Chiếc võng đay
Những cây đay thon tròn, thẳng đều tăm tắp mọc ven các bờ sông, trông có vẻ mảnh mai nhưng lại có lớp vỏ dẻo dai kỳ lạ. Khi cây đay cao quá đầu người thì được chặt về để bóc vỏ. Thân cây đay được dùng để rào giậu hoặc làm củi đun, còn lớp vỏ thì được tước nhỏ, se thành sợi dài dùng để đan võng. Võng đay được đan theo hình mắt cáo rất thông thoáng, là một vật dụng gần gũi, thân thuộc trong sinh hoạt của mỗi gia đình ở quê tôi.
Võng đay thường được mắc ở gian phía đông của ngôi nhà. Hai đầu võng được bắt với cột nhà và song cửa sổ bằng hai đoạn cành xoan hay ổi. Bởi vậy mà khi cần thì có thể di chuyển võng đến một nơi khác hoặc nếu không dùng nữa thì có thể tháo võng ra, treo lên gọn gàng. Buổi sáng mùa hè, võng thường được mắc dưới mái hiên để đón những cơn gió nồm na, mát rượi. Đến trưa thì đem võng ra vườn cây để hơi mát từ trên vòm lá phả xuống mơn man khắp thịt da. Chiếc võng đay màu vàng nâu già nua ấy là người bạn thân tình của bầy trẻ nhỏ, đem lại phút giây ngả lưng khoan khoái của thợ cấy, thợ cày sau những giờ lao động vất vả…
Có tuổi thơ nào mà không được nâng niu, che chở trong vành nôi, cánh võng. Bên chiếc võng êm đềm, tâm hồn trẻ thơ hạnh phúc biết bao khi được đón nhận nguồn sữa ngọt ngào và những lời ru dịu hiền, chan chứa yêu thương. Rồi cánh võng khẽ đu đưa đem về cái ngủ và những giấc mơ yên bình. Mẹ ru con, chị ru em rồi bà ru cháu. Mấy thế hệ được nuôi dưỡng, lớn khôn cả phần xác lẫn phần hồn bên cánh võng. Theo lời ru mát lành, cái bống cái bang, cái tôm cái tép, cái cò cái vạc… cùng trở về quấn quýt bên chiếc vòng đong đưa. Lời ru của mẹ nồng nàn, tha thiết: Bống ơi bống ngủ cho ngoan/Mẹ bống yêu bống ơ… ơ bống càng làm… à thơ. Lời ru của chị thì trong trẻo, hồn nhiên: Em tôi buồn ngủ buồn nghê/Buồn ăn cơm nếp… ơ… ơ cháo kê thịt gà. Còn khi bà nựng cháu thì lời ca sao trầm ấm, lắng sâu: Cái ngủ mày ngủ cho lâu/Mẹ mày đi cấy ơ… ơ… đồng sâu chưa về. Bao hình ảnh dung dị, thân thương cứ chập chờn, mờ tỏ trong câu ca dao ngân lên cùng nhịp võng đưa ru.
Chiếc võng đay là nơi tôi cùng bầu bạn ấu thơ còn để lại biết bao kỷ niệm của một thời hồn nhiên, tinh nghịch. Mỗi khúc sắn, củ khoai hay vốc lạc luộc, nắm bỏng ngô, bỏng gạo… là món quà từ nhà mang đến để chung vui, san sẻ cùng nhau. Năm, bảy đứa cùng trèo lên nô đùa khiến chiếc võng chao đảo như muốn cùng chơi. Khi đã mệt nhoài thì tất cả cùng nằm chất chồng trên võng, chân tay đan cài vào nhau mà ngủ lúc nào không biết. Chiếc võng đay cùng chúng tôi lớn lên.
Những dấu buộc dây võng trên cột nhà, cột hiên hay cây nhãn, cây xoài đã hằn in dấu vết tháng năm… Rồi chúng tôi khoác ba lô tạm biệt xóm làng; để lại mắc võng bên những cánh rừng, trên những ngọn đồi heo hút, xa lắc xa lơ… Trên dặm dài đất nước, chúng tôi vẫn thấy hiện lên hình ảnh những bà, những mẹ bỏm bẻm nhai trầu trên chiếc võng, ánh mắt đăm đắm mong nhớ cháu con xa…
Đã lâu lắm rồi không được nhìn thấy chiếc võng đay thô kệch, màu vàng nâu giản dị đã gắn bó bao đời với người nông dân quê tôi. Dẫu bây giờ có nhiều loại võng bằng cước, bằng ni-lông, võng vải, võng gấm… thay thế nhưng tôi vẫn thấy tiêng tiếc thế nào khi bên nhịp võng cứ thưa dần những lời ru ngọt ngào, dịu mát như ngày xưa mẹ đã ru tôi…
Trần Văn Lợi
Ý kiến bạn đọc