Kỷ niệm tuổi thơ
Ao quê mùa gặt
Đôi lúc chạy xe như một kẻ mộng du trên đường quốc lộ 1A chỉ để ngắm nhìn bà con cô bác đang vào mùa gặt hai bên đường, chỉ để hít căng tràn lồng ngực mùi khói đốt rơm chiều bay lên quện vào hoàng hôn, chỉ để nhìn những đống lúa lép đang từ từ un lên nỗi niềm người quê kiểng. Và chỉ những lúc đó, thằng bé nhà quê trong tôi hiện hình rõ hơn bao giờ hết.
Nhưng rồi, nhớ hơn cả đám ruộng nhà mình, những mùa gặt, những bữa đúc bánh xèo của mẹ..v..v.. có lẽ là ao cá góc ruộng. Quê làm ruộng thì hầu như nhà nào cũng có một cái ao nho nhỏ. Lúc hết nước thì có mà tưới cho hoa màu. Đến khi trước ngày gặt thì lại tháo nước ruộng vào ao để cá theo mà vào cho dễ bắt. Tuổi thơ hồn nhiên và cả đến lúc bước chân vào giảng đường đại học, tôi vẫn còn theo ba mẹ đi tát ao trong những mùa lúa chín vàng ươm khắp ruộng. Ký ức ùa về, nhảy múa lộn xộn như những chú cá tràu, cá trê cố tìm đường thoát ra khỏi cái giỏ có hom sâu. Mọi cái vẫn cứ như ngày hôm qua với mùi bùn còn vương nơi đầu mũi.
Ba mẹ thì trông vào được mất của mấy đám ruộng để lo cái ăn, cái mặc cho chị em tôi. Tôi lòng cứ rộn lên nghe ngóng xem lúc nào ba bảo nước trong ao cá đã cạn, và cạn đến chừng nào. Và, khi lúa đã gặt vừa xong, hoặc khi đang gặt được nửa đám, ba chân tay bùn lấm lem, về bảo đi tát ao. Vậy là nhiều khi không dép, không mũ nón, tôi xách vội cái nơm hay cái gàu múc chạy bạt mạng ra đồng như sợ ai giành mất mấy chú cá trong ao nhà mình. Đôi chân trần chạy qua những đám ruộng gặt vừa xong, ngập trong bùn đất quê nhà, và lâng lâng một niềm vui khó tả...
Lúc nhỏ thì tôi được giao nhiệm vụ dễ nhất, đó là cầm rổ cho ba tát nước vào. Chiếc gàu trên tay ba hì hục đổ từng miếng nước từ ao lên ruộng. Còn tôi thì mắt dán vào rổ để tìm xem có chú cá, tôm, cua đồng nào mon men lên trước, theo nước lọt vào rổ hay không. Rồi đến khi ba tát cạn, tôi lại được giao nhiệm vụ cầm giỏ cho ba mẹ bắt cá bỏ vào. Đôi khi hứng chí, tôi cũng chạy theo những chú cá rô, cá tràu, cá giếc lách mình trên bùn cạn. Nhưng thường là không được hoặc rất khó khăn. Đôi tay vụng về của một cậu bé vừa mới đi mẫu giáo thì rất khó trước những chú cá đang nỗ lực tìm đường sống. Có khi lại rủi tóm phải một chú cá trê, bị ngạnh chích vào tay thì đau đến tận óc. Nhưng thế mà vui...
Lớn lên, tôi đã có thể tát nước giúp ba, rồi bắt cá trong ao khi cạn. Niềm vui cũng nhân lên khi tự tay nắm những chú cá tràu cá trê to bằng cả bắp tay người lớn. Thú nhất là những chú cá to chui vào những hang ven bờ hoặc đường ống thoát nước của ao. Những chú cá chui vào trốn ở đây đều rất khôn, nếu không tìm kiếm kỹ sẽ rất dễ bỏ sót. Vậy là chỉ cần kiếm một cái cây thật chắc thọc vào từ từ, nhè nhẹ mà khua. Lần lượt từng chú bò ra, chấp nhận việc bị tóm cổ bỏ vào giỏ. Nhưng cũng không ít chú "quyết tử thủ" trong nơi ẩn nấp. Cuối cùng, phải dùng cuốc để đào bờ ruộng, bắt các chú này ra...
Cá bắt về được rửa rất nhanh và phân loại để tránh bị ngộp chết và cho vào ảng nước rộng để ăn trong vài ngày. Nếu có nhiều cua, tôm, ốc bắt được cùng trong ao thì cùng đều nhặt riêng ra. Đầu tiên, nếu là bữa trưa, mẹ sẽ làm cho cả nhà một bữa cá rô chiên giòn rất riêng. Cá rô sau khi làm ruột, mẹ nướng sơ qua lửa than, rồi khử dầu phộng, chiên lên. Khi đưa vào miệng, béo ngậy cả vị đồng nội quê hương trong ấy. Tôi lại thường tìm những chú cá có bụng trứng to mà ăn. Vị trứng cá rô chiên lên ăn vào đầu lưỡi đã thấy ngon và béo, cứ muốn tìm và ăn nữa.
Minh họa: Trà My |
Nếu là tối thì cả nhà sẽ được một nồi cháo cá. Mẹ chọn những con cá tràu, cá trê, cá nhắt rồi làm ruột, đánh vảy sạch đi. Sau đó, toàn bộ cá được cho vào nồi nhỏ, luộc chín. Rồi mẹ cẩn thận ngồi lóc thịt cá ra khỏi xương, bỏ vào nồi cháo bên cạnh đang sôi nghi ngút khói. Ngậm vào từng hớp cháo cá mẹ nấu mà thấy vị ngọt, vị thơm, vị béo thấm dần trong từng thớ thịt. Bữa ăn cũng vui hơn, không khí gia đình cũng đầm ấm hơn trong đêm mùa gặt, sau cả ngày vất vả với lúa, với rơm rạ
Nhà không còn làm lúa, mùa gặt về trôi đi rất nhanh qua những đám ruộng nhà tôi giờ đã được cải tạo để làm hoa màu. Liên tiếp những mùa lúa thất thu, ba mẹ tôi quyết định không làm nữa. Không có lúa, cá cũng không về trong ao nữa và ao cũng cạn dần theo thời gian. Tôi rong ruổi theo từng nẻo đường, từng con chữ, lâu lâu mới về nhà. Đôi lúc về đúng mùa gặt, nỗi nhớ kéo đôi chân trần chạy trên bờ ruộng, vấp ký ức ngã nhào. Và miên man trong đầu những con rô, con trê, con tràu...
Bên đường, những đứa trẻ và cả những người lớn lại đang tát ao cá. Mùi rơm mới phơi một nắng bay lên, quện vào mùi bùn non từ nước tát cá làm trong tôi lại thấy nao nao. Dừng chân khá lâu, như tìm lại chính mình trong đó. Cho đến khi đôi mắt thấy cay xè, tôi nhấn số, chạy trở về như trốn một cái gì đó đang đến rất gần. Tôi của một thời đẵm bùn tát ao ơi!
Nguyễn Thành Giang
Ý kiến bạn đọc