Phần cơm của nội
Tôi sinh ra khi nước nhà còn bị chia cắt. Quê hương tôi miền Trung khô cằn sỏi đá, ngày ấy nhà tôi thuộc diện nghèo nhất nhì trong thôn, lại đông người nên “ấm no thì thỉnh thoảng, đói nghèo thì thường xuyên”. Những năm sau giải phóng và trước đổi mới, miền quê nghèo khổ của tôi không sao tả hết những nỗi nhọc nhằn, hầu hết những người trong thôn kẻ lên rừng hái măng, đào củ mài, người xuống biển mò tôm bắt ốc để thay cơm làm bữa.
Ảnh minh họa |
Bữa cơm của nhà tôi ngày ấy chỉ có nửa lon gạo (tương đương 0,12 kg), hôm nào “sang trọng” thì được độn khoai lang, sắn; thường thì độn củ mài, củ chuối nước… Trong chín người ăn chỉ có tôi và bà nội là trong chén phần cơm nhiều hơn, còn cha mẹ và 5 anh chị của tôi thì toàn khoai dính cơm. Có hôm tôi dỗi hờn không chịu ăn vì khoai nhiều quá, bà nội lại sớt hết phần cơm của bà cho cháu, dỗ dành rằng khoai cơm gì cũng phải cố ăn cho mau lớn, chăm ăn, chăm học để thành ông tú, ông cử sau này, tôi nũng nịu rằng cháu chỉ mong ước làm sao nhà ta không còn ăn khoai nữa.
Tuổi thơ hồn nhiên, tôi lớn lên trong vòng tay chở che của bao người. Rồi anh chị tôi, tôi và những người thuộc thế hệ của tôi đã lần lượt trưởng thành từ xóm thôn nghèo ấy, khi tôi thành “ông cử” thì nội tôi đã về cõi vĩnh hằng.
Hằng năm, những ngày gia đình có việc quan trọng, cha mẹ tôi tập hợp cho kỳ được các con cháu, dù có đứa ở cách xa cả ngàn cây số, bữa ăn toàn cơm trắng, thỉnh thoảng mẹ tôi lại thích độn vài loại củ cho nồi cơm thêm thơm. Lũ cháu nội, cháu ngoại cứ mỗi lần được về quê là chúng thích thú vô cùng, thích vì chúng được ăn củ lang, củ sắn, củ mài… Bữa cơm, chúng bảo bà phải độn cho chúng thật nhiều củ, rồi chúng giành nhau cho được phần nhiều hơn. Nhìn bọn chúng, bất chợt ký ức về một thời tuổi thơ nghèo khó lại trào dâng, nghèn nghẹn, tôi không sao giấu được những giọt nước mắt. Điều mơ ước giản dị của tôi ngày thơ ấu đã thành hiện thực từ khi nào tôi không nhớ rõ, tất cả những người trong gia đình tôi và những người trong cái thôn nghèo dạo ấy không còn ăn cơm độn khoai nữa. Tôi thấy thương bà nội vô cùng, suốt cuộc đời nội tần tảo, hy sinh cho con cháu mà có lẽ chưa một lần nội tôi đươc ăn cơm trắng.
Trương Văn Bá
Ý kiến bạn đọc