Ngẫm suy nghề báo
Thư ký cho cuộc đời
Đôi khi ngồi lách cách gõ trên máy vi tính để viết từ những điều thật nhỏ bé và giản dị, tôi cứ mỉm cười: nhà báo – thư ký cho cuộc đời!?
Tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, công nhân viên Báo Dak Lak trong dịp kỷ niệm 88 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Ảnh: Giang Nam |
Thư ký cho cuộc đời, tại sao không nhỉ khi mỗi ngày có hàng nghìn tác phẩm báo chí, thuộc nhiều thể loại khác nhau, phản ánh nhiều mặt của đời sống xã hội đã được biết bao đồng nghiệp của tôi, ở khắp mọi miền đất nước thu thập, ghi chép và truyền tải đến bạn đọc. Có thể nói không ngoa rằng, cuộc sống có gì thì báo chí chúng tôi luôn sẵn sàng và tình nguyện làm thư ký ở đó. Bởi thế, ở hầu hết các tòa soạn, các đài từ trung ương cho đến địa phương đều có sự phân công phụ trách lĩnh vực, chuyên mục, chương trình nhất định để quán xuyến, cập nhật thông tin kịp thời và nhanh nhất. Từng số báo được phát hành, từng chương trình phát thanh, truyền hình được phát sóng mỗi ngày là bức tranh thu nhỏ về cuộc sống. Ở đó, người ta không chỉ thấy những tin tức nóng hổi trên chính trường, những thành công, thất bại, vận thời, kế sách trong cuộc vần xoay với thương trường mà còn thấy đa dạng cả những sắc màu của đời sống văn hóa tinh thần đang hiện diện… Cũng có vui có buồn, có phút thư giãn nhưng cũng có những day dứt, trăn trở. Và cũng ở đó, với những người làm nghề như chúng tôi, nhìn vào mỗi ấn phẩm, chương trình là thấy biết bao mồ hôi, trí lực, sự dày công của đồng nghiệp. Một mẩu tin đôi ba dòng, một chương trình lên sóng vài phút, một tấm hình minh họa cho bài viết cũng là cả một hành trình từ đi, thu thập tư liệu, suy nghĩ và viết; kiên nhẫn chờ đợi và quan sát để chớp được những khoảnh khắc mang tính thời sự trong những bức ảnh biết nói…
Bất chợt hôm nay ngồi cà phê, nghe chuyện của mấy vị khách bàn bên cạnh về việc công ty “ma”, công ty “ảo” trong kinh doanh cà phê. Cuộc trò chuyện, tranh luận xem ra chưa ngã ngũ và có lẽ sẽ khó dừng lại nếu không có một người trong số họ đưa ra tuyệt chiêu để ngắt lại cuộc bàn thảo đang đến cao trào này: “Ôi trời, cứ để xem, thế nào báo chí chả vào cuộc!”. Chợt thấy vui và yêu nghề đến thế! Ngẫm ra đâu phải chỉ có trên thương trường, những nhà kinh doanh mới cần quan sát và nắm bắt quy luật cung – cầu; bài toán ấy cũng đang đặt ra cho những người làm báo như chúng tôi trong giai đoạn cách mạng mới của đất nước. Tất nhiên cung – cầu trong báo chí sẽ có những giới hạn nhất định và ngoài sự điều chỉnh của các quy phạm pháp luật, lương tâm trách nhiệm người cầm bút mới là sự điều chỉnh, dẫn đường xuyên suốt, thường trực nhất trong cuộc đời sẽ không thiếu cạm bẫy và dâu bể này. Có phải cũng chính bởi ngọn đèn lương tâm, trách nhiệm ấy ở những người làm báo chân chính đã làm nên điều khác biệt, ý nghĩa khi họ sắm vai thư ký cho cuộc đời. Không chỉ ghi lại chân thực, chính xác, khách quan, hơn thế họ phải luôn tự tìm hiểu, nghiên cứu, sáng suốt để biết sàng lọc, lực chọn và truyền tải, định hướng thông tin để góp phần xây dựng cuộc sống ngày càng lành mạnh và tốt đẹp hơn. Đặc biệt nữa là trong rất nhiều trường hợp, những vị thư ký ấy là những người không mời mà đến. À! Cũng không sao dù sẽ không được chào mời và tiếp đón chu đáo. Nhưng thế mới thấy “khoái” khi được dẫn thân và thử “máu nghề”. Và một phần hạnh phúc, vinh quang, tự hào được làm thư ký cho cuộc đời chính là ở những chỗ ấy. Cuộc sống có những thanh âm trong trẻo cần được ngâm nga cho lạc quan và xúc cảm thăng hoa nhưng cũng cần có những gai góc, hiểm nguy, khó khăn, những nốt nhạc buồn cần nhà báo lên tiếng để làm thanh lọc, thổi lửa ấm yêu thương hơn trong trái tim con người.
Mỗi hoàng hôn khép lại ngày cũ, mỗi bình minh thức gọi một ngày mới, những người cầm bút lại tự đếm để chào đón nhịp đời gõ phách… Rồi lại yêu say và không mệt mỏi để làm thư ký cho cuộc đời…
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc