình phụ tử thiêng liêng và tiếng ghita trầm buồn như những gì thân thiết cứu rỗi linh hồn và cả cuộc đời hai con người nghèo khổ, cô đơn giữa cuộc đời giá lạnh…
Bố tôi cũng rời xa cây đàn từ lâu. Nhiều năm rồi, tóc người chớm bạc, bao lo toan giữa dòng đời xô bồ đã khiến người chẳng đủ bình tâm chạm tay vào cây đàn thân thương. Hôm tôi về nhà, bố bảo tôi đánh đàn cho bố nghe. Những bản ghita khi xưa bố đàn lại được cất lên bằng tất cả tâm hồn tôi. Lần ấy, tôi thấy trong mắt bố hình ảnh của một giọt lệ…
Khi thi sĩ Garcia Lorca nói: “ Một mai tôi chết đi, hãy chôn tôi với cây đàn ghita”, không hiểu sao, tôi tin ông đã đi đến tận cùng những hạnh phúc và khổ đau trong cuộc đời bằng chính cây đàn ghita của mình. Có lẽ vì thế mà ghita tự khi nào đã trở thành hoài niệm cho bạn, cho tôi, cho tất cả chúng ta, mà những hoài niệm như vậy sẽ không bao giờ chết.
Lê Minh Kha
Ý kiến bạn đọc